Rộn ràng Thạt Luổng, lễ hội lớn nhất tại Lào

NDO -

NDĐT- Đến với thủ đô Viêng Chăn, Lào trong những ngày này, mọi người sẽ có cơ hội tham dự lễ hội Thạt Luổng, lễ hội văn hóa phật giáo lớn nhất của đất nước Triệu Voi.

Chiều 13-4, hàng nghìn người đổ về Thạt Luổng dự lễ rước Phạ Sạt Phơng tại lễ hội.
Chiều 13-4, hàng nghìn người đổ về Thạt Luổng dự lễ rước Phạ Sạt Phơng tại lễ hội.

Thạt Luổng, tiếng Lào có nghĩa là tháp lớn, là cơ sở phật giáo lớn nhất tại Lào và lễ hội Thạt Luổng diễn ra vào sát ngày rằm của tháng 12 Phật lịch và kết thúc vào đêm cuối của ngày rằm. Lễ hội Thạt Luổng có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Lào, vì là dịp để thể hiện sự đoàn kết, cầu bình an và hạnh phúc cho đất nước và người dân.

Tất cả mọi người dân Lào đều có niềm tin sâu sắc rằng tham gia vào các nghi lễ Phật giáo dịp Lễ hội Thạt Luổng thì cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Người không có điều kiện, không thể về tham gia lễ hội thì cũng cố gắng thực hiện các nghi lễ tại nơi mình sinh sống, như ở các vùng xa xôi hẻo lánh của Lào hoặc người Lào ở nước ngoài cũng sẽ thực hiện nghi lễ trùng với giờ tổ chức các nghi lễ tại lễ hội Thạt Luổng.

Lễ hội Thạt Luổng năm nay diễn ra trong bầu không khí vui mừng, phấn khởi khi Lào vừa tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 và đặc biệt hơn nữa là kỷ niệm 450 năm xây dựng Thạt Luổng.

Là đất nước Phật giáo là quốc giáo, các lễ hội thường được tính theo Phật lịch. Lễ hội Thạt Luổng năm nay chính thức bắt đầu từ ngày 12-11 và kéo dài tới hết ngày 14-11, tức ngày 15-12 Phật lịch. Trước đó một tuần, không khí lễ hội đã bắt đầu tràn ngập Thủ đô Viêng Chăn với hàng trăm gian hàng quanh khu vực quảng trường Thạt Luổng, trong đó có nhiều gian hàng bày bán các mặt hàng thủ công truyền thống, cũng như các món ăn truyền thống ở các tỉnh Bắc, Trung và Nam Lào. Khi đến đây du khách có thể chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công, cũng như cách thức chế biến các món ăn truyền thống của Lào. Đây là hoạt động được ban tổ chức thực hiện nhằm mục đích duy trì, quảng bá phong tục và văn hóa Lào đến với du khách trong và ngoài nước.

Cũng như mọi năm, lễ hội Thạt Luổng năm nay diễn ra nhiều hoạt động mang nghi lễ phật giáo. Chiều 13-11, hàng nghìn người đã tham gia vào lễ rước Phạ Sạt Phơng (Tháp sáp) từ chùa mẹ Xỉ Mương tới Thạt Luổng. Khi đến Thạt Luổng, những người rước sẽ khiêng Phạ Sạt Phơng đi vòng quanh Thạt Luổng ba vòng trước khi dừng lại ở hậu sảnh dâng lễ và được nhà sư tiếp nhận lễ vật với nghi thức trang trọng, thành kính. Phạ Sạt Phơng là một mô hình kiến trúc đền thờ chung quanh gắn hoa làm bằng sáp ong màu vàng rực rỡ. Trên chóp cắm hoa tươi và thường có các tua dây kết hoa hoặc tiền giấy. Nhiều làng hoặc các gia đình cũng làm Tháp sáp của riêng mình và dâng lên lễ để cầu may cho cả làng xóm nhân dịp lễ Thạt Luổng.

