Quy hoạch vùng nguyên liệu - yêu cầu bức thiết
Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam và vùng nguyên liệu giấy đến 2010, tầm nhìn 2020 của Tổng công ty giấy Việt Nam có mục tiêu kế thừa Quy hoạch tổng thể phát triển, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 160/1998/QÐ-TTg ngày 4-9-1998; dựa trên kết quả của phân tích, đánh giá tổng hợp hiện trạng và nguồn lực phát triển của ngành công nghiệp giấy Việt Nam, từ đó xây dựng một hệ thống mục tiêu, quan điểm, giải pháp, phát triển vùng nguyên liệu giấy, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của ngành trong giai đoạn tới.
Hiện trạng ngành công nghiệp giấy Việt Nam sau bảy năm thực hiện Quy hoạch tổng thể vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong quá trình phát triển,
nhất là ở hai khâu sản lượng giấy và công suất sản xuất bột giấy. Trong năm 2005, sản lượng giấy đạt 850.000 tấn nhưng sản lượng bột giấy mới chỉ đạt 288.000 tấn. Trong đó, công suất của các DN thuộc Tổng công ty giấy Việt Nam chỉ đạt 325.000 tấn giấy, chiếm 27,9% tỷ trọng công suất chung và 135.000 tấn bột giấy, chiếm 43,3%, còn lại là đóng góp của công nghiệp địa phương, các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và các khu vực kinh tế khác. Theo đánh giá, những dự án đầu tư và phát triển của ngành công nghiệp giấy ở khâu sản xuất bột giấy là chưa đạt yêu cầu.
Hiện trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Về mặt bằng cơ sở vật chất, chỉ có hai đơn vị trong ngành giấy (Bãi Bằng và Tân Mai) là sở hữu công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, trong đó, Công ty giấy Bãi Bằng là đơn vị duy nhất sản xuất bột giấy tẩy trắng cao, nhưng mới chỉ đạt công suất 80.000 tấn bột giấy hóa học/năm, còn Nhà máy giấy Tân Mai chỉ sản xuất bột cơ nhiệt. Do sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, hằng năm, Công ty giấy Bãi Bằng phải nhập 15.000 tấn bột giấy hóa học tẩy trắng để sản xuất loại giấy cao cấp đáp ứng yêu cầu in ấn các ấn phẩm sử dụng lâu dài như sách, sách giáo khoa... Khắc phục những hạn chế này, Nhà nước đầu tư 1.107 tỷ đồng chủ yếu là vốn vay nước ngoài cho quá trình nâng cấp đồng bộ dây chuyền sản xuất của công ty.
Một nguyên nhân khác tác động trực tiếp đến sản suất của ngành giấy là nhu cầu về nguyên liệu sản xuất bột giấy thiếu. Theo nghiên cứu khảo sát, hiện nay mỗi năm, riêng Công ty giấy Bãi Bằng cần tới 350.000 tấn tre, gỗ, nứa... để làm nguyên liệu. Trong khi đó, đến năm 2005 mới đạt 218.000 tấn nguyên liệu/năm, không tương ứng với nhu cầu tiêu thụ giấy được dự báo là sẽ tăng bình quân từ 10 đến 11%/năm. Mới đây, Chính phủ đã giao Tổng công ty giấy tập trung phát triển dự án đầu tư một dây chuyền sản xuất bột giấy trắng thương phẩm công suất 250.000 tấn/năm tại Nhà máy giấy Bãi Bằng và dự án xây dựng Nhà máy bột giấy Thanh Hóa công suất 50.000 tấn bột giấy và 60.000 tấn giấy bao gói/năm, theo đó nhu cầu nguyên liệu dự kiến sẽ tăng lên 1,5 triệu tấn/năm sau khi các dự án này hoàn thành. Ðể khắc phục sự mất cân đối giữa sản xuất giấy và sản xuất bột giấy, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cung cấp cho sản xuất bột giấy đạt 600.000 tấn vào năm 2010 và 1,8 triệu tấn vào năm 2020, không thể không có sự điều chỉnh, quy hoạch chi tiết đối với các vùng nguyên liệu.
Ðầu tư tăng sản lượng giấy và bột giấy
Là đơn vị sản xuất có quy mô lớn nhất của Tổng công ty, Nhà máy giấy Bãi Bằng trong nhiều năm qua đã không ngừng đổi mới công nghệ nâng công suất giấy và bột giấy, chú trọng thực hiện mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu. Từ thiết kế ban đầu với sản lượng 55 nghìn tấn giấy/năm, qua giai đoạn nâng cấp hiện nay nhà máy sản xuất
100 nghìn tấn/năm. Theo ông Ðỗ Xuân Trụ, Phó Tổng giám đốc công ty, hiện Bãi Bằng đang triển khai chương trình nâng cấp toàn bộ dây chuyền sản xuất dựa trên ba tiêu chí quan trọng là: Nâng sản lượng bột giấy và giấy; Nâng chất lượng giấy từ độ trắng 80% ISO lên 95% ISO; Bổ sung công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đạt tiêu chuẩn thải quốc gia nhằm giảm ô nhiễm môi trường.
