Thực trạng sách dịch
Quan sát thị trường sách hiện nay, có thể thấy sách dịch từ tiếng nước ngoài chiếm một tỷ trọng khá lớn tại Việt Nam. Tìm hiểu hai NXB được đánh giá là "ăn nên làm ra" trong tình cảnh bức tranh ngành xuất bản có nhiều mảng tối, được biết: Tỷ lệ xuất bản sách dịch mỗi năm của NXB Kim Đồng so với sách "thuần Việt" khoảng 50/50, còn NXB Trẻ là 40/60. Xem ra có vẻ cân bằng, nhưng đấy mới chỉ tính trên đầu sách, còn số lượng ấn bản các cuốn sách dịch thì lại mang tính áp đảo. Đã có thời, sách dịch chiếm tới 90% thị phần của thị trường sách! Có một sự thật, các loại sách dịch về kinh tế, khoa học tự nhiên -xã hội, kỹ năng, sách thiếu nhi nước ngoài (nhất là truyện tranh)... có số lượng "áp đảo" so với sách trong nước, đủ thấy sự đóng góp không nhỏ của thể loại sách này trong đời sống văn hóa đọc của người Việt. Với sách văn học thì sao?
Hằng năm, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội đều tổ chức xét trao giải thưởng về dịch thuật văn học. Là thành viên Hội đồng văn học dịch của cả hai hội, chúng tôi luôn phải nhận sự "ghen tị" từ các đồng nghiệp vì công việc xét giải quá... nhẹ nhàng.
Trong số sách đề cử vào giải, nếu như Hội đồng thơ phải đọc hơn 200 cuốn, Hội đồng văn xuôi hơn 100 cuốn, thì Hội đồng văn học dịch năm nào nhiều nhất cũng chỉ từ tám đến mười cuốn. Điều này chứng tỏ, sách văn học dịch tuy nhiều nhưng những cuốn hay thì vẫn hiếm. |
Điều bất bình thường là, những tranh luận về dịch thuật thường ít có sự tham gia của giới học thuật mà do các phóng viên văn hóa của một số cơ quan báo chí dẫn dắt bằng cảm tính và kinh nghiệm cá nhân. Dịch giả Lê Huy Bắc ngán ngẩm than rằng: "dịch như là sự nản chí" vì "đây là công việc sáng tạo, tiền được trả không nhiều nhưng dễ bị trở thành đề tài mạt sát cho những người khác...". Nếu trước kia, các cuốn sách dịch mang theo sứ mệnh truyền bá và nâng cao tri thức cho người đọc, thì ngày nay đa phần là đơn đặt hàng của các nhà sách, dựa trên các danh hiệu, giải thưởng hằng năm của những cuốn sách này. Chưa kể, việc dịch và xuất bản sách còn bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế thị trường. Thay vì coi đó là một sản phẩm sáng tạo, đòi hỏi sự lao động tỉ mỉ, cẩn trọng thì người ta chỉ muốn nó được dịch thật nhanh để thỏa mãn độ "hot" trên sạp. Và khi chúng ta chưa có những dịch giả thật sự chuyên nghiệp, những người chỉ coi việc dịch thuật là "cho vui", thỏa mãn cơn "bốc đồng nghệ thuật" hoặc nhu cầu mưu sinh thì việc dịch vội, sai, ẩu, âu cũng là chuyện thường tình!
Đi tìm một lý thuyết về dịch sách
Chúng ta hiện chưa có mô hình bài bản về việc dịch văn học, chưa có phương pháp luận, tiêu chí và các kỹ năng rõ ràng, việc dịch hầu như chỉ là kinh nghiệm cá nhân của người dịch dẫn đến chất lượng sách dịch không cao, thậm chí gây ra những hậu quả không hề nhỏ.
Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ tám (2010) đã đề ra quyết tâm trong nhiệm kỳ năm năm sẽ thành lập một trung tâm dịch thuật văn học, tương tự như mô hình Viện Dịch thuật văn học của Hàn Quốc để việc quảng bá (văn học Việt) và du nhập (văn học ngoại) được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và mang tính học thuật cao hơn. Thế nhưng, gần hết nhiệm kỳ BCH khóa này mà dự định ấy vẫn còn xa vời.
