Kể từ khi thay đổi chế độ ở Romania vào năm 1989, nước này được coi là một trong những nước chậm tiến ở Đông Âu. Nhưng gần đây, nước này đã được Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao về thành tích chống tham nhũng, là một yêu cầu để nước này có thể gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2007.
Phóng viên BBC tại thủ đô Brussels Oana Lungescu viết về những tiến bộ của Romania trong thời gian qua.
Chuyến tàu chậm từ thủ đô Bucharest của Romania đến vùng Transylvania ở miền trung chưa cho thấy dấu hiện rằng nước này đang chuẩn bị gia nhập tổ chức giàu có nhất thế giới.
Trần toa xe lửa thì bị dột còn ghế ngồi thì lung lay. Những người bạn đồng hành của tôi, hai vợ chồng làm thủ thư đã về hưu, cũng cho rằng Romania vẫn chưa sẵn sàng để gia nhập EU.
Người phụ nữ nói: Không ai hiểu được ý nghĩa của việc gia nhập EU, nhưng tôi nghĩ các nhà chính trị sẽ không thể tha hồ vơ vét như bây giờ được vì đã có sự kiểm soát của EU.
Bạn của bà này nói: Chúng tôi không muốn trở thành những người đầy tớ cho EU. Chúng tôi sẽ không thể nấu món cháo ngô Romania được nữa, mà phải ăn những lát bánh mì đóng gói có tem dán bảo đảm ở ngoài bao.
Một sinh viên kinh tế tham gia cuộc nói chuyện.
Cô nói: Tôi cảm thấy lạc quan, gia nhập EU không cản trở việc người Italy làm món cháo ngô, còn bánh mì, thì chúng ta cần phải kiểm soát chất lượng. Với chúng tôi, việc gia nhập EU sẽ giống như mùa xuân đang đến.
Chúng tôi đi qua các ngôi làng nghèo ở miền nam Romania, nơi mà xe ngựa nhiều hơn máy kéo nhiều lần và rất nhiều nhà được làm bằng bùn và rơm, hướng tới những ngọn đồi dốc của Transylvania. Chúng tôi đi qua các vườn cây ăn quả đang ra hoa và các khu nhà giàu có hơn với nhà thờ Orthodox được lợp bằng tôn.
Nơi đến của tôi là thành phố Sibiu, sẽ trở thành một thủ đô văn hoá của châu Âu cùng với Luxembourg vào năm tới. Còn được biết đến với cái tên Hermannstadt, thành phố này đã ra đời cách đây 800 năm do những người định cư Đức xây dựng.
Tôi đến dự một buổi tập của nhóm Harmony, một nhóm học sinh trung học đang chuẩn bị tham dự liên hoan nhạc jazz hàng năm. Mỗi người trong nhóm đều nói mấy ngoại ngữ và coi việc gia nhập EU là một cơ hội để kết bạn và đi du lịch.
Ioana Muntean, một thành viên nhóm nhạc nói: Tôi yêu Romania, nhưng nếu tôi có cơ hội đi du học, chắc chắn tôi sẽ đi.
Thành phố Sibiu là bộ mặt hấp dẫn của Romania, không có chó chạy rông, những người Di-gan ăn xin hay những đưa trẻ mồ côi nhếch nhác trên được phố. Cả thành phố giờ đây là một công trường xây dựng. Bảy khách sạn mới đang được xây dựng và khu trung tâm đang được làm đẹp lên. EU đang đầu tư khoảng 60 triệu euros vào các dự án về nước và đướng sá.
Ông Klaus Johannis, thị trưởng thành phố nói: Từng đồng euro đang được sử dụng hiệu quả ở đây.
Nhưng với việc nhiều người kêu ca về nạn tham nhũng ở Romania thì liệu Sibiu có phải là một thành phố trong sạch hay không?
Ông thị trưởng trả lời: Đây là một thành phố trong sạch và tôi nghĩ các thành phố khác cũng như vậy. Chúng tôi có hơn 100 nhà đầu tư nước ngoài đến đây trong ba bốn năm vừa qua và họ cảm thấy hài lòng.
Nhưng thực tế không phải tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều cảm thấy hài lòng.
Scanmoor, một công ty kỹ thuật dân dụng Anh, muốn tham gia việc nâng cấp Quảng trường Sibiu, nơi đang cần tân trang. Công ty Scanmoor đưa ra giá 12,2 triệu euros, nhưng đã không trúng thầu mà một công ty của Đức đưa ra giá 15,7 triệu euros thì lại trúng thầu.
Người quản lý dự án Cornel Danila phàn nàn rằng: Thật đáng ngạc nhiên, bên đấu giá cao hơn lại thắng thầu, một điều không bình thường kể cả với Romania. Dường như tất cả đã được dàn xếp trước, và chúng tôi đang chuẩn bị kiện họ ra toà.
Nhưng công ty Scanmoor đã thắng thầu bốn dự án khác, nên công ty này không rời bỏ Romania, mặc dù có sự nghi ngờ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang theo dõi sát sao một chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có ở nước này. Phụ trách chiến dịch này là một người đàn ông 39 tuổi tên là Daniel Morar, mới nhận chức trưởng công tố chống tham nhũng.
Tôi lên tàu về Bucharest, lần này được đi trên đoàn tàu mới toanh của Đức, để gặp ông. Nói chuyện với ông tại một sở chỉ huy quân đội cũ, ông Morar đã cho tôi xem một danh sách những kẻ tham nhũng bị xử lý gần đây.
Ông nói: Chúng tôi đã kết tội một nghị sĩ, một thẩm phán cao cấp, và chúng tôi đang điều tra bảy đến tám nghị sĩ khác, hai quốc vụ khanh và một bộ trưởng. Tôi hy vọng các công tố viên sẽ kết tội thêm hai nghị sĩ nữa trước khi EU công bố báo cáo về nỗ lực chống tham nhũng của Romania.
Dưới sức ép liên tục của EU, Romania đã có bước tiến xa hơn rất nhiều so với Bulgaria trong việc chống nạn tham nhũng ở cấp cao. Nhưng nhiều người hoài nghi liệu nước này có tiếp tục chống tham nhũng hay không sau khi trở thành thành viên của EU.
Bộ trưởng Ngoại giao Mihai-Razvan Ungureanu đã bác bỏ ý kiến đó.
Ông nói: Trở thành thành viên của Hội đồng châu Âu, sau đó là NATO và bây giờ là EU đều có chung tác dụng như là ngọn roi đánh vào lưng một kẻ lâu nay vẫn lười biếng.
Ông nói tiếp: Nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang có đà để tiếp tục phát triển từ vị thế thành viên của EU.
Ông nói: Tôi không nghĩ rằng gạt Romania ra ngoài sẽ làm cho nước này phồn vinh hay an toàn. Sau khi làm việc chăm chỉ và phấn đấu hết mình để chứng minh quyết tâm của chúng tôi, tôi nghĩ chúng tôi đáng được chào đón nồng nhiệt vào EU.
Romania mong muốn được đánh giá cao trong bản báo cáo của EU công bố vào giữa tháng năm này, và bản báo cáo này sẽ được các nhà lãnh đạo EU thông qua vào tháng sáu. Nhưng nước này sẽ không được chào đón nồng nhiệt như các nước cựu cộng sản khác.
Ngay cả khi được gia nhập vào tháng giêng năm tới, Romania và Bulgaria vẫn sẽ bị giám sát kỹ lưỡng trong ba năm đầu và một số quyền lợi thành viên của họ sẽ bị hạn chế, trừ phi cả hai nước duy trì được đà cải cách kinh tế và chính trị.