Mở đầu phiên làm việc, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (sau đây gọi tắt là Hiệp định CPTPP).
Trước đó, ngày 2-11 và 5-11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ và hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Sau khi Tổng Thư ký Quốc hội gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, UBTVQH đã nhận được 375 ý kiến, trong đó có 350 ý kiến đồng ý hoàn toàn với dự thảo và 25 ý kiến góp ý vào một số nội dung và kỹ thuật của dự thảo Nghị quyết.
Căn cứ các ý kiến đóng góp, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Tại phiên làm việc, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP với 469/469 đại biểu có mặt tán thành thông qua.
Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP gồm bốn Điều, trong đó quy định rõ việc tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Cụ thể, về tổ chức thực hiện, Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.
Về trách nhiệm giám sát, Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.