Rạng sáng 6-8, dư chấn động đất ở Đông Nam bộ

Dư chấn động đất khoảng 4-5 độ Richter từ vùng biển Vũng Tàu đã ảnh hưởng đến một số tỉnh, thành phố tại miền Đông Nam bộ vào lúc 20 giờ 30 phút đêm 5-8 và tiếp tục xảy ra vào lúc 1 giờ 10 phút và khoảng 3 giờ ngày 6-8.

Một phen hoảng hốt

Người dân tại chung cư Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP Hồ Chí Minh hoảng loạn rời xuống đường  lánh nạn đêm 5-8 đến rạng sáng 6-8.

Cơn dư chấn động đất xảy ra lần thứ hai vào 1 giờ 10 phút ngày 6-8 đã khiến hơn 4.000 nhân khẩu tại chung cư Cô Giang, Phường Cô Giang, chung cư đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) lại một phen hoảng sợ.

Cũng như nhiều khu vực khác cũng bị ảnh hưởng như quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, các vùng ven thành phố... đã có nhiều người dân bồng bế con cái, ôm tài sản chạy ra đường và thậm chí có hộ dân đã rời nhà lên tận tỉnh Tây Ninh ngay trong đêm khuya.

Có mặt tại chung cư Cô Giang, ông Lương Văn Lượng (bác Mười Lượng - Phó Ban Quản lý chung cư) cho biết: "Lần đầu (đêm 5-8) thì chỉ có bà con trên các lầu cảm nhận sự rung chuyển nhẹ. Đến 1 giờ 10 phút ngày 6-8, lần rung thứ hai xảy ra thì bà con thật sự hoảng loạn. Rất may là chính quyền địa phương kịp thời có mặt trấn an".

Bà Bùi Thị Nguyệt (chủ căn hộ 309, lô D chung cư Cô Giang) cho biết: Lúc 1 giờ 10 phút ngày 6-8 tôi đang đi trong nhà thì thấy người nghiêng sang một bên, các con tôi nằm bên trong chạy hoảng ra ngoài. Lần rung sau này mạnh hơn lần trước, diễn ra trong nhiều giây nên cả gia đình cùng chạy xuống đất".

Cũng tại chung cư Cô Giang, chị Nguyễn Thị Hai (chủ căn hộ 506) cho biết: "Sau lần rung chuyển thứ hai thì tôi quyết định cùng cả gia đình chạy thẳng lên tỉnh Tây Ninh. Đến sáng nay điện thoại về thấy không xảy ra chuyện gì, tôi mới dám trở về". Theo ông Trần Chí Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Cô Giang, chính quyền địa phương đã có mặt kịp thời trong hai lần xảy ra rung chuyển, trấn an người dân và bảo vệ an ninh trật tự. Đến 3 giờ rạng sáng 6-8 người dân chung cư mới trở lại các căn hộ của mình. Tuy nhiên một số người (chủ yếu là những người dân sống trên các tầng cao của các chung cư) vẫn lo lắng vì sự xuống cấp của các tòa nhà dễ bị ảnh hưởng của động đất.

Tại thành phố Vũng Tàu anh Huyễn, (chủ nhà số 524/34 đường 30-4, phường Rạch Dừa) cho biết: "Đúng là khoảng 1 giờ 10 phút ngày 6-8 tại Vũng Tàu có rung chuyển nhẹ, mạnh hơn lần đầu xảy ra đêm 5-8. Tôi đang nằm trên ghế thấy mình bị lắc như đang nằm võng và cho đến khoảng 3 giờ sáng cũng xảy ra rung nhẹ như lần trước".

Động đất 4-5 độ Richter không gây thiệt hại lớn

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại với ông Nguyễn An Bình - Tổng Giám đốc Tổng công ty địa ốc Sài Gòn - về khả năng chịu đựng của các chung cư nếu xảy ra động đất.

Ông Nguyễn An Bình cho biết: Tại TP Hồ Chí Minh hiếm khi nào xảy ra động đất nên khi xây dựng các chung cư cao tầng vấn đề này có đặt ra nhưng chưa phải là quan trọng lắm, nay chắc phải xem lại vấn đề này khi thiết kế chung cư cao tầng.

Theo các nhà khoa học, thì động đất từ 4-5 độ Richter có thể làm rung chuyển nhẹ đồ đạc trong nhà nhưng không gây thiệt hại lớn. Nhiều thông tin cho biết ở địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa từng xảy ra một trận động đất đáng kể nào.

