Sẵn sàng dấn thân, chấp nhận nguy hiểm để giúp đỡ cộng đồng

Dịch Covid-19 với biến chủng Delta đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía nam. Hàng chục triệu người trong các vùng tâm dịch đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Chính phủ, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để vừa chống dịch, vừa kịp thời hỗ trợ nhân dân về mọi mặt.

Những hoạt động thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường (Cường béo) khiến mọi người cảm động và thán phục.
Những hoạt động thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường (Cường béo) khiến mọi người cảm động và thán phục.

Thực hiện lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện, sẵn sàng dấn thân, chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng để giúp đỡ cộng đồng.

Nhiều người dân nghèo sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đều biết đến hai quán cơm chay thiện nguyện mang tên "Cường Béo". Chủ quán là anh Vũ Quốc Cường, sinh năm 1975, ngụ tại phường Bến Nghé, quận 1. Ngay khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại phía nam, anh Vũ Quốc Cường đã huy động gia đình và bạn bè tổ chức nhiều hoạt động tích cực để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như những người dân gặp khó khăn. Không may, trong quá trình làm công việc thiện nguyện, anh bị mắc Covid-19 và qua đời ngày 22/8. Tiếp tục thực hiện tâm nguyện của cha, con trai anh hiện vẫn đang tiếp tục điều hành mọi công việc mà cha để lại.

Ngay khi biết câu chuyện cảm động này, ngày 28/8 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chia buồn tới chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, vợ anh Vũ Quốc Cường. Bức thư có đoạn: "Những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội".

Những ngày qua, tấm gương quên mình giúp người của anh Vũ Quốc Cường đã gây xúc động sâu sắc trong xã hội, cho thấy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cùng giúp nhau lúc khó khăn hoạn nạn của người Việt Nam vẫn không ngừng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo nên sức sống kiên cường của cả dân tộc.

Tại những địa phương đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19, đã có rất nhiều câu chuyện xúc động về những con người có tấm lòng thơm thảo và tinh thần quả cảm đối với cộng đồng. Không ngại hiểm nguy, những người tham gia công tác thiện nguyện luôn sẵn sàng dấn thân vào tâm dịch, đến từng khu phố, gặp từng người có hoàn cảnh khó khăn để trao gửi những suất quà nặng tình nghĩa đồng bào.

Trong cuộc sống thường ngày, họ là những con người bình dị, công việc, điều kiện và khả năng kinh tế khác nhau, nhưng khi đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn, tất cả đều nhiệt tình tổ chức, tham gia nhiều công việc có ý nghĩa cho cộng đồng, từ việc đóng góp ủng hộ, thu gom lương thực, thực phẩm, góp lửa yêu thương, nấu những bữa cơm nóng hổi,... đến xung phong chở bệnh nhân F0 đến nơi điều trị, hoặc chăm sóc tại các cơ sở y tế... Họ không nề hà, quản ngại khó khăn, vất vả, thấy hạnh phúc khi mỗi ngày giúp thêm được cho nhiều người, và không cần được ai biết đến. Nhưng chính xã hội, cộng đồng thì không bao giờ có thể quên những ân tình ấy.

Tại TP Hồ Chí Minh trong suốt nhiều ngày qua, rất nhiều nhóm thiện nguyện đã làm việc không ngơi nghỉ. Chị Châu Nguyễn Thanh Hằng và nhóm từ thiện Hoa Tâm ở phường 16, quận 4 mỗi ngày cung cấp khoảng 1.200 suất ăn chuyển đến tận tay người dân ở một số khu cách ly, và những người lao động tự do đang gặp khó khăn.

Ở phường 8, quận Gò Vấp, anh Dương Thiện Chơn, chủ một nhà hàng cùng các cộng sự mỗi ngày đứng bếp nấu 800 suất ăn từ thiện gửi tặng bà con khu vực cách ly và người nghèo. Anh Nguyễn Thế Mỹ ngụ tại số 96 Nguyễn Chí Thanh, quận 10 mỗi ngày phát 500-1.000 suất cơm cho người nghèo trên địa bàn thành phố, mỗi suất cơm kèm thêm 20.000 đồng để bà con mua rau phụ thêm vào bữa chiều. Chị Ðỗ Phạm Nguyệt Thanh ở phường 13, quận 4 cùng thành viên trong gia đình gồm ba thế hệ làm 25.000 tấm chắn giọt bắn gửi tặng các lực lượng tuyến đầu.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, 95 tuổi tại phường 5, quận Gò Vấp miệt mài ngày đêm may khẩu trang tặng người dân phòng, chống dịch. Quán cơm chay Bình An tại số 49 Ngô Quyền, quận 10 mỗi ngày phát 4.000 suất ăn cho người đang gặp khó khăn. Chị Trần Thị Hiền Minh ở khu phố 6, TP Thủ Ðức và bếp ăn từ thiện "Bếp cô Minh" quyên góp hàng chục tấn gạo, 7.000 quả trứng, 800 chai nước mát, 600 ổ bánh mì, 1 tấn rau xanh, 100 kg thịt lợn và 400 con vịt để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu. Nhóm từ thiện của anh Phạm Hữu Tình, quê ở Thái Bình đang sống tại tâm dịch mỗi ngày nấu và phát 3.000-3.800 suất cơm gửi đến nhân viên y tế, và những người dân gặp khó khăn trong khu cách ly...

