Rạng Đông - nơi nước mặn đồng chua

Năm 1958, Trung đoàn 269 bộ đội Thừa Thiên - Huế tập kết về Nghĩa Hưng (Nam Ðịnh) với nhiệm vụ quai đê lấn biển kết hợp với bảo vệ an ninh vùng biển. Với tinh thần:

Bắt sóng bạc phải cúi đầu
Buộc biển sâu phải lùi bước
Lấn biển Thái Bình Dương
Làm giàu cho Tổ quốc.

Lúc cao điểm, trên mặt đê có 11.500 bộ đội và dân công, thanh niên xung phong các vùng lân cận. Cuối năm 1959, con đê dài 11,6 km nối từ cửa sông Ninh Cơ đến cửa sông Ðáy đã hoàn thành, khoanh vùng diện tích sa bồi lên tới 1.336 ha, trở thành cơ ngơi của Nông trường Rạng Ðông, ý chí lao động quên mình đã tạo lập nên cơ ngơi đồ sộ trên vùng đất mới.

Suốt những năm chiến tranh phá hoại, là một trọng điểm  bị đánh phá ác liệt, nông trường vẫn trồng cói, làm thảm, đạt 3-5 nghìn tấn mỗi năm. Ðến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nông trường đều đặn xuất khẩu hai ngày một xe trứng, một tuần một tàu thảm cói qua cảng Hải Phòng đi Liên Xô và các nước Ðông Âu.

Sau khi Liên Xô và các nước Ðông Âu  tan rã, sản phẩm chủ lực của nông trường là cây cói bị mất "đầu ra". Ðời sống 1.500 công nhân nông trường và gần 3.000 hộ ăn theo điêu đứng. Trước tình hình đó, nông trường đã chủ động thu hẹp diện tích cói từ 300 ha xuống còn 50 ha, tiếp tục mở mang thủy lợi, làm ngọt hóa đồng ruộng phát triển cây lương thực. Diện tích lúa dần nâng lên 800 ha, năng suất 5.000 tấn/năm.

Ôn chuyện cũ để thấm thía những giá trị của hôm nay, Giám đốc Nông trường Rạng Ðông Nguyễn Ðức Kìm tâm sự: "Trong những thời điểm khó khăn, chính phẩm chất quật cường của những người mở đất đã giúp chúng tôi kề vai sát cánh, trụ vững, chèo chống đưa nông trường vượt qua". Miếng ăn, áo mặc đã không còn là nỗi lo canh cánh. Diện tích lúa rút xuống chỉ còn 700 ha với sản lượng hơn 7.000 tấn lúa mỗi năm, trong đó hơn một nửa là lúa đặc sản tám thơm. Cây cói thủy chung  với nông trường từ ngày thành lập chỉ duy trì ở diện tích 50 ha. Với năng suất 12 tấn/ha, giá bán hơn 2.000 đồng/kg, tính ra trồng cói hiệu quả hơn trồng lúa. Tuy nhiên, nếu tăng diện tích trồng cói thêm chỉ một vài chục ha, sản phẩm cói dư thừa, ế đọng sẽ bị tư thương ép giá, gây thiệt hại chung. 50 ha ruộng cao, không thuận tiện về nước tưới đã được nông trường mạnh dạn chuyển sang trồng dâu. Cả trăm gia đình làm quen với nghề mới trồng dâu, nuôi tằm.

Gia đình anh Nguyễn Văn Doanh, ở khu 3, thị trấn Rạng Ðông bắt đầu trồng dâu nuôi tằm từ năm 1992. Hồi đó, nông trường mở lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ gia đình. Hằng năm, nông trường đều mời các chuyên gia về dâu tằm từ các trung tâm nghiên cứu về bổ túc, nâng cao kiến thức cho nông dân. Anh Doanh cho biết: Nhờ được liên tục tiếp cận với kiến thức kỹ thuật hiện đại, năng suất dâu, tằm  nâng cao rõ rệt. Với năm sào dâu, năm 2004, gia đình anh Doanh thu lãi 14 triệu đồng, gấp ba lần trồng lúa. Chưa tính đến 0,5 ha lúa và 0,1 ha cói nhận khoán, chỉ riêng thu nhập từ nghề dâu tằm đã đủ để anh Doanh chu cấp cho hai con trai đang theo học đại học Nông nghiệp và cao đẳng Hóa công nghiệp.

Về Rạng Ðông, một lần nữa lại nghiệm ra rằng, không có mảnh đất nào thấm đẫm mồ hôi con người lại thiếu tiềm năng. Những vùng đồng chua, nước mặn phù hợp cây cói, những thửa cao phù hợp trồng dâu; tất cả đều cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Mới đây, Nông trường Rạng Ðông chuyển 150 ha ruộng trũng pha cát trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy, hải sản.