Vùng miền Đông Nam Bộ năm 1964 có một lần động đất gần 5 độ Richter tại cửa biển Cần Giờ. Năm 2002 có một lần động đất 5 độ Richter tại Bình Châu (Bà Rịa- Vũng Tàu). Trận động đất mạnh nhất ở Việt Nam xảy ra tại Điện Biên và Tuần Giáo Lai Châu là 6,8 độ Richter, chấn động cấp 8-9.

Theo một tài liệu trên trang website của Hệ thống Quan trắc địa chấn toàn cầu (Geofon) cho biết vào 15 giờ 12 phút ngày 5-8 giờ Việt Nam, các thiết bị tự động đã ghi được một chấn động có cường độ 5,2 độ Richter với tâm chấn nằm ở 7,69 độ vĩ bắc, 107,09 độ kinh đông gần bờ biển Việt Nam.

* Chiều 6-8, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: "Trạm Quan trắc động đất tại phía Nam tiếp tục đo được các dao động được nhận định là dư chấn nhẹ sau trận động đất 4,5 độ Richter khuya ngày 5-8. Dư chấn này yếu hơn nhiều so với cường độ của trận động đất ngày 5-8 và không có khả năng gây, thiệt hại".

Theo ông Nguyễn Ngọc Thủy: "Việc cảnh báo về trận động đất này không được đưa ra, vì nó được coi là không có những bất thường về cấp độ, không có khả năng gây thiệt hại. Năm 1991 và 2003, động đất ở cấp độ tương tự đã xảy ra ở Hàm Tân và Vũng Tàu. Với trận động đất ngày 5-8 và dư chấn của nó, các công trình ngầm và công trình cao tầng tại TP Hồ Chí Minh sẽ không có hư hại gì. Các công trình chỉ có các thiết kế kháng chấn cần thiết với trường hợp động đất có chấn động từ cấp 7 trở lên. Việc dự báo đặc điểm, khả năng xảy ra các trận động đất đã được thông báo với từng địa phương, do vậy, các công trình lớn đều được biết và có thiết kế phù hợp".

Động đất có thể do ảnh hưởng của núi lửa ở Bình Thuận

Ngày 6-8, nhận định về trận động đất xảy ra tại ngoài khơi biển Vũng Tàu khuya mùng 5-8, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Văn Thục, người có nhiều năm nghiên cứu về động đất và sóng thần, nguyên là cán bộ công tác tại Viện Địa chất và địa vật lý điện (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) cho biết: "Trận động đất thuộc đới đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải hôm 5-8 có tâm chấn ngoài khơi biển Vũng Tàu. Trận động đất xảy ra bên cạnh các yếu tố tự nhiên của đới đứt gãy này, có thể chịu tác động của hoạt động núi lửa ở Bình Thuận. Núi lửa này có tên là Hòn Tro. Núi lửa Hòn Tro có chu kỳ hoạt động vài chục năm/lần. Nó đã từng nổi lên hoạt động trong khoảng 5 đến 6 tháng vào năm 1923 và tiếp sau vào năm 1987, từng phun tro ảnh hưởng đến đảo Phú Quý. Tuy nhiên đây không phải là núi lửa mạnh, hiện tại đang rút xuống đáy biển và vẫn còn vết tích. Nhiều khả năng, núi lửa này sẽ hoạt động trở lại sau lột vài chục năm tới.

Do đặc điểm tự nhiên, kiến tạo yếu, các đới đứt gãy gây động đất ở phía Nam không mạnh như phía Bắc. Các trận động đất có chu kỳ xảy ra khoảng 2-4 năm/lần với cường độ nhỏ. Do vậy, ở phía Nam, nhìn chung, các trận động đất xảy ra trong tương lai cũng không có khả năng gây thiệt hại đáng kể, và ít có khả năng mạnh hơn trận đã xảy ra khuya 5-8".

Giáo sư Phạm Văn Thục khẳng định: "Với mức độ gây chấn động của trận động đất này, chắc chắn không thể gây nên sóng thần".

Ngày 6-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi đến các UBND quận, huyện, các sở, ban, ngành, các cơ quan hữu quan, yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ theo dõi diễn biến của dư chấn động đất để có những biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

Công văn này cũng lưu ý các UBND quận, huyện phải nhanh chóng rà soát lại các chung cư, nhà cao tầng trong địa bàn mình quản lý.