Quang Việt và mô hình nuôi đà điểu trong dân

Quang Việt và mô hình nuôi đà điểu trong dân

Gần 10 năm trước, những chú đà điểu đầu tiên được trại nghiên cứu đà điểu Ba Vì du nhập về nuôi thử nghiệm. Đến nay, chăn nuôi đà điểu đã phát triển mạnh với hàng chục trại và vài nghìn con.

Giá trị kinh tế của đà điểu rất cao, hầu như các bộ phận của vật nuôi này đều cho tiền: Thịt filê xuất khẩu 25 USD/kg, lông tơ 550 USD/kg, da thô (ướp muối) 500 USD/m2, xương nấu cao (1 triệu đồng/lạng), mỡ làm mỹ phẩm...

Tại thị trường trong nước, thịt đà điểu tươi có giá từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, thịt cấp đông rẻ hơn cũng 140.000 - 160.000 đồng/kg. Trung bình một con đà điểu cho từ 40 - 50 kg thịt filê, 1 kg lông và 1,4 m2 da. Trung bình một con đà điểu sau 12 tháng nuôi có thể tạo ra giá trị kinh tế khoảng 2.500 USD với điều kiện có công nghệ chế biến tốt.

Phổ biến cách nào?

Hiệu quả kinh tế từ đà điểu đã quá rõ nhưng vẫn chưa phổ cập tới các hộ nông dân. Nguyên nhân có thể kể ra như vốn, cách thức nuôi dưỡng và quan trọng nhất là khâu chế biến để có lợi nhuận cao.

Qua thực tế hoạt động và nghiên cứu từ Công ty Quang Việt (Hải Dương) nơi đang sở hữu trang trại nuôi đà điểu lớn nhất miền Bắc với hơn 500 con- nhận thấy, để phát triển nuôi đà điểu thành hàng hóa thì nhất thiết phải đưa vào quy mô hộ gia đình.

Theo Công ty Quang Việt, quy mô chăn nuôi đà điểu khả thi nhất đối với đa số nông dân là từ 5 con trở lên. Điều kiện để chăn nuôi đà điểu ở quy mô này tương đối phù hợp với các hộ nông dân: Giống khoảng 10 triệu đồng, xây dựng trại (100 m2) 5 triệu đồng và thức ăn 10 triệu đồng (trong 9 tháng) và cần 1 lao động làm tranh thủ. Quy trình nuôi dưỡng sẽ được chuyên gia kỹ thuật của Công ty Quang Việt hướng dẫn, chuyển giao.

Ông Vũ Đức Tuấn - Giám đốc Công ty Quang Việt cho biết: “Với 5 con đà điểu sau 9 tháng, người chăn nuôi có thể thu được từ 35 - 40 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 10 - 15 triệu đồng”. Trên thị trường hiện nay, giá đà điểu bán cả con (cân hơi) khoảng 60.000 đồng/kg.

Đầu ra được Công ty Quang Việt bảo đảm thu mua để chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu theo đơn đặt hàng lớn và ổn định, chứ không trông vào một vài nhà hàng. Nhu cầu thịt đà điểu xuất khẩu hiện rất lớn. Mới đây, một khách hàng Nhật Bản đặt hàng định kỳ 100 tấn thịt filê nhưng Công ty Quang Việt không thể đáp ứng được bởi để có lượng thịt nói trên cần tới hàng nghìn con đà điểu. Do vậy, chuyển giao nuôi đà điểu cho nông dân cũng là một chiến lược của Công ty Quang Việt.

Dự kiến đến năm 2010, cả nước sẽ có 13.000-15.000 con đà điểu sinh sản cung cấp 260.000-300.000 con giống mỗi năm, sản lượng thịt trên 10.000 tấn cùng hàng trăm ngàn m2 da. Sắp tới đây, Chính phủ đưa ra Chương trình Quốc gia về chăn nuôi đà điểu và thành lập Hiệp hội chăn nuôi đà điểu để thúc đẩy ngành chăn nuôi có giá trị kinh tế cao.