Không phải đến bây giờ, bài toán tiết kiệm khi đăng cai tổ chức các đại hội thể thao, nhất là những đại hội thể thao tầm cỡ quốc tế và khu vực mới được đặt ra, bởi trước đó đã có nhiều bài học từ các nước và bản thân chúng ta cũng mắc phải. Thế giới từng có cái gọi là hội chứng “hậu thế vận hội”, “hậu ASIAD” làm đau đầu những nước đăng cai Ô-lim-pích hay Đại hội thể thao châu Á khi đầu tư quá tốn kém cho các công trình và công tác tổ chức đại hội. Còn ở Việt Nam, thực tế qua các kỳ tổ chức SEA Games 22 năm 2003 và Đại hội thể thao châu Á trong nhà năm 2009 đã cho thấy điều đó. Tình trạng chung mà nhiều nước đăng cai đại hội thể thao quốc tế thường gặp phải là sự lãng phí đầu tư với các công trình thể thao không được dùng đúng chức năng, thậm chí bị bỏ hoang, do các công trình dành cho những môn thể thao thiếu phổ cập đối với người dân sở tại. Việc chuyển đổi công năng theo hướng phục vụ dân sinh cũng không dễ dàng bởi những khó khăn về thiết kế kiến trúc và kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi, bảo dưỡng, tạo dựng một bộ máy quản lý. Bên cạnh đó, với tiến độ thi công gấp gáp nhằm bảo đảm thời gian đại hội, nhiều công trình đã xuống cấp nhanh chóng sau đó, nếu không được bảo dưỡng, duy tu thường xuyên. Việc sử dụng không hiệu quả những công trình dành cho đại hội Ô-lim-pích tại các nước như Ô-xtrây-li-a, Hy Lạp, Anh và Trung Quốc, rồi trong các kỳ SEA Games của các nước Đông - Nam Á là những thí dụ điển hình dễ thấy. Ở Việt Nam, chúng ta đã từng chi một số tiền không hề nhỏ cho SEA Games 22 năm 2003 và sau này là Đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009, nhưng sau đó nhiều công trình đã trong tình trạng “đắp chiếu”, chờ đợi năm thì mười họa mới có vài sự kiện được tổ chức hoặc phải chuyển sang dùng vào việc khác.
Có một thực tế là trong nhiều đề án tổ chức các sự kiện và đại hội thể thao lớn, những người chịu trách nhiệm lập đề án thường kỳ vọng vào những con số thu về từ tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình và du lịch, song đáng thất vọng là các nguồn thu này thường không như ý và quá ít ỏi so với khoản kinh phí bỏ ra. Gần đây nhất, nước chủ nhà SEA Games 28 là Xin-ga-po đã đầu tư kinh phí tính ra tiền Việt Nam khoảng 5.200 tỷ đồng cho đại hội mà cũng chỉ thu về chưa đầy 800 tỷ đồng, mặc dù họ đã tính toán khá chi ly cho công tác tổ chức, tận dụng triệt để cơ sở hạ tầng sẵn có. Nhưng đó là một nước có nền kinh tế hàng đầu khu vực, còn đối với những nước đang phát triển thì lại là chuyện khác. Đầu tư tốn kém cho các đại hội thể thao lớn, xa rời thực tế và ngộ nhận vào những lợi ích kinh tế mang tính đột phá từ các sự kiện thể thao đã khiến không ít nước vỡ mộng và lâm vào khủng hoảng tài chính, nợ công nặng nề sau đó.
Chúng ta ý thức được việc tổ chức SEA Games 31 theo luân phiên là trách nhiệm và nghĩa vụ của thể thao Việt Nam đối với thể thao khu vực, thể hiện vị thế và hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, nhưng đồng thời phải hiệu quả, tránh những lãng phí không cần thiết, phù hợp khả năng kinh tế đất nước. Chính vì vậy, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn Hà Nội và một số địa phương chung quanh trong đề án tổ chức SEA Games 31 - năm 2021 trình Chính phủ vừa qua là một quyết định đúng đắn. Nói như thế không quá, bởi trước đó đã dấy lên dư luận và nhiều ý kiến đề nghị tổ chức SEA Games tại TP Hồ Chí Minh, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của đất nước và khu vực. Nếu như vậy, sẽ phải xây mới một loạt công trình thi đấu lớn, vô cùng tốn kém trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn. Chỉ tính sơ sơ, để TP Hồ Chí Minh có được một sân vận động như Sân vận động quốc gia Mỹ Đình của Hà Nội sẽ phải đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, đó là chưa kể đến một khu liên hợp thể thao dưới nước khoảng 700 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều công trình phụ trợ khác, kinh phí sẽ đội lên gấp nhiều lần. Trong khi đó, tại Hà Nội và khu vực chung quanh đã có sẵn một hệ thống cơ sở hạ tầng cùng những kinh nghiệm tổ chức từ SEA Games năm 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009.
Tuy nhiên, điều cần quan tâm từ đề án tổ chức SEA Games 31 - năm 2021 cũng như các đại hội, sự kiện thể thao lớn khác ở Việt Nam là các vấn đề “hậu sự kiện”, để sao cho những công trình phục vụ cho thể thao sẽ được tận dụng hiệu quả, mang ý nghĩa thiết thực, phục vụ cho sự phát triển của thể thao nước nhà và phong trào tập luyện, nâng cao sức khỏe của các tầng lớp nhân dân. Tất nhiên, việc sử dụng hợp lý và đúng công năng, tạo nguồn kinh phí cho các công trình còn phụ thuộc vào sự phát triển của các phong trào thể thao và sự năng động trong liên kết khai thác công trình với các ngành như giáo dục, du lịch… Nhiều nước trong khu vực và thế giới đã thực hiện thành công việc khai thác, đưa các công trình như sân vận động, khu liên hợp thể thao trở thành những điểm đến tham quan, du lịch, đồng thời cũng là nơi tập luyện, tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa của học sinh, sinh viên các trường ở các cấp học. Đó là một hướng đi mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch nước ta cần học tập.
Quyết định đúng sẽ tạo được sự đồng thuận
1.757 tỷ đồng là tổng kinh phí dự kiến cho việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội thể thao Đông - Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) năm 2021, do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội, trong đề án vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ. Điều đáng nói, đây là khoản kinh phí để chi nâng cấp cơ sở hạ tầng (803 tỷ đồng), tổ chức đại hội (954 tỷ đồng) và không chi cho các công trình SEA Games xây mới theo đúng chỉ đạo tiết kiệm của Chính phủ. Có thể nói, đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp thực tế đất nước và phần nào tạo được sự đồng thuận trong dư luận, xã hội.