Con số 100 nghìn người nhiễm là kịch bản đã bị vượt qua, đến ngày 1/8 đã hơn 150 nghìn ca và còn gia tăng. Số người mắc mỗi ngày trong đợt bùng phát thứ tư này, gần đây liên tục ở 4 con số, cao nhất tới 9.225 ca vào ngày 24/7; 8.624 ca vào ngày 31/7, liệu đã tiệm cận giới hạn chịu đựng? Số người khỏi bệnh hằng ngày đang tăng là rất đáng mừng, đến nay là 38.734 ca, riêng ngày 31-7 có 3.250 người khỏi bệnh, nhưng đáng lo là biểu đồ các ca dương tính mới vẫn chưa chúc xuống.
Con số hơn 1.300 đồng bào đã ra đi vì dịch bệnh là nỗi thương đau, mất mát không gì bù đắp nổi của mỗi gia đình, của cả đất nước trong bối cảnh năng lực y tế của chúng ta còn hạn chế, biến thể virus mới quá nguy hiểm, phương thức chống dịch cần sự bổ khuyết, cho dù ta đã và đang tiếp tục dành toàn lực sức người, sức của cho công cuộc chống dịch.
Đã có những cuộc hồi hương của từng đoàn người dân bằng xe máy đường trường khi không có cơ may lên được những chuyến tàu, chuyến máy bay từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh. Nhìn dòng người ấy, ngoài khía cạnh tự phát, nhân đạo, chia sẻ giúp đỡ của quê hương, cộng đồng, giảm tải gánh nặng cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thì có một nguyên nhân, sự lựa chọn cuối cùng của nhiều người khi việc mất, tiền không, chi phí sinh hoạt vẫn phải trả, nỗi sợ lây nhiễm và chết vì bệnh hiện hữu hằng ngày. Điều đó, hơn lúc nào hết đã đặt ra vấn đề cấp bách về sự thống nhất chỉ đạo, điều hành chống dịch, về kỷ luật, kỷ cương thép đi kèm với trái tim mềm - là sự trợ giúp, sẻ chia thật sự hiệu quả, mang tính căn cốt để an dân và chống dịch thành công.
Trong lúc này, Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã như lời hiệu triệu truyền đi thông điệp trên dưới một lòng đồng cam cộng khổ, đã cố gắng, đoàn kết, quyết tâm thì càng phải cố gắng, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa. Trong giờ phút cam go, không có chỗ cho sự so sánh, phân biệt thành tựu trước sau và nguy cơ hiện tại, càng không có chỗ cho đổ lỗi hay phân biệt kỳ thị vùng, miền, dù chỉ là trong nhận thức, hành xử mang tính cá nhân. Giữa nguy nan, tinh thần xung phong tuyến đầu, hy sinh vì cộng đồng, tình nguyện vào những điểm nóng khó khăn đã được lan tỏa và biến thành hiện thực. Gian nan thử sức, chúng ta lắng nghe cơ sở, thực tiễn, nghe người dân để rút kinh nghiệm sửa chữa sai lầm, tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh cách thức chống dịch bằng trách nhiệm công vụ, ý thức công dân và hơn lúc nào hết, trong cuộc chiến sinh tử với “giặc Covid”, vai trò ý thức của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo đi đầu gương mẫu đang được thử thách trước lòng tin của nhân dân, phân công của tổ chức và yêu cầu phải đẩy lùi, không chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thực tiễn điều chỉnh chính sách và trong cuộc chiến này, không có câu thần chú bách bệnh cũng như bài học và giải pháp cuối cùng. Công điện mới nhất ngày 31/7 của Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt nhất và cũng tháo gỡ nhiều nhất về tư duy vĩ mô trong chỉ đạo chống dịch và chăm lo cho dân. Để trên dưới một lòng, thì phải thống nhất, phải nghiêm, phải nhất quán trong chỉ đạo và thực hiện. Giờ là lúc ngoài thuyết phục, vận động thì phải kỷ luật, phải tuân thủ mệnh lệnh từ trung ương xuống địa phương để tạo sức mạnh chuyển biến, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.
Đã giãn cách thì phải đồng bộ, thống nhất chỉ đạo, không thể thả ra tùy nghi đi - đến tùy mỗi địa phương. Giữ dân ở lại an toàn, bền vững thực sự là bài toán khó, đòi hỏi chính quyền cơ sở phải giải quyết được mối lo an sinh ấy. Muốn giãn cách hiệu quả, an dân thì phải bảo đảm khâu tuyên truyền nâng cao ý thức và cung ứng, bảo đảm nhu cầu thiết yếu sinh hoạt và khám điều trị bệnh cho nhân dân tại chỗ.
Đó là hai mặt mấu chốt của vấn đề vừa để khoanh vùng dập dịch, vừa bảo vệ những vùng xanh còn an toàn, không thể để vùng đỏ “chiến trường” loang ra cả nước. Tuy nhiên, với những địa phương mà người dân đã trở về thì phải tổ chức đưa, đón, sàng lọc, xét nghiệm, cách ly và hỗ trợ tối đa cho người dân để yên tâm tuân thủ cách ly, truy vết.