Sáng 14-11, các nhà sư và hàng nghìn người từ khắp cả nước Lào đã đổ về Thạt Luổng để tham dự lễ Tắc Bạt (dâng đồ cúng cho nhà sư). Các nhà sư kê bàn ngồi dọc hai bên đường vào để Phật tử và người dân dâng lễ gồm tiền, bánh kẹo, xôi và các nhà sư sẽ cầu an cho người dân. Tất cả mọi nghi lễ đều do các nhà sư điều hành, các nhà sư sẽ giáo huấn bằng lời răn của Phật như “chỉ làm điều thiện, không làm điều ác, tâm luôn trong sáng”. Việc vận dụng các lời dạy của Phật vào trong đời sống thường nhật sẽ giúp cho mọi người cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhà sư Vi-xiên Xô-la-văn (Visien Solavan) đến từ tỉnh Chăm Pa Sắc, Nam Lào cho biết, hằng năm, cứ đến tháng 12 lịch Phật Lào (tháng 11 lịch quốc tế) khi bắt đầu diễn ra lễ hội Thạt Luổng, sư sãi không chỉ ở khắp mọi nơi trên đất nước Lào mà ở cả các quốc gia láng giềng như Thái-lan, Cam-pu-chia và Việt Nam đều tập trung về đây tham dự lễ hội; đã theo đạo Phật, không kể là người dân tộc nào, quốc gia nào, tất cả đều tập trung về đây để được làm từ thiện cho các sư sãi. Đây là truyền thống đã có từ xa xưa, là dịp để tỏ lòng thành kính trước Đức Phật.

Nhà sư Vi-xiêng cho biết thêm, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhiều nhưng năm nay Thạt Luổng tròn 450 năm xây dựng và vừa mới được trùng tu, dát vàng lên đỉnh các ngọn tháp nên ông mong muốn được về tham dự, vì đây là truyền thống của quốc gia, của dân tộc và cũng để thỏa mãn tâm nguyện được ngắm nhìn tháp Thạt Luổng. Tại lễ hội Thạt Luổng, ngoài các nghi lễ mang tính tôn giáo thì người dân còn có cơ hội tham dự nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao khác để thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất của người Lào.

Lễ hội Thạt Luổng là lễ hội phật giáo lớn nhất tại Lào hàng năm, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự sự kiện này. So với mọi năm, quy mô tổ chức lễ hội năm nay rất quy củ và có quy mô lớn bởi năm nay là năm tròn 450 năm này xây dựng tháp Thạt Luổng. Theo nghi lễ, đêm cuối ngày 14-11 diễn ra lễ rước nến trong khu vực Thạt Luổng. Tại đây, hàng nghìn phật tử cầm trên tay ngọn nến thắp sáng, đi vòng quanh thảm cỏ bên trong khuôn viên Thạt Luổng. Vừa đi, họ vừa cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất đến với bản thân, đến với làng xã và đất nước luôn được ấm no, hạnh phúc.

Rộn ràng Thạt Luổng, lễ hội lớn nhất tại Lào ảnh 1

Sau ba vòng rước, mọi người sẽ cúng Tháp sáp của mình lên nhà sư.

Rộn ràng Thạt Luổng, lễ hội lớn nhất tại Lào ảnh 2

Phật tử và người dân tại lễ Tắc Bạt, một hoạt động không thể thiếu của lễ hội.

Rộn ràng Thạt Luổng, lễ hội lớn nhất tại Lào ảnh 3

Người dân đến thắp hương tưởng nhớ Vua Xệt-thả-thi-lạt, người có công tu bổ, xây dựng Tháp Thạt Luổng to, đẹp như hiện nay.

Rộn ràng Thạt Luổng, lễ hội lớn nhất tại Lào ảnh 4

Phóng sinh đôi chim sẻ, thể hiện lòng từ bi và cầu bình an, hạnh phúc tại lễ hội.

Rộn ràng Thạt Luổng, lễ hội lớn nhất tại Lào ảnh 5

Năm nay lễ hội Thạt Luổng được cho là tổ chức với quy mô lớn và có nhiều tăng ni, phật tử đến dự đông nhất trong nhiều năm trở lại đây bởi trùng với thời điểm kỷ niệm 450 năm xây dựng Thạt Luổng.