Ràng buộc cộng đồng trước an nguy, vì thịnh vượng

NDO -

NDĐT – Vào lúc 9 giờ 30 phút (giờ Việt Nam), ngày 22-11-2015, tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tổ chức ở Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) đã vươn tới một cột mốc vô cùng quan trọng trong tiến trình liên kết, sau khi các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên đặt bút ký vào bản Tuyên bố "Thành lập Cộng đồng ASEAN”. Điều này có nghĩa, bất luận thế nào, Cộng đồng ASEAN cũng sẽ chính thức ra đời vào ngày 31-12-2015, như kế hoạch đã định của Hiệp hội.

Ràng buộc cộng đồng trước an nguy, vì thịnh vượng

Đánh giá về tầm vóc của sự kiện này, trong bài phát biểu trước lễ ký kết văn kiện lịch sử quan trọng trên, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Razak tuyên bố: "Kể từ ngày mai, chúng ta sẽ gọi mình là Cộng đồng ASEAN – một cái tên mới đầy tự hào, đánh dấu bước phát triển quan trọng của ASEAN. Đây là thời cơ của ASEAN, thời cơ của chúng ta".

Quả thật, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN không chỉ là một thành công rất đáng tự hào, mà còn là một minh chứng cho sự lớn mạnh của Hiệp hội ASEAN. Bởi lẽ, để có thể đi từ một Hiệp hội đến Cộng đồng, ASEAN – một tập hợp gồm toàn các nước nhỏ đang phát triển, lại có rất nhiều điểm khác biệt, đã phải trải qua một chặng đường dài 48 năm với biết bao khó khăn, trắc trở.

Trước hết, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đã biến giấc mơ của các nhà sáng lập ra ASEAN về một ngôi nhà chung Đông - Nam Á trở thành hiện thực không chỉ trên thực tế (de facto) mà còn cả trên khía cạnh pháp lý (de jure). Kể từ sau Tuyên bố thành lập ASEAN tại Bangkok (ngày 8-8-1967), phải mất tới 32 năm, ASEAN mới quy tụ đủ 10 nước trong khu vực Đông - Nam Á (ngày 30-4-1999, Campuchia là nước cuối cùng trong khu vực gia nhập ASEAN, Đông Timor chưa ra đời). Vào thời điểm này, tuy đủ về số lượng nhưng ASEAN vẫn tiếp tục duy trì mô hình của một hiệp hội nhằm phối hợp hành động là chủ yếu. Chính vì thế, chỉ đến khi Cộng đồng ASEAN ra đời với mục tiêu tổng quát là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, thì ASEAN mới thực sự đúng nghĩa là một ngôi nhà chung.

Trên hết, với việc đặt ra đích đến của Cộng đồng ASEAN là "chia sẻ" và "trách nhiệm", các thành viên ASEAN cho thấy sự trưởng thành vượt bậc cả về tư duy lẫn hành động. Tuy đều phải trải qua một giai đoạn thuộc địa đen tối, cùng phải đấu tranh quyết liệt để giành độc lập, và sau đó cũng đều phải trải nghiệm những bước thăng trầm trong quá trình xây dựng đất nước, đặc biệt khi bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa đều cùng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ có tính xuyên quốc gia v.v…, nhưng tất cả sự tương đồng đó ngay lập tức không tạo ra được nhận thức chung về sự cần thiết phải chia sẻ. Sự đa dạng về văn hóa, khác biệt về hệ thống chính trị cũng như những mục tiêu cụ thể là những rào cản phải mất tới 48 năm ASEAN mới có thể vượt qua. Đơn cử, ngay từ Hội nghị cấp cao VI tại Hà Nội (tháng 12-1998), ASEAN đã đề ra khẩu hiệu “Cùng nhau phát triển” trong “Chương trình hành động Hà Nội”. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chỉ dừng lại ở mức định hướng, bởi trong một cơ chế hợp tác lỏng lẻo ASEAN đã không thể thu hẹp được những khác biệt (cả về trình độ phát triển cũng như mô hình quản lý) giữa các nước thành viên. Trong suốt bốn thập kỷ tồn tại, trao đổi nội khối của ASEAN luôn ở ngưỡng trên dưới 20% – một con số đủ sức thuyết phục về sự hạn chế trong liên kết của ASEAN.

