Ghi nhận tại các chợ truyền thống như chợ Cồn, chợ Đống Đa (quận Hải Châu), chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu)... giá rau tăng mạnh từ 50% đến gấp đôi so ngày thường.
Cụ thể: rau muống, rau mồng tơi, rau ngót ngày thường có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/bó nay lên đến 20.000 đến 25.0000 đồng/bó; rau lang 10.000 đồng/bó nay có giá bán 15.000 đồng; giá các loại rau thơm cũng tăng mạnh từ 40.000 đồng/kg tăng lên 80.000 đồng/kg; cà chua tăng giá thêm 5.000 đồng/kg... Trong khi đó, các mặt hàng lagim như bầu, bí đao, bí đỏ, khoai tây, súp lơ, cải bắp... giá tăng khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Tú Sim, tiểu thương tại chợ Đống Đa đành bán rau với giá cao hơn ngày thường khi giá rau nhập vào của chị cũng tăng.
Chị Sim chia sẻ: "Các đầu mối nhập rau xanh ăn lá hằng ngày của tôi thường bán theo bó, nay lại bán theo ký, mà phải nhập số lượng lớn thì họ mới chịu, như bây giờ mỗi 1kg cải cay đã 35 nghìn đồng. Nhập về còn bỏ cây hư, lá dập mới đưa ra bán cho khách, còn cả tiền vận chuyển nữa thì chúng tôi đành bán giá cao hơn để có đủ vốn".
Nguồn cung rau xanh tại các chợ truyền thống phục vụ người dân đến chủ yếu từ tỉnh Quảng Nam và một phần đến từ các làng rau trên địa bàn thành phố. Một số ít đến từ các địa phương khác. Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, các làng rau tại tỉnh Quảng Nam cũng như thành phố Đà Nẵng ngập chìm trong nước.
Vùng rau La Hường (Cẩm Lệ) sau khi nước rút. |
Theo báo cáo chung của thành phố, mưa lũ đã làm 50,6ha rau màu các loại trên địa bàn thành phố bị ngập úng. Cụ thể: Cẩm Lệ 14,2ha; Ngũ Hành Sơn: 12ha; Hòa Vang: 24,4ha. Ngoài ra, 50ha ruộng bị bồi lấp, 33.577 con gia cầm chết, chưa kể thủy sản, cây ăn trái, hoa, nấm cũng thiệt hại.
Tại Hợp tác xã rau Túy Loan (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), đến ngày hôm nay bà con vẫn đang tiến hành dọn dẹp bùn non, khắc phục các thiệt hại từ đợt mưa lũ vừa rồi. Mưa lớn vào đêm 14/10 đã nhấn chìm hoàn toàn làng rau với diện tích 8ha. Đây là vùng rau lớn sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap chuyên cung ứng rau cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và chợ. Tuy nhiên, nhiều ngày nay, số rau củ trồng được tại đây hư hại hoàn toàn, không hề có để cung ứng cho thị trường.
Giám đốc Hợp tác xã rau Túy Loan Bùi Dũng cho biết: "Ngày 16/10, khu vực này mới bắt đầu rút nước và bà con mới có thể tiếp cận được vườn rau nên đang huy động lực lượng nhanh chóng tiến hành dọn dẹp. Hiện, chúng tôi cũng chưa thể xuống giống cho lứa rau mới".
Trong hai ngày nay, chợ Đầu mối Hòa Cường cũng đã nhập về từ 250-280 tấn. Riêng lượng rau củ khoảng 130 tấn. Trong đó, sản lượng rau xanh nhập về có giảm, tuy nhiên, chợ cũng đã tăng lên lượng củ, quả để cân bằng mức tiêu dùng cho người dân.
Một hộ trồng rau tại La Hương kiểm tra tình hình sau mưa lũ. |
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng đã đề nghị cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý bình ổn giá thị trường, không để xảy ra trường hợp găm hàng, trục lợi do mưa lũ.
Bên cạnh đó, quán triệt ban quản lý các chợ tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, hộ tiểu thương họp chợ, không lợi dụng mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý. Ban Quản lý các chợ, theo dõi, giám sát hàng hóa tại chợ, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương có hành vi găm hàng chờ tăng giá hoặc lợi dụng mưa lũ để nâng giá bất hợp lý.