Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch: Tại sao chậm trễ

NDO -

NDĐT – Được quy định trong Luật Du lịch năm 2005 và Luật Du lịch năm 2017, nhưng cho đến nay Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vẫn chỉ nằm trên giấy. Đại biểu Quốc hội đã đưa vấn đề này lên chất vấn các thành viên Chính phủ trên nghị trường.

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch: Tại sao chậm trễ

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho biết, ông rất quan tâm đến vấn đề Quỹ Hỗ trợ phá triển du lịch và đã nêu nội dung này tại kỳ họp thứ 3. Sự cần thiết cũng như việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được quy định tại Luật Du lịch năm 2005 và Luật Du lịch năm 2017. Tuy nhiên, từ đó đến nay Chính phủ vẫn còn nợ ngành du lịch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Lần này, ông muốn hỏi Bộ trưởng Tài chính, nguyên nhân của sự chậm trễ này, khó khăn trở ngại gì, đâu và trách nhiệm thuộc về ai?

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch: Tại sao chậm trễ ảnh 1

Người chịu trách nhiệm chính trong quản lý ngành, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: “Trách nhiệm đầu tiên và trước hết là của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác. Đến nay, việc chuẩn bị văn bản cũng như các thủ tục đã xong. Chúng tôi đã trình Văn phòng Chính phủ để báo cáo với Chính phủ ký ban hành. Khi thông qua Luật Du lịch, các đại biểu cũng đã thảo luận các nội dung liên quan đến Quỹ và có nhiều vướng mắc, đó là lý do của sự chậm trễ này”.

Bộ trưởng cho biết, Luật Du lịch năm 2005 cũng có quy định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, nhưng sau 10 năm vẫn không đưa vào hiện thực được. Chính vì vướng mắc, cho nên quá trình chuẩn bị phải lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tổ chức họp hai lần và cho ý kiến cuối cùng. Đến nay, dự thảo về quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được trình Thủ tướng.

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch: Tại sao chậm trễ ảnh 2

Về việc Chương trình Xúc tiến quảng bá du lịch có hoạt động không khi không có quỹ này, Bộ trưởng cho biết, Chương trình vẫn hoạt động bình thường theo Chương trình Hành động quốc gia về du lịch và Chương trình Xúc tiến quảng bá du lịch, kinh phí một năm khoảng 50-60 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng tranh luận lại rằng, tại kỳ họp thứ 3 vừa rồi ông có chất vấn Bộ trưởng Tài chính chứ không phải Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. “Sự cần thiết của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được Luật Du lịch năm 2005 cũng như Luật Du lịch (sửa đổi) năm 2017 quy định. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay Chính phủ mà cụ thể là Bộ Tài chính là đơn vị quyết định vẫn nợ ngành du lịch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho nên chúng tôi muốn hỏi Bộ trưởng Tài chính về nguyên nhân của sự chậm trễ, khó khăn, trở ngại và trách nhiệm thuộc về ai, chứ tôi không hỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi nào quỹ có thể ra đời, và không bị treo thêm một lần nữa” – đại biểu cho biết.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đúng như Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo quỹ này. Lâu nay vướng mắc từ đầu năm đến giờ chính là địa vị pháp lý của Quỹ này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình là đơn vị sự nghiệp công lập nhưng cũng vướng, vì vừa qua Phó Thủ tướng chỉ đạo thành lập Quỹ này hoạt động theo cơ chế công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. “Chúng tôi vừa bàn lại cơ chế quản lý Quỹ cách đây hai tuần, tôi và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trực tiếp trao đổi với nhau, thống nhất và sau đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện và trình Chính phủ. Tới đây Thủ tướng sẽ có ý kiến, có thể ký được sớm. Chúng tôi nghĩ Quỹ ra đời sẽ bố trí dự toán để cấp vốn điều lệ quỹ theo quy định là 300 tỷ đồng/năm” - Bộ trưởng cho biết.