Quy hoạch Nha Trang là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên

NDO - Ngày 31/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành quyết định phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc phố biển Nha Trang. (Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG)
Một góc phố biển Nha Trang. (Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG)

Theo đó, Quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 26.736ha, tăng khoảng 189ha so với diện tích phạm vi nghiên cứu tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 25/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 26.547ha.

Các mục tiêu quy hoạch cụ thể hóa mục tiêu, định hướng xây dựng, phát triển thành phố Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy hoạch xác định tính chất thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa; là trung tâm du lịch, thương mại-tài chính, dịch vụ cảng biển du lịch của vùng Nam Trung Bộ và cả nước; là đô thị du lịch biển, đảo quốc gia và quốc tế; có vai trò và vị trí quan trọng về an ninh-quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.

Quy mô dân số: Đến năm 2030 khoảng 630.000-640.000 người; đến năm 2040: khoảng 750.000-780.000 người.

Quy mô đất đai: Đến năm 2030: đất xây dựng toàn đô thị khoảng 9.981ha (trung bình khoảng 156m2/người); trong đó, đất dân dụng khoảng 5.873ha (trung bình khoảng 92m2/người); đến năm 2040: đất xây dựng toàn đô thị khoảng 11.792ha (trung bình khoảng 151m2/người); trong đó, đất dân dụng khoảng 6.713ha (trung bình khoảng 86m2/người).

Quy hoạch Nha Trang là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên ảnh 1

Trung tâm ngã Sáu Nha Trang. (Ảnh: THÀNH AN)

Định hướng phát triển các phân vùng đô thị gồm 14 khu vực, với các định hướng quy hoạch chính về quy mô, diện tích, dân số, tính chất, chức năng; các chỉ tiêu kiểm soát về quy hoạch được quy định tại Quy định quản lý quy hoạch theo đồ án, cụ thể:

Khu 1: Khu vực trung tâm ven biển và phía Nam sông Cái, diện tích khoảng 676ha, dân số dự kiến khoảng 140.000 người; là trung tâm du lịch cả nước; trung tâm hành chính-văn hóa-thương mại cấp tỉnh và thành phố.

Khu 2: Khu vực sân bay Nha Trang cũ và vùng phụ cận, diện tích khoảng 263ha, dân số dự kiến khoảng 23.200 người; là trung tâm dịch vụ du lịch, văn phòng, thương mại-tài chính vùng Nam Trung Bộ.

Khu 3: Khu vực Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, diện tích khoảng 640ha, dân số dự kiến khoảng 60.500 người; là trung tâm dịch vụ du lịch biển, dịch vụ cảng biển du lịch vùng Nam Trung Bộ.

Khu 4: Khu vực phía Tây đường Lê Hồng Phong, diện tích khoảng 501ha, dân số dự kiến khoảng 70.000 người; là khu đô thị mới đan xen khu dân cư hiện trạng cải tạo chỉnh trang.

Khu 5: Khu đô thị ven biển, phía Đông đường sắt, từ Bắc sông Cái đến Mũi Kê Gà, diện tích khoảng 1.212ha, dân số dự kiến khoảng 108.800 người; là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển.

Khu 6: Khu vực từ phía Nam núi Cô Tiên (nhỏ) đến phía Bắc núi Hòn Ngang (núi Cô Tiên lớn), diện tích khoảng 1.631ha, dân số dự kiến khoảng 16.100 người; là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển.

Khu 7: Khu vực đô thị phía Bắc sông Cái và khu vực Hòn Nghê, diện tích khoảng 1.316ha, dân số dự kiến khoảng 47.600 người; là trung tâm giáo dục, y tế, dịch vụ nước khoáng nóng.

Khu 8: Khu vực đô thị phía Tây Nha Trang, diện tích khoảng 1.584ha, dân số dự kiến khoảng 109.300 người; là trung tâm khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, đào tạo mới.

Khu 9: Khu vực phía Nam đường Phong Châu và khu vực núi phía Tây sông Tắc, diện tích khoảng 1.966 ha, dân số dự kiến khoảng 82.300 người. Là khu đô thị-trung tâm hành chính mới, dịch vụ du lịch sinh thái núi, dịch vụ y tế vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Khu 10: Khu vực Phước Đồng-Hòn Rớ-phía Bắc núi Cù Hin, diện tích khoảng 4.626ha, dân số dự kiến khoảng 64.100 người; là trung tâm giáo dục, thể dục thể thao và dịch vụ du lịch sinh thái.

Khu 11: Khu vực Đồng Bò-Trảng É, diện tích khoảng 810ha, dân số dự kiến khoảng 11.000 người; là khu công nghiệp và dịch vụ logistic.

Khu 12: Khu vực phía Tây Bắc quốc lộ 1, thuộc xã Vĩnh Phương, diện tích khoảng 2.522ha, dân số dự kiến khoảng 8.900 người; là khu vực làng xóm hiện trạng cải tạo, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.

Khu 13: Khu vực xã Vĩnh Lương-phía Bắc núi Hòn Ngang, diện tích khoảng 3.828ha, dân số dự kiến khoảng 28.200 người; là khu dân cư hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang kết hợp du lịch sinh thái núi.

Khu 14: Khu vực biển thuộc vịnh Nha Trang, biển ven bờ xã Vĩnh Lương và các đảo thuộc thành phố Nha Trang, diện tích khoảng 3.848ha, dân số dự kiến khoảng 10.000 người; là trung tâm dịch vụ du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế kết hợp an ninh-quốc phòng.