Những thiết bị y tế đặc chủng tốt nhất trong hồi sức cấp cứu của miền bắc đã được tháo dỡ khẩn cấp từ Bắc Giang chi viện cho TP Hồ Chí Minh, đi cùng với tốc độ xây dựng các bệnh viện dã chiến với trang thiết bị y tế cần thiết nhất. Từ cách ly tập trung tại các cơ sở y tế, rồi xem xét thêm đưa về cách ly tại nhà, cho tới mô hình phân tầng nhiều nấc như hiện nay là sự thích ứng thay đổi của ngành y để vừa giảm tải cho tuyến trên, vừa không đẩy khó cho mỗi gia đình, tuyến cuối cơ sở khi không đủ trang thiết bị y tế, nhất là khi bệnh chuyển nặng và lây lan chéo…
“Ba tại chỗ” phát huy hiệu quả ở địa phương, doanh nghiệp này nhưng chưa hiệu quả ở địa phương, doanh nghiệp kia vì nhiều lý do, song vấn đề là khi bộc lộ hạn chế, khiếm khuyết là gây ra lây lan F0, F1 chéo trong nội bộ thì chúng ta phải lập tức thay đổi và điều đó đang được thay đổi mạnh tại thành phố mang tên Bác.
Chiến lược vaccine của chúng ta tiếp tục được điều chỉnh sát thực tiễn hơn khi tăng cường ưu tiên tối đa - hiện tới hơn 3 triệu liều - cho TP Hồ Chí Minh và đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, mở rộng đối tượng tiêm chủng cho người hơn 65 tuổi, người có bệnh nền...
Lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, về cơ bản không thiếu ở các siêu thị, các tổng kho, tiếp tục dồi dào khi được cả nước chi viện, nhưng thiếu là thiếu về tận căn nhà, từng ngõ hẻm khi nội bất xuất ngoại bất nhập - thiếu, thậm chí vì cách hiểu, cách tư duy sơ sài, cứng nhắc về “hàng thiết yếu”, vì tư duy ngăn sông cấm chợ mỗi tỉnh, thành phố, và điều này - đã được Chính phủ lập tức yêu cầu các địa phương, các ngành điều chỉnh, thay đổi.
Nhưng, thay đổi gốc rễ lúc này để có thể giữ yên dân trong các vùng cách ly tại chỗ, trước hết là từ phương thức phân phối, vận chuyển hàng hóa tới tay người dân, gắn với vai trò hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò tình nguyện, thiện nguyện, hội đồng hương xuống tận các hẻm phố, tổ dân phố, hộ dân. Chính phủ đã công bố giảm giá điện (giảm 15% tiền điện sinh hoạt (trước thuế VAT) trên hóa đơn cho khách hàng sống trong vùng giãn cách khi sử dụng đến 200 kWh/tháng và giảm 10% tiền điện sinh hoạt (trước thuế VAT) cho khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng, thực hiện trong tháng 8 và 9 năm 2021); giảm giá nước sinh hoạt, tiêm chủng cho nhân dân ở lại trong vùng dịch và đó là biện pháp hoàn toàn đúng đắn. Về lâu về dài, đó sẽ còn là tư duy hiện đại, đồng bộ về trợ cấp thất nghiệp, giải quyết việc làm, đa dạng phương thức an sinh xã hội với các loại hình BHYT, BHXH để an dân.
Ngày 28/7, tại diễn văn bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung vào Nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách chỉ áp dụng cho công tác phòng, chống dịch và chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định. Trước an nguy của Tổ quốc, lo lắng của nhân dân, Quốc hội trong kỳ họp lịch sử được rút ngắn 8 ngày so với dự kiến đã tạo cơ sở pháp lý và tăng chủ động cho Chính phủ thực thi những biện pháp cần thiết nhất trong hoàn cảnh đặc biệt để huy động tối đa mọi nguồn lực chống dịch và giữ vững, khôi phục sản xuất, đặc biệt với mục tiêu vì tính mạng, sức khỏe nhân dân.
Hơn lúc nào hết, giờ là lúc trách nhiệm chống dịch - an dân đi cùng duy trì phát triển kinh tế phải được đề cao, kỷ luật phải được tôn trọng, ách tắc phải được tháo gỡ bằng mọi giá, chủ trương phải được thực hiện thống nhất, vì dân, vì nước!
Khi an dân là gốc, an dân là mục tiêu, là thước đo mọi biện pháp thực thi chính sách, thì lòng dân luôn vững, phép nước luôn nghiêm. Và đó, chính là cơ sở để chúng ta thêm quyết tâm, tin tưởng một cách có kỷ luật và lý trí bên cạnh lòng nhân bản, lá lành đùm lá rách vốn là truyền thống ông cha, để bên nhau vượt qua chặng khó khăn này.