Trong bối cảnh đó, việc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về dịch thuật văn học, có sự tham gia của các dịch giả quốc tế đến từ Cộng hòa Pháp đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Trong hai ngày (từ 27 đến 28-10-2014), các dịch giả và nhà nghiên cứu văn học đã bàn thảo sôi nổi và tương đối toàn diện về công việc khó khăn này. Trước hết, dịch văn học có cần lý thuyết không? Ngoài những chuẩn mực kinh điển: tín (chính xác), đạt (thành công), nhã (hay), thì ở nước ta đã thật sự có lý thuyết dịch thuật chưa? Đa phần người tham gia đều cho là cần phải có lý thuyết. Dịch giả Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng văn học dịch, Hội Nhà văn Việt Nam đã đưa ra bốn nguyên tắc chung của việc dịch, đó là: nguyên tắc về vốn kiến thức văn hóa, nguyên tắc tư duy hai ngôn ngữ - quyết định bản chất của công việc dịch thuật, nguyên tắc đối chiếu đa ngữ và nguyên tắc về tính kiên trì.
Thế nhưng, một dịch giả nổi tiếng, giáo sư Nô-en Đuy-tơ-rêt đến từ Đại học Aix Mácxây (Pháp), người đã dịch các sáng tác của hai tác giả đoạt giải Nô-ben văn học năm 2000 và 2012 là Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn lại nhẹ nhàng phản biện rằng, ông không hề có một nguyên tắc dịch thuật nào cả! Với ông, dịch là công việc sáng tạo, chúng ta cần hiểu rõ môi trường văn hóa, tuân thủ văn phong của tác giả cùng với nguyên tắc của ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn, thế là đủ.
Đồng ý "dịch là một quá trình sáng tạo", tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên trong tham luận "Dịch văn chương luôn là (những) vi phạm" còn cho rằng: Không bao giờ có một bản dịch nào giống hệt như bản gốc mà dịch chỉ là "sự bổ sung vào bản gốc". Dịch giả Đặng Anh Đào đưa ra một hình ảnh ví von thú vị: Người dịch là người đi tìm "trăng nơi đáy giếng", nghĩa là đi tìm bóng trăng chứ không phải vầng trăng trên trời (mà ai cũng có thể nhìn thấy). Bà nói, để có được lý thuyết dịch văn chương cần hai công cụ hỗ trợ là văn học so sánh (sự hiểu biết hệ thống biểu cảm, kiến thức văn hóa, lịch sử đa dạng) và bộ môn ngôn ngữ học, bao gồm cả các mã ngôn ngữ (như tính biểu tượng, tính quy ước...). Bà mở rộng ra khía cạnh xã hội của sách dịch và dịch sách khi nhận xét chúng ta đang phải đối mặt sự bành trướng của văn hóa nước ngoài vì bây giờ nhiều cuốn sách xuất bản bị dẫn dắt bởi thị trường chứ không phải nhu cầu của giới tinh hoa...
Thay mặt các nhà khoa học đến từ Pháp, GS Nô-en Đuy-tơ-rêt chia sẻ: Dịch thuật là ngành "khoa học không chính xác", dựa trên ý chí cá nhân của từng dịch giả, ít khi kiến thức về mặt lý luận được áp dụng vào bản dịch. Và nếu có thì nó xảy ra theo chiều ngược lại, tức là từ những tác phẩm dịch thành công, người ta đặt ra những vấn đề cho lý thuyết. Ý chí, quyết tâm, sự kiên trì... mới chính là nền tảng của ngành nghệ thuật này. Người dịch phải là một người biết... liều, và không may nếu có nhầm lẫn thì phải dũng cảm thừa nhận. Không có bản dịch nào là bất tử, một tác phẩm có thể có nhiều người dịch và được dịch đi dịch lại nhiều lần, thí dụ như đối với Đốt-xtôi-ép-xky.
Có thể coi "kiến nghị" của dịch giả Nguyễn Văn Dân nói lên nguyện vọng của đội ngũ những người làm công việc dịch sách văn học hiện nay: "Dịch thuật vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Và như thế, dịch giả phải là một nghệ sĩ uyên bác.
Tôi mong các bạn đồng nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp, nhất là Hội Nhà văn Việt Nam, cùng các cấp có thẩm quyền, hãy quan tâm hơn nữa đến chất lượng của dịch thuật và đội ngũ dịch giả của nước ta, giúp nước ta bước vào con đường hội nhập văn hóa trong tư thế của một đất nước có trình độ tri thức cao".