Ngày 15-1, Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light), các cơ quan liên quan tổ chức ra mắt ứng dụng di động kết nối nữ thanh niên di cư với việc làm và nhà trọ. Đó là ứng dụng miễn phí mang tên “Hành trình an toàn”.
Lễ ra mắt “Hành trình an toàn”.
Với nền tảng là một ứng dụng di động, “Hành trình an toàn” hướng tới nhóm người lao động di cư lên thành phố để tìm kiếm các cơ hội, thay đổi cuộc sống và công việc. Các chức năng chính của ứng dụng là kết nối thông tin về nhà trọ, việc làm và cung cấp các thông tin hữu ích cho cuộc sống an toàn nơi thành phố. Sản phẩm tạo ra một không gian kết nối linh hoạt giữa người thuê trọ và chủ nhà trọ, người tìm việc và nhà tuyển dụng, giúp họ tiết kiệm chi phí, thời gian công sức và đạt hiệu quả cao.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh, Hà Nội, Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, số công nhân nhập cư trên địa bàn là khoảng 50 nghìn người. Hai phần ba số công nhân nhập cư là nữ. Tỷ lệ nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống, làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng.
Từ tháng 12 năm 2016 đến nay, huyện Đông Anh triển khai dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia hỗ trợ thông qua tổ chức Plan International. Dự án triển khai tại ba xã ở huyện Đông Anh, nhằm hỗ trợ lao động nữ ngoại tỉnh tại Hà Nội, hoặc phụ nữ có hộ khẩu tại huyện Đông Anh, nhưng có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi.
Trong thời gian triển khai, dự án đã mang lại cơ hội cho nữ thanh niên nhập cư trên địa bàn Hà Nội thông qua nhiều hoạt động. Cụ thể như, hình thành 12 điểm cung cấp thông tin về nơi ở và công việc an toàn. Lao động nữ cũng được cung cấp thông tin, tư vấn để giảm thiểu nguy cơ bạo lực giới và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ nhà ở an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Dự án cũng giúp họ trang bị kỹ năng làm việc, tạo cơ hội việc làm, kết nối các doanh nghiệp sau đào tạo. Chương trình cũng giúp lao động nữ di cư cơ hội tự kinh doanh. Sau hai năm, nhiều mô hình kinh doanh nhỏ đã hình thành.
Bà Tâm nhấn mạnh, qua khảo sát, hơn 80% lao động nhập cư thiếu thông tin về nhà ở trước khi đi đến nơi ở mới để tìm việc làm. Để hỗ trợ cho lao động nữ nhập cư hiệu quả hơn, trong khuôn khổ dự án, Plan International, Light, UBND huyện Đông Anh và các cơ quan liên quan đã phát triển ứng dụng di động “Hành trình an toàn”.
Ông Lưu Quang Đại, Quyền giám đốc Plan International tại Việt Nam, cho hay, ứng dụng này cũng cần thời gian từ 4 đến 6 tháng để thử nghiệm. Những điểm chưa hoàn thiện trong ứng dụng sẽ được điều chỉnh dần. Nếu ứng dụng thành công trên địa bàn, sẽ có khả năng nhân rộng tại nhiều nơi khác.