Những năm gần đây, những nghiên cứu, ứng dụng tranh dân gian vào cuộc sống có nhiều khởi sắc. Riêng nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa đã từng cho ra mắt ba cuốn sách nghiên cứu về ba dòng tranh lớn của miền bắc là: tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ. Tiếp sau thành công này, chị dành thời gian nghiên cứu về tranh dân gian xứ Huế, và đặc biệt là dòng tranh đồ thế (tranh dành cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng).
Tranh đồ thế là lĩnh vực còn mới mẻ đối với phần lớn người Việt. Con người, bên cạnh các nhu cầu về vật chất, còn có nhu cầu về tinh thần, nhu cầu về tín ngưỡng và tôn giáo. Vì thể, tranh dân gian đồ thế Việt Nam là một thể loại hết sức đa dạng, phong phú, trải rộng ở cả ba miền bắc, trung, nam và có trong đời sống văn hóa tâm linh của nhiều dân tộc.
Tranh đồ thế xuất hiện trong nhiều dòng tranh khác nhau, nhưng đậm nét nhất vẫn là khu vực miền trung và Nam Bộ. Với mục đích chủ yếu dành cho hoạt động tâm linh, tranh đồ thế thường là tranh in, sản xuất hàng loạt. Nội dung tranh có thể là về các vị thần linh (tùy theo tín ngưỡng, tùy theo vùng miền), cũng có thể là các con vật được sử dụng mang ý nghĩa “hiến tế” cho các thần linh.
Do một thời gian nhận thức của xã hội về các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh chưa đúng nên tranh đồ thế gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, khi xã hội bước vào quá trình hiện đại hóa, tranh in công nghiệp đã dần dần thay thế tranh in từ mộc bản, việc tiết kiệm nguyên liệu để hạ giá thành của tranh cũng khiến cho nhiều tranh dân gian đồ thế mất dần chỗ đứng, chỉ là những hình ảnh mờ nhạt rồi mất hẳn.
Tuy nhiên, tranh đồ thế có ý nghĩa quan trọng trong đời sống. Việc sử dụng tranh đồ thế trong nghi lễ tâm linh sẽ ít gây ô nhiễm môi trường, ít tốn kém hơn so đốt hàng mã. Mặt khác, đồ họa của nhiều mẫu tranh đồ thế rất đẹp, có thể khai thác vào công nghiệp văn hóa.
Cuốn sách “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” dày 350 trang với hơn 1.000 ảnh minh họa, được chia thành những nội dung chính: Đồ thế của các nước trên thế giới và Việt Nam; Địa lý-Tôn giáo-Tín ngưỡng Việt Nam; Tranh đồ thế Bắc Bộ; Tranh dân gian đồ thế Trung Bộ; Tranh đồ thế Nam Bộ. Đó là kết quả sau nhiều ngày tháng tìm hiểu tư liệu và khảo sát điền dã dọc miền Tổ quốc của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa.
Đối với tranh dân gian xứ Huế, qua cuốn “Tranh dân gian Huế”, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa đem đến cho độc giả một cái nhìn mới về tranh dân gian nói riêng, đời sống văn hóa tâm linh nói chung của người dân đất cố đô. Ngoài tranh làng Sình, đất Huế còn có nhiều dòng tranh khác, mang đậm bản sắc văn hóa của dải đất miền trung. Trong đó, đậm nét hướng biển, đậm nét tâm linh. Bên cạnh yếu tố dân gian, tranh xứ Huế còn có những dòng tranh mang ảnh hưởng cung đình như tranh làng Chuồn, tranh phù điêu gốm sứ…
Điểm đặc biệt của hai cuốn sách tranh dân gian của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa là luôn có phần khảo tả kỹ càng về các kỹ thuật làm tranh; đồng thời, là quá trình phỏng vấn, tìm hiểu công phu và tỉ mỉ các nghệ nhân. Đây cũng chính là cơ sở để khôi phục các mẫu tranh nếu không may bị thất truyền.
Hai cuốn sách góp phần cung cấp thêm nhiều kiến thức giá trị cho giới nghiên cứu, cũng như độc giả về giá trị tranh dân gian Việt Nam.