Theo báo cáo, năm 2018, 100% nhiệm vụ đều đạt hoặc vượt kế hoạch năm, đặc biệt là chỉ tiêu về trồng rừng tập trung, giá trị xuất khẩu lâm sản. Sau ba năm thực hiện Chương trình (2016 - 2018), có 4/16 nhiệm vụ đã về đích trước hai năm so với nhiệm vụ đề ra, gồm: Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; năng suất rừng trồng bình quân hằng năm; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành.
Có 5/16 nhiệm vụ đạt trên 90% so với nhiệm vụ đề ra, gồm: Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc; diện tích rừng suy thoái được phục hồi; trồng rừng thâm canh; khoanh nuôi tái sinh rừng và chuyển hóa rừng sang kinh doanh gỗ lớn.
Có 7/16 nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, gồm: Giảm diện tích rừng bị thiệt hại; giảm số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; diện tích rừng đặc dụng tăng thêm; trồng rừng tập trung; trồng rừng sản xuất; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng cây phân tán…
Bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều nguyên nhân, quá trình thực hiện Chương trình còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới. Đó là vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, việc vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ vẫn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chưa quyết liệt, nhất là tại một số vùng trọng điểm phá rừng như Điện Biên, Bắc Cạn hay các tỉnh Tây Nguyên.
Kết quả trồng rừng tập trung không đồng đều giữa các vùng, một số vùng có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhưng kết quả phát triển rừng còn thấp, như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, quỹ đất trồng rừng ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách được các địa phương bố trí không tương xứng.
Trong đó, nổi bật nhất là tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2018 đạt 41,65%, tăng 0,2% so năm 2017, đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, giá trị SX lâm nghiệp tăng 6,09% so với năm 2017. Trong năm 2018 ngành chức năng đã phát hiện 12.945 vụ vi phạm pháp luật về BV&PTR, giảm 3.577 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị thiệt hại 936 ha, giảm 515 ha so với cùng kỳ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những thành tựu mà ngành lâm nghiệp đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ đạo Chương trình 886 trong thời gian tới phải tăng cường đôn đốc, giám sát các địa phương trong thực hiện Chương trình này; triển khai hiệu quả Luật lâm nghiệp và chủ động điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới cơ chế chính sách liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng. Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 71 ngày 8-8-2017 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo và phát vệ rừng. “Đặc biệt phải chỉ đạo và thực hiện nghiêm đề án khôi phục và phát triển bền vững rừng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này để cho thấy tầm quan trọng của nó, cho nên chúng ta phải tập trung làm. Tiếp đến, chúng ta phải nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình 886 giai đoạn sau”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.