Quảng bá văn hóa Việt qua Liên hoan guitar thế giới tại Berlin

NDO - Giáo sư, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long quảng bá văn hóa Việt qua những bản nhạc guitar cổ điển “Tổ khúc Kiều” đến công chúng nước ngoài tại Liên hoan guitar thế giới Berlin.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư, Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long biểu diễn trong đêm Liên hoan Guitar quốc tế tại Berlin 15/10/2022.
Giáo sư, Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long biểu diễn trong đêm Liên hoan Guitar quốc tế tại Berlin 15/10/2022.

Một sự tình cờ mà hôm nay tôi viết bài giới thiệu với các bạn yêu nghệ thuật nói chung và yêu cây đàn guitar cổ điển nói riêng. Hôm ấy một người bạn thân của tôi đang sống tại Đức báo rằng: “Sắp có cuộc Guitar quốc tế ở Berlin, cậu có đi xem cùng tớ không?”. Tôi mừng không hết: “Có chứ”! Chúng tôi là đồng nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật đã chuyển ngành - nhưng tình yêu nghệ thuật và âm nhạc vẫn cháy trong lòng mỗi người khi có dịp bên nhau. Tôi nhận được đường link... Được biết Liên hoan này do một người Việt làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật. Đó là anh, người nghệ sĩ mà tôi ngưỡng mộ qua những bản nhạc đã nghe từ lâu, làm tôi phấn khích quá.

Với cái tên Đặng Ngọc Long, chắc hẳn những người Việt kiều đang sinh sống và học tập ở Đức đều biết đến qua truyền hình Đức, Báo Berliner Zeitung, Berliner Morgenpost... Trên Youtube có Video (từ năm 2016): “Năm người Việt nổi tiếng tại Đức”, trong đó có anh, còn trong nước anh đã từng làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, truyền hình TTXVN, VTV4, VTV1, VOV3, VOV5... Truyền hình Nhân Dân cũng đưa tin...

Đêm liên hoan âm nhạc guitar thế giới tại Berlin năm nay có 3 phần chính:

Phần một là cuộc thi của các thí sinh lọt vào chung kết được mời tới Berlin để dự thi tranh giải nhất nhì...

Phần hai là buổi trình diễn của khách mời (các nghệ sĩ đã thành danh).

Phần ba là lễ trao giải thưởng và biểu diễn của các thí sinh đoạt giải.

Quảng bá văn hóa Việt qua Liên hoan guitar thế giới tại Berlin ảnh 1

Khán giả đến xem Liên hoan Guitar quốc tế tại Berlin.

Tôi tới khá sớm dự các chương trình. Trước cuộc thi, Trưởng Ban tổ chức giới thiệu thành viên ban giám khảo và Giáo sư Đặng Ngọc Long phổ biến cách chấm điểm thi. Chúng tôi, những khán giả dự xem cũng được phát một tờ chương trình để cùng chấm. Giáo sư nói: “Trong trường hợp 2 thí sinh bằng điểm nhau thì sẽ lấy điểm của khán giả cộng vào...” Tôi thấy hình thức này mới và rất công bằng. Trong chương trình thi, các thí sinh ngoài các tác phẩm tự chọn, tôi thấy trong tờ chương trình các em đều trình tấu bản “Mephisto” trong Album Fauts-Sonata của Đặng Ngọc Long, đó là tác phẩm bắt buộc.

Cuộc thi bắt đầu, các thí sinh tập trung cao độ, không khí cuộc thi nghiêm túc, riêng chỉ có tiếng đàn vang lên không ngừng nghỉ trong căn phòng hòa nhạc giữa trời Âu với tiết mùa thu đầy hứa hẹn với các thí sinh đoạt giải. Cũng từ các cuộc thi này, sau hôm nay sẽ chấp cánh cho các em bay cao, bay xa trên con đường sự nghiệp.

Quảng bá văn hóa Việt qua Liên hoan guitar thế giới tại Berlin ảnh 2

GS, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long cùng biểu diễn chung với khách mời (là những nghệ sĩ đã thành danh) trong đêm Liên hoan Guitar quốc tế tại Berlin.

Sau thời gian nghỉ, khi các thí sinh đã hoàn thành trọn vẹn các tiết mục dự thi kèm theo tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả cổ vũ cho các thí sinh của mình, tiếng chuông đồng hồ vang lên điểm đúng 20 giờ. Không gian lại tĩnh lặng nhường cho âm thanh thánh thót vang lên trong phần trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng được mời gồm nghệ sĩ Yaroslav Markarich (Belarus), Niklas Johannsen (Đan Mạch) và Đặng Ngọc Long (Việt nam). Tôi đặc biệt chăm chú nghe phần biểu diễn của Đặng Ngọc Long, trình bày hai tác phẩm do anh sáng tác dựa trên hai tác phẩm huyền thoại của hai thi hào Nguyễn Du (Việt Nam) và Johann Wolfgang Von Goethe (Đức). Đó là “Tổ khúc Kiều” và “Faust-Sonata”. Truyện Kiều thì tôi đã đọc nhiều lần và thuộc nhiều đoạn từ khi còn học phổ thông, còn Faust thì thú thực tôi chưa đọc bao giờ, chỉ khi nghe phong thanh trên mạng xã hội rằng nhạc sĩ đang thai nghén tác phẩm này cho guitar cổ điển thì tôi mới tìm hiểu và đọc. Tất nhiên là đọc cuốn tiếng Việt của dịch giả Quang Chiến. Nhiều câu thơ quen thuộc hay nghe, hay dùng từ xưa của thi hào Goethe. Tôi nhớ lại năm xưa mới sang Đức, chúng tôi được đi thăm nhiều nơi như ngọn lửa Vĩnh Cửu, Cổng thành Berlin, thành phố Weimar nơi mất của thi hào. Lúc đó chỉ biết ông nổi tiếng mà mọi người hay nhắc tới mà tới hôm nay tôi mới hiểu một phần giá trị.