Ðể đạt được mục tiêu trên, Bãi Bằng cần đầu tư hơn 1.107 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn vay nước ngoài. Ðây là một chương trình đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất rất lớn. Ðể thực hiện hiệu quả dự án trên vấn đề quyết định vẫn là phát triển nhanh và vững chắc vùng nguyên liệu.
Hiện Công ty giấy Bãi Bằng có 16 lâm trường trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam với tổng diện tích đất được giao quản lý sử dụng là hơn 60 nghìn ha, diện tích đất rừng trồng nguyên liệu có 32 nghìn ha. Hằng năm các lâm trường này cung cấp cho Bãi Bằng 60% nhu cầu nguyên liệu, còn lại là thu mua từ các hộ dân và lâm trường trực thuộc địa phương. Ðến nay vùng nguyên liệu chủ yếu ở bảy tỉnh phía bắc: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Lào Cai. Ðể bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định nhà máy đã thực hiện nhiều chính sách phát triển vùng nguyên liệu, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa hoặc thiếu nguyên liệu như trước đây. Ðồng thời, công ty từng bước cải tiến việc thu mua nguyên liệu theo hướng thuận lợi cho người trồng rừng và DN kinh doanh gỗ nguyên liệu.
Việc tổ chức thu mua đã đơn giản hóa các thủ tục. Các lâm trường có thể trực tiếp giao dịch với nhà máy, không cần phải có các giấy phép bắt buộc như trước kia. Hộ trồng nguyên liệu cũng có thể ký hợp đồng trực tiếp với nhà máy với thủ tục đơn giản, chỉ cần xác nhận của UBND xã và giấy chứng minh nhân dân. Do thủ tục thuận lợi, tạo mọi điều kiện cho người trồng rừng mua bán dễ dàng, nên khâu khai thác nguyên liệu khá ổn định. Các vùng nguyên liệu phát triển nhanh thông qua những biện pháp có tính khuyến khích, nhà máy phối hợp chặt chẽ với các đầu mối cung cấp nguyên liệu. Với các lâm trường trực thuộc, nhà máy cấp vốn vay từ quỹ hỗ trợ cho các lâm trường để đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu. Các lâm trường này có thể liên kết trồng rừng với dân tại địa phương thông qua UBND xã và hợp đồng trồng cây nguyên liệu giấy ngay trên đất của dân.
Ðối với địa bàn gần nhà máy, công ty thực hiện mô hình trực tiếp hợp tác trồng rừng với các xã ở huyện Phù Ninh. Ðến nay công ty đã đầu tư trồng 380 ha. Theo cách làm mới này công ty cho người trồng rừng vay vốn lãi suất ưu đãi (3%/năm), vốn được giải ngân theo tiến độ trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng. Các hộ trồng rừng còn được công ty đầu tư kỹ thuật, vật tư, phân bón, cây giống, hướng dẫn trồng và chăm sóc rừng. Tính ra, công ty đầu tư 80% vốn, hộ dân đầu tư 20%. Công ty giấy Bãi Bằng trích 5% tổng giá trị mua nguyên liệu hằng năm bảo đảm cho những nguồn đầu tư này. Ðến chu kỳ khai thác, nhà máy thu mua theo giá thị trường và cam kết khi giá hạ cũng sẽ thu mua bằng 80% giá khi ký hợp đồng. Trong những ngày lễ Tết, những thời điểm người dân cần tiền, công ty tạm dừng mua nguyên liệu từ các lâm trường thuộc Tổng công ty giấy để tập trung thu mua cho các hộ dân.