Chứng kiến cảnh dịch bệnh hoành hành, anh Võ Tuấn Thanh (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) vốn là bộ đội lái xe xuất ngũ đã viết đơn xung phong tình nguyện lái xe chở các trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn thị trấn Tân Túc đến nơi cách ly, điều trị. Không quản ngại thời tiết, ngày hay đêm, đến nay anh chở hàng trăm trường hợp nhiễm Covid-19 tới các cơ sở y tế kịp thời.

Dù không sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, nhưng với tinh thần sẻ chia, anh Ðặng Minh Trí (24 tuổi, xã Ðức Ninh, TP Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cùng cha là ông Ðặng Tri Thông (58 tuổi) đã xung phong tình nguyện vào quận 10 giúp người dân chống dịch. Trước đó, khi dịch bệnh bùng phát ở Bắc Giang, anh Ðặng Minh Trí đã lặn lội hàng trăm cây số ngược ra Bắc Giang tình nguyện tham gia cùng địa phương chống dịch với nhiệm vụ hằng ngày là hỗ trợ vận chuyển vật tư thiết bị, mẫu bệnh phẩm, đưa bệnh nhân tới cơ sở điều trị. Kinh nghiệm tại Bắc Giang giờ đây tiếp tục được anh phát huy tại TP Hồ Chí Minh.

Ðặc biệt, khi đất nước, đồng bào gặp khó khăn, các tăng, ni, linh mục, tu sĩ, tín đồ tôn giáo cũng không đứng ngoài cuộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát động phong trào "Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch". Rất nhiều tăng, ni, phật tử ở nhiều địa phương, tại nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước đã đăng ký xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Ước tính hiện nay có khoảng 1.000 tăng ni, cư sĩ, phật tử đã có mặt tham gia lực lượng tuyến đầu. Nhiều chùa, cơ sở thờ tự, tôn giáo đã nhiệt tình tham gia phong trào "Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch", phát tâm đăng ký, đề nghị chính quyền sở tại sử dụng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Các Tòa Giám mục trên cả nước đã kêu gọi linh mục, tu sĩ và tín đồ phát huy tinh thần chia sẻ và chung tay tham gia các hoạt động phòng, chống dịch và thiện nguyện. Ngày 22/7, gần 200 linh mục, tu sĩ đã lên đường vào các bệnh viện dã chiến. Ngày 11/8, 70 tình nguyện viên là chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo tham gia hỗ trợ công tác điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (62 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh (8 người)…

Ðáng chú ý, trong đội ngũ tham gia hoạt động thiện nguyện tại tâm dịch còn có rất nhiều người từng là đối tượng F0. Anh Bùi Minh Tài, 28 tuổi, nhóm trưởng đội "Ô-xy yêu thương" quận 9 (TP Hồ Chí Minh) và người thân từng bị mắc Covid và người cha của anh đã không qua khỏi. Trải qua mất mát quá lớn ấy, anh Bùi Minh Tài quyết định ngay khi khỏi bệnh sẽ tình nguyện tham gia công tác xã hội với mong muốn góp phần giúp cộng đồng không ai phải chịu đựng nỗi đau mất người thân giống như gia đình mình. Ðội "Ô-xy yêu thương" của anh ra đời. Hằng ngày, Tài cùng các đồng đội len lỏi qua hàng chục con phố, chở bình ô-xy miễn phí đến các bệnh nhân đang điều trị Covid-19. Cũng từng là một F0, sau khi được các bác sĩ cứu chữa khỏi bệnh, anh Trần Hoài Trọng (23 tuổi) đã tình nguyện ở lại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 (phường Tân Thới Nhất, quận 12) để tiếp tục chăm sóc, động viên tinh thần cho các bệnh nhân khác.

Còn rất nhiều hình ảnh đẹp, câu chuyện cảm động về những tổ chức, cá nhân tham gia công tác thiện nguyện ở nơi tuyến đầu, đã làm sáng thêm ngọn lửa ấm tình người trong dịch bệnh. Việc tự nguyện đương đầu với dịch bệnh, hành động theo sự thúc giục của trái tim, chung tay chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng vơi bớt khó khăn là việc làm thiết thực góp phần giúp người dân bình tĩnh, yên tâm hơn trong khó khăn dịch bệnh, kịp thời, mang đến hơi ấm tình người đối với những mảnh đời, số phận thiệt thòi, yếu thế trong xã hội. Sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ thiện nguyện còn giúp chính quyền các địa phương giảm bớt áp lực khi mà số người cần giúp đỡ là rất lớn, lực lượng tuyến đầu dù cố gắng hết sức cũng khó có thể nhanh chóng đảm đương hết mọi công việc.

Có thể nói, thời điểm dịch bệnh trùng trùng khó khăn này là lúc chúng ta càng cảm nhận rõ nét về tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào. Lẽ sống, niềm tin, tinh thần thiện nguyện cao đẹp đó đã góp phần làm nên dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất, trở thành niềm tự hào của tất cả chúng ta về sự dấn thân, quả cảm, tấm lòng nhân ái, thiện nguyện trong xã hội, sẵn sàng phụng sự đất nước, cộng đồng. Với quyết tâm, nỗ lực của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân, dịch bệnh chắc chắn sẽ từng bước được khống chế, đẩy lùi. Và một điều quan trọng là qua khó khăn tinh thần dân tộc, tính nhân văn, sự ấm áp của tình người sẽ càng thêm tỏa sáng trong mỗi chúng ta, góp phần bồi đắp truyền thống tốt đẹp và những giá trị văn hóa sâu bền của dân tộc, tạo nên sức mạnh của đất nước ■

VŨ QUỲNH và THI PHONG