Quảng bá văn hóa Việt qua Liên hoan guitar thế giới tại Berlin ảnh 3

Giáo sư, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long trao phần thưởng cho các thí sinh tham gia trong đêm Liên hoan Guitar quốc tế tại Berlin.

Sự kiện âm nhạc liên hoan guitar ở Berlin vừa qua làm tôi rất muốn viết điều gì đó mà hằng ngày xảy ra quanh ta rất đỗi bình thường nhưng lại đầy ý nghĩa. Sau khi đọc xong “Faust” thì thấy tác phẩm đó với “Kiều” cũng thấy tương đối giống nhau về nội dung - đều mô tả đời sống hiện thực của xã hội lúc bấy giờ, đều nói đến xã hội bi thương, ai oán ... và cho đến bây giờ khi chúng ta đang chứng kiến những gì đang xảy ra trên thế giới, đều thấy sự sung sướng, khổ đau của loài người. Trong câu chuyện của hai tác phẩm đó có lúc đồng điệu, có lúc tương phản...

Song hai tác phẩm đều chung một cốt lõi cuối cùng là muốn vươn tới cái đẹp và đấu tranh giành hạnh phúc muôn đời cho nhân loại. Tính nhân văn của hai tác phẩm đều nằm ở chỗ đó. Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long cũng không ngoài mục đích ấy, chỉ khác là ở chỗ thể hiện. Anh dùng âm thanh của tiếng đàn, lúc mềm mại thanh tao, lúc cao trào thấu đáo giằng xé con tim để những mong thức tỉnh con người, vạn vật cỏ cây hoa lá đang rung rinh đợi những tia nắng đầu tiên xuất hiện trên dải Ngân hà xa thẳm và những mong tình yêu thương thắm đượm trong từng tế bào cơ thể mà nhân loại đang đấu tranh giành giật nó...

Ở “Tổ khúc Kiều”, “nàng” đang nghiến răng chịu đựng bán mình chuộc cha, thì ở Faust, “chàng” đang quằn mình giằng xé với cơn mơ khám phá vũ trụ. Tất cả các âm thanh hỗn hợp đó đã đưa khán giả đến một khung trời thật nhiều màu sắc, nghe âm thanh tôi thấy được cả bức tranh xã hội thật sinh động, có hoa tươi, có nước mắt đầm đìa, và có cả đao phủ thật hãi hùng... Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy một chàng trai trẻ người Đức cứ đu đưa người theo tiếng đàn và các ngón tay thì cứ như múa múa theo nhịp điệu, khi giải lao hỏi ra thì mới biết anh cũng là sinh viên nhạc viện chuyên ngành khoa guitar hôm nay đi xem rất hứng khởi, khi xem nhập tâm quá, tay chân cứ “vung vẩy” ngoài ý thức... Anh nói anh đang tập tác phẩm này của Đặng Ngọc Long.

Về chuyên môn âm nhạc tôi không biết nhiều, nhưng về văn học thì tôi thấy sự giao thoa rất rõ. Nghe “Tổ khúc Kiều” tôi thường liên hệ đến các câu thơ đã thuộc mà liên tưởng tới nó, còn với Faust thì tôi thấy sự học hỏi và sự mạnh mẽ của một chàng trai dũng mãnh đầy sinh khí đang cố vươn tới một đỉnh điểm khát khao của thế gian!

Đêm liên hoan âm nhạc guitar đã khép lại, ai cũng muốn ngồi lặng im một lúc nữa để mường tượng lại rõ hơn, tận hưởng những âm hình ngôn ngữ của âm nhạc vừa dạo qua…

Qua đây, tôi biết thêm được một điều Truyện Kiều của Nguyễn Du đang đi vào công chúng người Đức. Tôi được hiểu thêm một tác phẩm vĩ đại của người Đức. Nếu không có buổi trình diễn này, chắc (có thể) tôi sẽ không bao giờ đọc và thấy được giá trị của Faust - một tác phẩm huyền thoại của Goethe!

Ngưỡng mộ anh - Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long, một người con tài hoa luôn quảng bá văn hóa của dân tộc mình với bạn bè thế giới theo một cách hoàn toàn khác lạ nhưng lại đầy sức cuốn hút.

Tôi viết bài này để cảm ơn anh về buổi hòa nhạc vừa qua. Đó cũng là niềm tự hào dân tộc của tôi và những người con đang sống trên nước Đức.