Sài Gòn đi trước về sau

TP Hồ Chí Minh trên đường đổi mới.
TP Hồ Chí Minh trên đường đổi mới.

Sài Gòn trước đây, TP Hồ Chí Minh ngày nay, do hoàn cảnh địa lý, lịch sử đặc biệt nhạy cảm trong đời sống kinh tế, chính trị, mỗi biến  động ở đây đều có ảnh hưởng sâu sắc đến các tỉnh phía nam và cả nước. Sài Gòn mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ ngày 23-9-1945, cùng toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-12-1946.

Dựa vào sự có mặt của quân Anh tại nước ta với danh nghĩa quân đồng minh, giải giáp quân Nhật, thực dân Pháp liên tục gây hấn, nổ súng khiêu khích vào các cơ quan đoàn thể, chính quyền ta ở Sài Gòn, bọn phản động tay sai cũng ngóc đầu dậy chống phá cách mạng. Thực dân Pháp liên tiếp gửi các đơn vị quân đội sang Việt Nam dưới các hình thức ngụy trang khác nhau... Bóng đen của cuộc chiến tranh đang bao trùm lên Sài Gòn. Tình thế hết sức nguy cấp. Chính quyền cách mạng non trẻ của ta đã nhanh chóng huy động công nhân, nông dân, trí thức tham gia kháng chiến với tinh thần hăng hái, yêu nước. Trang bị chỉ là tầm vông vạt nhọn, giáo mác và một ít súng nhưng tràn đầy nhiệt huyết yêu nước.

Ðể có thời gian chuẩn bị lực lượng, tạm thời giữ "hòa khí" với quân đồng minh trong tình thế rất phức tạp, UBND Nam Bộ dời về dinh Ðốc Lý (dinh xã Tây), nhường trụ sở ở Nam Bộ phủ (dinh toàn quyền) cho phái bộ Ðồng Minh. Khi  ta rút đi, họ lập tức trao lại trụ sở cho quân Pháp như một hành động khiêu khích chính quyền cách mạng. UBND Nam Bộ hết sức mềm dẻo, kiềm chế, nhân nhượng, quân Anh - Pháp càng lấn tới. Nhận thức được tình thế phức tạp, chính quyền ta ra lệnh tản cư người già, trẻ em, phụ nữ ra khỏi thành phố, các trạm tuyển quân được thành lập nhiều nơi. Nền độc lập dân tộc đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tổ quốc lâm nguy. Nhân dân Sài Gòn - Gia Ðịnh - Chợ Lớn chưa tròn một tháng được hưởng quyền tự do, độc lập, lại một lần nữa đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm, đương đầu với kẻ thù đông về số lượng và được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại.

Sáng 23-9-1945, các đội tự vệ chiến đấu, thanh niên xung phong, công an xung phong, công đoàn xung phong đã chiến đấu, chống trả sự gây hấn của địch, nhiều cuộc chiến quyết liệt xảy ra khắp thành phố Sài Gòn, đặc biệt là cuộc chiến đấu tại cột cờ Thủ Ngữ, một tiểu đội tự vệ bảo vệ cột cờ chỉ với ít súng, lựu đạn, dao găm chống trả một đại đội địch. Cả tiểu đội hy sinh, bọn địch phải khiếp sợ, khâm phục lòng quả cảm của chiến sĩ ta. Các địa danh trở nên nổi tiếng vì các cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch ở trung tâm thành phố, như ga xe lửa, chợ Bến Thành,  đường Bonard, cầu Ông Lãnh, chợ Cũ, cầu Muối, cầu Thị Nghè, cầu Bông, chợ Tân Ðịnh, Nhà đèn Chợ Quán, chợ Bàn Cờ, v.v. Các chiến sĩ tự vệ ta, người trước ngã, người sau xông lên chiến đấu, các cánh quân được thành lập từ các tỉnh Nam Bộ đã kịp về Sài Gòn chi viện cho các đơn vị vũ trang chiến đấu nội thành, súng nổ khắp nơi, Sài Gòn mất điện hoàn toàn, các cuộc tổng bãi công, bãi thị diễn ra khiến kẻ địch nhiều phen kinh hoàng...

Ở miền bắc, miền trung có hàng vạn người xung phong đầu quân vào nam chiến đấu, dọc các tuyến đường sắt, bà con mang cờ, biểu ngữ, bánh trái chào đón nồng nhiệt các đoàn quân Nam tiến. Sức người, sức của cả nước nhanh chóng, kịp thời chi viện cho Sài Gòn, góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, hình thành các mặt trận chung quanh và nội ô Sài Gòn - Gia Ðịnh - Chợ Lớn.

Thực hiện chủ trương của Ðảng, ngay từ những ngày đầu kháng chiến "lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn", "không rút đi xa, cố bám đất, bám dân, làm chiến tranh du kích, làm chiến tranh nhân dân", đại bộ phận các cơ quan dân, chính, đảng và sở chỉ huy các đơn vị vũ trang chuyển về An Phú Ðông - Thạnh Lộc (quận 12 ngày nay). Chiến khu An Phú Ðông trở thành biểu tượng của cuộc chiến đấu gian khổ những ngày đầu kháng chiến ở Sài Gòn - Gia Ðịnh.

Ngoài ra, còn có các căn cứ khác như Phú Thọ Hòa, Bình Hưng Hòa, Tân Hòa, Vĩnh Lộc, Bưng sáu xã... nhằm xây dựng lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến  quy mô đang ngày càng mở rộng trên các chiến trường.

Ðến cuối  mùa thu năm 1946, trong nội thành Sài Gòn  - Gia Ðịnh - Chợ Lớn đã hình thành hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang khá mạnh và phát triển rộng khắp. Các ban công tác, tự vệ thành, công an xung phong, trinh sát vũ trang... phân chia khu vực hoạt động, cùng với các tỉnh Nam Bộ đã gây cho địch nhiều lúng túng, lâm vào tình thế bị động không thể thực hiện âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh. Lần đầu tại vùng Trung Hưng - Ràng ven Sài Gòn - Gia Ðịnh, bộ đội ta tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Lữ đoàn lê dương 13 nổi tiếng thiện chiến không còn dám càn quét, hống hách, nghênh ngang như trước. Chiến thắng chống càn tại mặt trận Trung Hưng - Ràng (Hóc Môn) năm 1946 đánh  dấu giai đoạn "đi trước" của Nam Bộ để từ đấy, quân dân Sài Gòn  - Gia Ðịnh - Chợ Lớn bước vào giai đoạn lịch sử mới, cùng cả nước kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch  Hồ Chí Minh. Và 20 giờ ngày 19-12-1946, cả nước lắng nghe lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời thiêng sông núi thấm vào từng người con đất nước. Ðài Tiếng nói Việt Nam kịp truyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng: "Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến!..." Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu, một chặng đường lịch sử đặc biệt khó khăn và thử thách, trong điều kiện không cân sức với kẻ thù xâm lược, nhưng với quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được, 15 tháng đầu chiến đấu, củng cố và xây dựng lực lượng mọi mặt tạo ra tiền đề quan trọng về tinh thần và lực lượng để quân và dân Sài Gòn - Gia Ðịnh - Chợ Lớn bước vào giai đoạn kháng chiến toàn quốc tiếp theo... Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước...". Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang dậy sông núi, có tác động cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc xâm lược,  thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hòa cùng tiếng súng cả nước, quân dân Sài Gòn - Gia Ðịnh - Chợ Lớn đẩy mạnh công tác kháng chiến, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử giao phó "đi trước về sau".

Kỷ niệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, một chặng đường lịch sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc, chúng ta càng tự hào, vững tin vào sự lãnh đạo của Ðảng xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Sài Gòn hôm qua, TP Hồ Chí Minh hôm nay đang cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.