Về lý thuyết, một tập hợp toàn các nước nhỏ chỉ có thể phát huy tối đa sức mạnh tập thể khi hòa quyện chặt chẽ với nhau, luôn có ý thức trách nhiệm về sự an nguy và thịnh vượng của nhau. Biết là vậy nhưng trong suốt một thời gian dài, do số lượng thành viên chưa đầy đủ cộng với những khác biệt về lợi ích cùng sự lệ thuộc quá lớn vào môi trường bên ngoài, mỗi thành viên cũng như cả khối ASEAN luôn vật vã bởi cuộc đấu tranh giữa cái “Tôi” và cái “Chúng ta”. Trong những tình huống mà lợi ích của các thành viên có sự khác biệt lớn, ASEAN luôn gặp khó khi cần thống nhất.

Chính vì thế, việc thông qua Hiến chương ASEAN (năm 2007), đồng thời thống nhất rút ngắn thời gian thành lập Cộng đồng ASEAN từ 2020 xuống 2015 và giờ là Tuyên bố thành lập Cộng đồng cho thấy, các thành viên ASEAN đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức về trách nhiệm đối với nhau. Dù Cộng đồng ASEAN không phải là một siêu quốc gia, nhưng với những ràng buộc pháp lý nhất định, trách nhiệm của mỗi thành viên đối với sự nghiệp chung của toàn khối được nâng lên một tầm cao hơn hẳn so với mô hình Hiệp hội trước đây.

Sự lớn mạnh của ASEAN còn được khẳng định rõ ràng hơn qua ghi nhận của cộng đồng quốc tế. Nỗ lực phấn đấu của ASEAN trong 48 năm qua đã tạo ra một hiệu ứng vô tiền khoáng hậu, tham dự trong buổi lễ ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN có rất nhiều nhà lãnh đạo của các nước đối tác và đối thoại của ASEAN, đặc biệt là nguyên thủ của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ v.v., Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Đương nhiên, cùng với sự tự hào, Cộng đồng ASEAN cũng sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức cận kề.

Vấn đề đầu tiên chính là mô hình quản trị của ASEAN. Để thích ứng với việc tiếp tục khẳng định duy trì nguyên tắc bất hủ “tôn trọng độc lập, chủ quyền” của từng thành viên, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định, Cộng đồng ASEAN không phải là một tổ chức siêu quốc gia. Trong quá trình hợp tác ngày càng cao, như việc hình thành một thị trường ASEAN thống nhất hay quy chế dịch chuyển lao động tư do, tất yếu sẽ nảy sinh không ít mâu thuẫn, nguy cơ an ninh. Một cơ chế đồng thuận giúp dung hòa “chủ quyền” và “sự ràng buộc pháp lý của Cộng đồng ASEAN” là cần thiết, bởi nếu chỉ trông cậy vào ý thức “chia sẻ” và “trách nhiệm” của mỗi thành viên là chưa đủ, nhưng đây rõ ràng là một nhiệm vụ không hề dễ.

Tăng cường liên kết trên mọi lĩnh vực trong bối cảnh vẫn mở rộng quan hệ với bên ngoài là vấn đề tiếp theo của Cộng đồng ASEAN. Cộng đồng ASEAN hướng tới một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết sâu rộng về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, nhưng không hướng tới một liên minh tiền tệ, một liên minh quân sự và mỗi thành viên có quyền theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập của mình.

Như vậy, thành viên ASEAN muốn có sức mạnh của một cộng đồng nhưng vẫn bảo đảm tính riêng biệt của mình theo phương châm “thống nhất trong đa dạng”. Tuy nhiên, việc bảo đảm song hành cái riêng và chung luôn là một vấn đề nan giải. Chính sự bế tắc trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư của Liên hiệp châu Âu hiện nay là minh chứng về tính nan giải này.

Phổ biến cho công dân của Cộng đồng ASEAN những hiểu biết về cộng đồng –một việc tưởng như không thể là vấn đề, té ra lại không hề đơn giản. Cho đến thời điểm ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN, không phải người dân nào trong khối cũng có thể nắm bắt được một điều đơn giản nhất, là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 chỉ là một dấu mốc quan trọng có tính khởi đầu. Thực tế cho thấy, nếu không ý thức được về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, công việc luôn không hề dễ đối với ASEAN, thì chặng đường xây dựng Cộng đồng ASEAN sẽ bị kéo dài ngoài dự kiến.

Dù biết rằng mọi sự còn ở phía trước, nhưng chỉ riêng dự báo GDP của ASEAN sẽ tăng sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN từ 2.600 tỷ USD (năm 2014) lên 4.700 tỷ USD (năm 2020), và ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, cũng đủ cho mọi công dân ASEAN có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng thời hậu thành lập Cộng đồng ASEAN.