Lâm trường Ðoan Hùng, một lâm trường có diện tích đất rừng nguyên liệu giấy 1.452 ha. Mỗi năm lâm trường trồng từ 200 đến 250 ha cây nguyên liệu giấy, khai thác từ 180 đến 200 ha, sản lượng gỗ bình quân từ 10 nghìn đến 12 nghìn m3/năm. Ðể nâng cao hiệu quả kinh doanh lâm trường triển khai cơ chế khoán công đoạn và khoán chu kỳ trồng và chăm sóc rừng cho từng công nhân và hộ dân trên diện tích đất trồng rừng. Ðối với công nhân lâm trường, thực hiện cơ chế giao đất và cây giống cho từng người, đến kỳ thu hoạch lâm trường thu lại sản phẩm tương ứng với chi phí đầu tư, người nhận khoán được hưởng 2% giá trị sản phẩm/năm và được trả khi thu hoạch. Còn đối với nông dân sống gần khu vực rừng nguyên liệu, lâm trường giao rừng cho dân bảo vệ và trả tiền công bảo vệ rừng theo kỳ thu hoạch. Với cách làm này, nhiều năm nay lâm trường luôn đạt hiệu quả cao về cả số lượng và chất lượng cây nguyên liệu do gắn được nghĩa vụ và quyền lợi của công nhân và người dân vào việc trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng nguyên liệu. Từ năm đầu 2006, do nguồn vốn đầu tư hạn chế, lâm trường triển khai hình thức liên kết giữa người lao động và lâm trường, mỗi công nhân cùng góp vốn sản xuất với lâm trường để trồng rừng, lâm trường trả lãi theo lãi suất của ngân hàng. Với hình thức này, lâm trường đã gắn kết được công nhân với công việc trồng và chăm sóc rừng, giảm được gánh nặng vay vốn.
TỪ cách làm hiệu quả của Lâm trường Ðoan Hùng, công ty đang tiếp tục nhân rộng ra các lâm trường khác, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, vững chắc, đáp ứng đủ nguyên liệu khi dây chuyền mới của Bãi Bằng đi vào hoạt động. Ðây là sự ổn định dựa trên cơ sở bảo đảm lợi ích cho cả hai phía người trồng rừng và DN nhằm khai thác sử dụng hiệu quả đất đai, phủ xanh đất trống đồi trọc, từng bước nâng cao đời sống người dân, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp giấy.Thực hiện dự án đầu tư nâng công suất giấy và bột giấy giai đoạn 2, trong những năm tới công ty quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 172 nghìn ha ở các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng. Do đặc thù của trồng cây nguyên liệu giấy có chu kỳ thu hoạch kéo dài khoảng từ bảy đến tám năm, người trồng rừng chủ yếu là đồng bào vùng sâu, vùng xa thiếu vốn sản xuất, cho nên để thực hiện được mục tiêu phát triển rừng cây nguyên liệu theo kế hoạch Nhà nước, nhà máy cần có chính sách hỗ trợ vốn cho người trồng rừng.
Việc chủ động phát triển vùng nguyên liệu cần đi trước một bước để đến năm 2010, khi dự án mở rộng nhà máy đi vào hoạt động có nguồn nguyên liệu ổn định, đây là vấn đề quyết định nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng sức cạnh tranh.
Anh Nguyễn Tấn Tuyển, Chủ hộ trồng rừng ở huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết: Từ năm 1990, gia đình anh bắt đầu trồng rừng, qua những năm đầu khó khăn, đến năm 1998, diện tích rừng trồng bắt đầu phát triển nhanh, đến nay gia đình đã có 60 ha. Năm 2005 khai thác 15 ha, thu 300 triệu đồng và bắt đầu chuyển sang trồng các loại giống có năng suất cao, trồng bằng mô như bạch đàn, keo tai tượng, keo lá chàm. Với sự đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất bột giấy của Nhà máy giấy Bãi Bằng, việc tiêu thụ gỗ nguyên liệu hiện nay rất thuận lợi, đầu ra ổn định, giá cả có lợi cho dân. Hiện nay người dân chỉ còn lo trồng rừng cho tốt, còn tiêu thụ không thành vấn đề, nếu cần sẽ có người đến tận nơi để thu mua. Ông Ðỗ Thập, Giám đốc DN tư nhân dịch vụ sản xuất, trồng rừng 327 (huyện Yên Bình, Yên Bái): Có một thực tế là nhiều hộ dân trồng rừng quy mô nhỏ lại ở xa, nếu đem về nhà máy bán thì không đủ điều kiện và không kinh tế bằng bán qua doanh nghiệp thu mua gom. Riêng doanh nghiệp của ông từ năm 1989 đến nay đã liên kết với hơn 10 nghìn hộ dân của 101 xã thuộc năm tỉnh để trồng chăm sóc và bảo vệ rừng đồng thời thu gom sản phẩm bán cho Nhà máy giấy Bãi Bằng. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người trồng rừng và doanh nghiệp thu gom, Nhà máy giấy Bãi Bằng phải tính toán tổ chức điều phối tốt việc nhập nguyên liệu, hạn chế lúc có quá nhiều người bán, lúc thì không có để nhập. Ðiều người dân và DN mong đợi nhất là giá cả phải ổn định, thanh toán nhanh, sau 15 ngày nhập hàng là nhận được tiền, không kéo dài gây thiệt thòi cho người bán hàng. |