Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng thôn 2 xã Lâm Trạch dẫn chúng tôi vào sâu giữa rừng thông khô héo nói như mếu: “Mấy tháng trước, rừng thông xanh tươi đang trút nhựa bỗng nhiên xuất hiện hàng ngàn, thậm thí hàng vạn con sâu róm ăn lá rào rào. Chỉ sau vài đêm, rừng thông bạt ngàn này bắt đầu đổi màu và giờ như cây củi khô. Xót lắm mấy chú ơi. Người dân thường xuyên rung cây cho sâu rụng bớt rồi gom lại đốt, phun thuốc lên cây nhiều lần mà không ngăn được dịch”.
Có mặt tại nhiều cánh rừng thông ở xã Lâm Trạch vào ngày 16-10-2013, chúng tôi chứng kiến hàng vạn con sâu róm bò lúc nhúc và đeo bám khắp nhiều vạt rừng thông. Chỉ vài phút đứng giữa rừng thông khô, chúng tôi rùng mình thấy không biết cơ man nào là sâu róm, con trên lá, con bám thân cây, con bò lổm ngổm trên đất.
Rừng thông khô xác xơ, trụi hết lá, trông rất thảm hại.
Ông Luyến nói, thôn của ông có hơn 100ha thông, mới đưa vào khai thác vài năm nay. Trận bão số 10 năm 2013, cả tỉnh Quảng Bình tan hoang. Thông nhựa, cao su đổ gãy hết nhưng rừng thông ở Lâm Trạch thoát được nạn.
Gần đây, giá nhựa thông tăng cao, hơn 30 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi tháng, một ha thông khai thác được nhựa hơn 300kg, bán được khoảng 10 triệu đồng. Hầu như nhà nào cũng có rừng thông nên ai cũng mừng. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn.
Gặp anh Nguyễn Sỹ Hùng ở thôn 2, xã Lâm Trạch đang rầu rĩ giữa rừng thông rộng 4ha bắt đầu khô ngọn, chúng tôi được biết thêm, cả xã chỉ có một máy phun thuốc diệt sâu róm nên tiến hành phun lần lượt cho từng hộ.
Sâu róm bị diệt nhưng rất nhanh chóng, từ kén lại sinh sôi lứa sâu non, lại bám vào lá thông gây hại. Hễ lá non mọc lên thì sâu lại ồ ạt ăn đến trụi lá, trơ thân.
Anh Hùng cho biết, mỗi đợt phun thuốc cho một ha tốn cả triệu đồng chứ không ít. Đã vậy, cứ phun thuốc vào thì từ trên cao, sâu róm rớt như mưa, thấy mà phát ớn. Nhiều con bắn vào người về nhà tắn rửa hai lần mà không hết ngứa ngáy.
Sâu róm rơi xuống bò lổm ngổm trên đất.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch Nguyễn Sỹ Phúc, Lâm Trạch là xã miền núi đặc biệt khó khăn, đất trồng lúa ít, người dân sống nhờ vào 600ha rừng thông do dự án trồng rừng Việt- Đức hỗ trợ. Hộ ít thì 1ha, hộ nhiều khoảng 2-5ha, nguồn thu từ nhựa thông đã giúp người dân ổn định đời sống.
Song gần đây, sâu róm xuất hiện và lan rộng, hiện 200ha thông bị sâu tấn công không thể khai thác nhựa được. Xã báo cáo sự việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch và các đơn vị đã cử người về hướng dẫn người dân xử lý nhưng vẫn chưa ngăn chặn được dịch. Tiết trời vừa mưa, vừa nắng trong những ngày qua càng tạo thuận lợi cho sâu róm phát triển và gây hại với mức độ nghiêm trọng hơn.
Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Quảng Bình Lê Xuân Tứ cho biết, đã đến hiện trường kiểm tra và hướng dẫn người dân cách diệt trừ sâu nhưng thực tế chưa mang lại hiệu quả do thông cao hàng chục mét, rung cây chỉ làm rơi một số con sâu già, còn phun thuốc từ dưới lên cũng chỉ diệt được số sâu bám phía dưới, không thể bao quát hết cả cây, cả vùng được. Ông Tứ thừa nhận là việc đối phó với nạn sâu róm hại thông là vấn đề khó tại Quảng Bình trong nhiều năm nay.
Trong khi, người dân ở xã Lâm Trạch đứng ngồi không yên trước nạn sâu róm gây hại rừng thông thì hai xã bên cạnh là Phúc Trạch và Xuân Trạch cũng hết sức lo lắng cho những cánh rừng thông nằm cận kề. Họ sợ nay mai, khi vặt trụi 600ha thông ở Lâm Trạch, hàng vạn con sâu róm sẽ tràn sang tàn phá rừng thông của mình nên đang tập trung tạo các đường rãnh cản sâu di chuyển, thường xuyên kiểm tra rừng thông để xử lý khi có sự cố.