Ra mắt Mạng lưới phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

NDO -

Mạng lưới phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới chính thức ra mắt tại Hà Nội. Đây là sự kiện hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.

(Ảnh: Molisa).
(Ảnh: Molisa).

Ngày 14/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025. 

Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Mục tiêu hướng tới là đến năm 2025, ít nhất 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan cung cấp dịch vụ, và tất cả những người bị bạo lực có nhu cầu đều được trợ giúp bằng cách hình thức khác nhau.

Để đạt được các mục tiêu này, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận, gợi mở về các giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chia sẻ những khó khăn, thách thức và giải pháp trong cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý hỗ trợ người bị bạo lực.

Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp tất cả các dịch vụ thiết yếu tại một địa điểm, từ chăm sóc thể chất, tư vấn tâm lý, bảo đảm an toàn, trợ giúp tư pháp và pháp lý và các dịch vụ xã hội. Mô hình này khác biệt với ngôi nhà tạm lánh vì người bị bạo lực không cần đi đến nhiều địa điểm để nhận các dịch vụ khác nhau.

Đồng thời, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ người bị bạo lực thông qua việc triển khai Ngôi nhà Ánh Dương. Đây là mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ một cửa ở tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng lần đầu tiên tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và UNFPA, được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nếu thiếu đi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương tới các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ và mỗi người dân trong cộng đồng. Việc thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, tiếng nói, hành động cụ thể của mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ giúp những người bị bạo lực không cảm thấy đơn độc, yếu thế hay bị kỳ thị. Người bị bạo lực cần phải được bảo vệ để sớm quay trở lại cuộc sống thường ngày, còn người gây bạo lực cần được xử lý một cách nghiêm minh. Đó là cách thức để chúng ta ngăn chặn bạo lực, xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc, cộng đồng, xã hội an toàn, bình đẳng, tiến bộ, văn minh.” 

Bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới và là hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất. Bạo lực trên cơ sở giới xảy ra phổ biến từ trong gia đình, tới nơi làm việc, trường học, không gian công cộng dưới nhiều hình thức khác nhau mà nguyên nhân gốc rễ là do sự phân biệt đối xử về giới.
Theo thống kê, trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị bạo hành trong cuộc đời. Trong bối cảnh khủng hoảng do xung đột, thảm họa thiên tai hay dịch bệnh, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới có nguy cơ gia tăng nhiều hơn.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng tới hầu hết các quốc gia trên thế giới, không chỉ gây thiệt hại về tính mạng con người, suy thoái kinh tế mà những áp lực trong cuộc sống đã góp phần làm gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Ở nhiều quốc gia, số trường hợp người bị bạo lực ước tính đã tăng lên ít nhất 30%.

Tại Việt Nam, số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 cho thấy, có tới 62,9% phụ nữ từng phải chịu ít nhất 1 trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời. Tuy nhiên, có tới 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực và 90,4% cho biết chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng hay đơn vị cung cấp dịch vụ. Nếu xem xét những thiệt hại hữu hình (chi phí trực tiếp và chi phí do bở lỡ công việc) và những thiệt hại vô hình (mất năng suất lao động), thì tổng thiệt hại của nền kinh tế lên tới 1,8% GDP, tương đương 100 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian qua, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của người dân về thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; triển khai các mô hình, dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực. Thực tế cho thấy, những hoạt động phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ người bị bạo lực trong thời gian qua đã có những tác động tích cực, song đòi hỏi cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa để mang lại hiệu quả cao hơn trong đấu tranh xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.

Cũng tại hội thảo này, Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được ra mắt. Đây là một giải pháp đổi mới nhằm củng cố sự phối hợp và hợp tác trong việc phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực trên cơ sở giới.

Việc ra mắt Mạng lưới này có sự tham gia của đại diện các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức Liên hợp quốc và các chuyên gia, luật sư, nhà báo cũng là một trong các giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết: “Để triển khai Chương trình quốc gia một cách hiệu quả, UNFPA khuyến nghị cần có nhiều sáng kiến đổi mới hơn nữa với sự tham gia của thế hệ trẻ nhằm hướng tới thay đổi các chuẩn mực văn hóa và xã hội về bạo lực đối với phụ nữ. Ngoài ra, mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ một cửa do UNFPA đang hỗ trợ thực hiện với các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc thể chất, tư vấn tâm lý, bảo đảm an toàn, hỗ trợ tư pháp và các dịch vụ xã hội được cung cấp tại cùng một địa điểm, cần được nhân rộng. UNFPA kêu gọi Chính phủ có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực khác nhau để tạo sự gắn kết vững chắc giữa các hoạt động can thiệp nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.”