Ðội trưởng đội thủy sản Ðồng Văn Chính ước tính: Trung bình mỗi ha nuôi trồng thủy, hải sản thu nhập 60 triệu đồng/năm, lợi nhuận chiếm 50%, tức là 30 triệu đồng, gấp cả chục lần trồng lúa. Chúng tôi ghé thăm khu đầm nuôi rộng 1,8 ha của gia đình anh Phạm Văn Hinh. Vụ này, anh Hinh đầu tư nuôi tôm công nghiệp trên diện tích 9.000 m2. Chỉ còn mươi ngày nữa là đến vụ thu hoạch, con tôm sú đã to gần bằng ngón tay, áng chừng năng suất đạt ba tấn/ha. Theo thời giá thu mua 80-100 nghìn đồng/kg hiện nay, chỉ riêng 9.000 m2 nuôi tôm công nghiệp này cũng lãi cả trăm triệu đồng. Diện tích 9.000 m2 còn lại, anh Hinh nuôi quay vòng cá bớp, cua giống và cua thịt. Cá bớp là một loại đặc sản trong những năm gần đây. Bây giờ nhiều người vào nhà hàng thường bỏ qua các món súp mà thay bằng một bát canh cá bớp nấu lá lốt. Giá cá bớp bán tại đầm của anh Hinh là 115 nghìn đồng/kg, còn trong các nhà hàng lên tới 275 nghìn đồng/kg. Cá bớp nuôi mau lớn, ít dịch bệnh, lãi hơn nuôi tôm. Vụ cá bớp kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6, tiếp đó là vụ cua giống từ tháng 6 đến tháng 8, rồi vụ cua thịt từ tháng 8  đến tháng 10. Các đầm nuôi quay vòng đến chóng mặt.

Ngày nay, với người dân ở Nông trường Rạng Ðông đã không còn khái niệm nông nhàn nữa. Các loại vật nuôi, cây trồng, mùa vụ kế tiếp nhau kín đặc cả năm. Gặp vợ chồng chị Hà Thị Thực đang chẻ cói trên cánh đồng, được biết, cói năm nay được giá. Mỗi ngày thu cói, chẻ cói được 40 nghìn đồng/người. Vụ cói kéo dài một tháng nữa thì quay  sang mùa gặt, rồi  trồng dâu, nuôi tằm, xe lõi cói... không lúc nào ngơi tay. Hàng loạt ngành nghề phụ mở ra tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào.

Anh Ðặng Xuân Hưng, ở đội 6, Nông trường Rạng Ðông, cho biết: Chỉ với chiếc máy xe lõi cói đơn giản, mỗi tháng anh xe được 600 quại cói (mỗi quại là một cuộn dây nặng 0,95 kg), thu về 600 nghìn đồng tiền công. Cả nông trường có hơn 80 gia đình xe cói như vậy. Nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển đã hình thành ba xưởng ươm tơ ngay trên đất nông trường.

Anh Nguyễn Văn Khái là chủ xưởng ươm tơ tại Khu 4 thị trấn Nông trường Rạng Ðông, quê gốc tại làng Cổ Chất (xã Phương Ðịnh, huyện Trực Ninh) cách nông trường 55 km. Gia đình anh chuyên thu mua, ươm tơ cho các vùng chung quanh, trong đó có Nông trường Rạng Ðông. Ðất lành chim đậu, được ban lãnh đạo nông trường tạo điều kiện, anh Khái đã mở xưởng ươm tơ, định cư lâu dài trên đất nông trường. Mỗi năm, xưởng của anh Khái ươm 30 tấn kén, khoảng một phần ba sản lượng kén cả nông trường.

Tích tiểu thành đại, góp gió thành bão, từ 20 năm nay, Nông trường Rạng Ðông không còn nợ ngân hàng, lãi mỗi năm tăng dần nhưng cũng mới chỉ được 200 triệu đồng năm 2004. Theo Giám đốc Nguyễn Ðức Kìm, cái được lớn nhất của Nông trường Rạng Ðông là kinh tế tập thể đã làm chỗ dựa vững chắc để các gia đình nông trường viên phát triển kinh tế hộ. 100% số hộ gia đình trong nông trường đều xây nhà mái bằng, hoặc mái ngói, 60% số gia đình có xe máy... Số các cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng nhanh qua các năm. Năm 2003 là 47 cháu, năm 2004 hơn 60 cháu. Một thế hệ mới của nông trường được trang bị đầy đủ về kiến thức, tay nghề đang dần trưởng thành. Ðó là tiền đề vững chắc đưa nông trường của những người mở đất tiến lên công nghiệp hóa.