Quảng bá du lịch Việt Nam tại Campuchia

NDO -

NDĐT- Ngày 29-8, tại thủ đô Phnom Penh, nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp Bộ Du lịch Campuchia và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tổ chức Chương trình phát động thị trường của Du lịch Việt Nam tại Campuchia, nhằm tăng cường trao đổi khách du lịch, thúc đẩy kết nối điểm đến du lịch giữa hai nước.

 Quảng bá du lịch Việt Nam tại Campuchia

Tới dự, có Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cùng hơn 100 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hiệp hội, cơ quan truyền thông của Campuchia.

Về phía Việt Nam có Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu; Tham tán Công sứ, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Bảo, đại diện các cơ quan quản lý du lịch tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An và Trà Vinh cùng một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc, bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành của các đại biểu, doanh nghiệp Campuchia giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam tới nhiều người dân Campuchia hơn nữa; hy vọng các điểm đến du lịch hai nước sẽ ngày càng kết nối chặt chẽ, trở thành một điểm đến chung trong khu vực, góp phần thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ nước thứ ba.

Theo ông Hà Văn Siêu, là hai nước láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, đến nay, Việt Nam và Campchia đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực du lịch, trong đó có Hiệp định hợp tác du lịch năm 1995, Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch năm 2015… Đây là những cơ sở quan trọng để hai nước thúc đẩy hợp tác du lịch thời gian qua và trong những năm tới.

Cùng chung nhận định với ông Hà Văn Siêu, Tham tán Công sứ, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Bảo cho rằng, thời gian qua, hai nước đã chứng kiến kết quả hợp tác đáng khích lệ trong lĩnh vực du lịch. Từ năm 2009 đến 2016, Việt Nam luôn dẫn đầu về số lượng du khách thăm Campuchia với hàng triệu lượt người, đồng thời Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu của du khách Campuchia khi ra nước ngoài. Đây chính là minh chứng cụ thể cho triển vọng hợp tác du lịch giữa hai nước trong thời gian tới.

Năm 2016, trao đổi khách du lịch giữa hai nước đạt hơn 1,17 triệu lượt, trong đó có gần 212 nghìn lượt du khách Campuchia đến Việt Nam. Campuchia nằm trong nhóm 15 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam. Riêng trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam đón hơn 131 nghìn lượt khách Campuchia, tăng 24% so cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, một số lượng lớn khách du lịch từ nước thứ ba, nhất là các nước châu Âu, Mỹ, Australia và Nhật Bản đi du lịch cả Campuchia và Việt Nam theo hành trình kết nối các trung tâm, di sản như Phnom Penh, Siem Reap, Battambang của Campuchia với Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long,... của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon, trong năm 2016, Campuchia đã đón hơn 5 triệu du khách quốc tế (tăng 5% so năm 2015), trong đó lượng du khách Việt Nam đạt gần 960 nghìn lượt người, đứng hàng thứ nhất.

Bộ trưởng Thong Khon cho rằng, Campuchia và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng du lịch không chỉ dành cho người dân hai nước, mà còn thu hút nhiều du khách đến từ nước thứ ba.

Hành lang phía nam có tỉnh giáp biển và bờ biển đẹp, cũng là những khu vực lịch sử và văn hóa tự nhiên hấp dẫn, có thể lập các gói tour du lịch giữa hai nước, kết hợp đi tham quan giải trí bằng tàu trên biển và trên sông, Bộ trưởng Thong Khon gợi mở.

Theo Bộ trưởng Thong Khon, hai nước cần tiếp tục tăng thêm các tuyến bay thẳng và thúc đẩy kết nối giao thông đường bộ và đường thủy. Việc phát triển các sản phẩm du lịch mới và quảng bá các địa điểm du lịch khu vực bãi biển của hai nước sẽ thật sự đem lại tăng trưởng du lịch trong khu vực.

Tham dự Chương trình phát động thị trường lần này, các đại biểu Campuchia được nghe giới thiệu về những điểm đến du lịch đặc sắc của Việt Nam nói chung, các sản phẩm du lịch của một số địa phương Việt Nam nói riêng và một số tuyến du lịch, điểm đến hấp dẫn, thuận lợi cho du khách Campuchia, như tuyến du lịch đường bộ từ Campuchia sang đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam.