Từ ngày 7/10/2020, cảng cá Tam Quang chính thức đi vào hoạt động. Đến ngày 10/2/2022, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định công bố mở cảng cá Tam Quang là cảng cá loại II, với cầu cảng có chiều dài 167,4m, độ sâu vùng nước đậu tàu -5m.
Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên có thể cập cảng; năng lực bốc dỡ hàng hóa tại cảng là 16.000 tấn/năm. Cùng với đó, các khu phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng như khu chế biến hải sản; khu sửa chữa tàu cá và sản xuất, cung cấp ngư lưới cụ… cũng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn.
Cảng cá Tam Quang đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân |
Theo chia sẻ của nhiều ngư dân trong vùng, kể từ khi có cảng cá Tam Quang, đời sống của bà con nơi đây đã có những chuyển biến tích cực, đồng thời mở ra những hướng phát triển mới cho nghề cá ở Quảng Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ngư dân Trần Hò (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang), chủ tàu QNa 91478 nhớ lại: Khi chưa có cảng, bà con ở đây thường lo bão chỗ nọ, chỗ kia khiến tầu bè có thể bị hư hỏng. Nhưng khi cảng cá Tam Quang đi vào hoạt động, tàu bè của bà con đã có chỗ tránh trú an toàn. Còn ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) phấn khởi khoe: Có cảng cá, giúp việc thu mua hải sản của bà con thuận lợi hơn, giá cả ổn định, bà con không còn bị thương lái ép giá. Tàu bè ra vào ổn định theo luồng lạch.
Để góp phần bảo đảm quyền cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác hải sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý vi phạm, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn ngư dân tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh biên giới biển được các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành chức năng tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Núi Thành nói riêng hết sức quan tâm.
Các hình thức tuyên truyền quy định pháp luật đến ngư dân được thực hiện đa dạng như: Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo; đến tận nhà dân để tuyên truyền; khi ngư dân đến trình sổ thì cán bộ kết hợp để tuyên truyền; tận dụng ưu thế của công nghệ để tuyên truyền qua zalo,…
Tạo động lực vươn khơi, bám biển, giữ gìn biển đảo
Ông Phan Vĩnh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết: Tam Quang là xã đông dân cư nhất huyện Núi Thành với trên 13.000 dân, trong đó 70% sống bằng nghề khai thác biển, thủy sản.
Để hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, thời gian qua, xã Tam Quang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho bà con hiểu về pháp luật trên biển, hỗ trợ về phương tiện, thông tin, trang thiết bị… Đặc biệt, theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, hỗ trợ dầu cho ngư dân, rất nhiều tàu thuyền tại xã Tam Quang đã được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là động lực rất lớn để người dân an tâm ra khơi bám biển.
Bên cạnh đó, xã cũng mở nhiều lớp đào tạo kỹ thuật đánh bắt trên biển, cách ướp cá, sơ chế sản phẩm để bảo đảm chất lượng, tạo điều kiện bảo đảm giá cả đầu ra.
Ông Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá Tam Quang cho biết: Giai đoạn trước đây người dân chưa có thói quen ghi nhật ký khai thác, và cũng chưa chủ động báo trước 1 giờ trước khi tàu cập cảng, điều này gây khó khăn trong công tác điều hành cũng như việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Tuy nhiên, qua một thời gian kiên trì vận động, thuyết phục, giúp ngư dân nhận thức rõ những lợi ích thiết thực của việc làm này.
Hiện nay hầu hết các ngư dân trên địa bàn đều đã tuân thủ nghiêm các quy định được hướng dẫn. Hải sản đánh bắt về đã xác định được nguồn gốc khai thác, thuận tiện trong hoạt động giao dịch mua bán của bà con.
Các dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng như chế biến hải sản; khu sửa chữa tàu cá,... giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển |
Cùng với đó, sự phối hợp của các lực lượng chức năng như chính quyền địa phương, Ban quản lý cảng cá, công an giao thông đường thủy, bộ đội biên phòng,… được triển khai đồng bộ, ăn ý, chặt chẽ, giúp cho sự vận hành tại cảng cá Tam Quang được thông suốt. Những tàu cá có dấu hiệu vi phạm hoặc mắc vi phạm đều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế trên địa bàn, bảo đảm quyền lợi cho ngư dân, công tác tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân cần tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần phát huy ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế trong việc đánh bắt thủy sản, góp phần tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và đất nước