Quân và dân Kiên Giang trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Sau chiến thắng 30-4-1975, quân và dân Kiên Giang cùng cả nước bắt tay vào xây dựng hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong lúc đó, phía bên kia biên giới, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đẩy mạnh gây hấn, xâm lấn trên toàn tuyến biên giới, nghiêm trọng nhất là đưa quân xâm lược sâu vào lãnh thổ nước ta. Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, chúng đưa quân đột kích đảo Phú Quốc, đánh chiếm đảo Thổ Châu, Hòn Ông, Hòn Bà…

Lịch sử đã ghi nhận, “Ngày 4-5-1975, một toán quân Khmer Ðỏ đột kích đảo Phú Quốc, sáu ngày sau quân Khmer Ðỏ đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Châu và bắt khoảng năm trăm dân thường về Cam-pu-chia hành quyết”. Cách đây hơn 5 năm, vào tháng 5-2013, tỉnh Kiên Giang đã làm lễ kỷ niệm 20 năm thành lập xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc) và khánh thành Ðền tưởng niệm 500 người dân trên đảo bị quân Khmer Ðỏ sát hại. Buổi lễ được tổ chức trang trọng trên hòn đảo tiền tiêu, phên dậu của Tổ quốc, có sự góp mặt của các nhân chứng lịch sử. Ông Nguyễn Văn Sỹ, 79 tuổi, là người may mắn sống sót sau cuộc sát hại, kể lại: “Bọn chúng tàn ác lắm! Chỉ vài ngày đóng quân trên đảo nhưng đã gây ra vô số tội lỗi rất dã man”. Tại buổi lễ kỷ niệm còn có mặt hai người phụ nữ tuổi xấp xỉ 70 tên là Ðỗ Kim Duyên, Ðỗ Kim Nghĩa ở tận TP Hồ Chí Minh ra đảo Thổ Châu dự lễ để được tận tay đốt cho cha mẹ và các em nén nhang trong ngôi Ðền tưởng niệm chung. Bà Duyên kể: Năm 1974, ba dượng bà là ông Huỳnh Văn Em cùng mẹ dẫn ba đứa em trai, hai vợ chồng đứa em gái và một đứa cháu từ Rạch Giá ra Thổ Châu lập nghiệp. Vài tháng sau, hai đứa em của bà cũng vượt biển ra đảo với hy vọng về một cuộc sống mới. Nhưng tất cả 11 người trong một gia đình đã mãi mãi bặt tăm sau trận càn quét của giặc Khmer Ðỏ.

Ðại tá Nguyễn Văn Beo, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Kiên Giang cho biết, sau vụ đánh chiếm đảo Thổ Châu, Hòn Ông, Hòn Bà, bọn Pôn Pốt tập trung huy động lực lượng, có nơi có cả pháo binh chi viện tiến hành xâm lấn biên giới, nhổ cột mốc, xâm canh, xâm cư, pháo kích vào các khu đông dân cư và các căn cứ quân sự của ta khu vực giáp biên, như: Ðầm Chít (Tân Khánh Hòa), Rạch Gỗ (Phú Mỹ), Cống Cả (Vĩnh Ðiều), thuộc địa bàn huyện Giang Thành ngày nay. Có nơi chúng xâm nhập sâu hàng ki-lô-mét cướp bóc, phá hoại tài sản, giết hại, tàn sát người dân vô tội, làm cho nhân dân ta trên tuyến biên giới rất hoang mang, lo sợ.

Nhận rõ bản chất xâm lược của kẻ thù, thực hiện quyết định của Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chuyển lực lượng vũ trang từ thời bình sang thời chiến, triển khai kế hoạch tác chiến phòng thủ, đánh địch bảo vệ biên giới. Ðể chủ động đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của bọn Pôn Pốt - Iêng Xari, tỉnh Kiên Giang đề nghị Quân khu 9 cho thành lập Trung đoàn 152, tái thành lập Tiểu đoàn 519. Ðối với cấp huyện, tỉnh Kiên Giang chủ trương mỗi nơi thành lập một đến hai đại đội. Ðồng thời, chuyển nhiệm vụ của các nông trường sản xuất sang sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện quân sự, giáo dục tình hình nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang. Thành lập bộ phận chỉ huy tác chiến trên biển, đảo và tổ chức lực lượng cơ động phản công, đánh chiếm lại các đảo bị chiếm đóng, khôi phục chủ quyền của ta trên vùng biển Tây Nam. Tiêu biểu là các trận đánh tiêu diệt địch trên đảo Thổ Châu, Hòn Ông, Hòn Bà.

Ðầu năm 1977, tình hình biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp, bọn Pôn Pốt triển khai Lữ đoàn 2 Biên phòng dọc theo tuyến biên giới đối diện với Kiên Giang. Ngay sau khi ổn định đội hình, hoàn thành hệ thống công sự trận địa, bọn chúng tăng cường gây hấn, xâm nhập, đánh phá. Ðêm 30-4-1977, lợi dụng lúc ta tổ chức kỷ niệm hai năm Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, bọn chúng đồng loạt tiến công trên toàn tuyến biên giới tây nam, trong đó có địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tại xã Mỹ Ðức, huyện Hà Tiên chúng đã tàn sát gần 40 thường dân vô tội, thiêu trụi 32 căn nhà. Ðặc biệt, trong các ngày từ 4-6 đến 12-6-1977, địch tăng cường hoạt động bắn phá. Riêng khu vực các ấp Tà Yêm, Cống Cả (Vĩnh Ðiều), trong vòng tám ngày chúng bắn hơn 300 quả đạn cối, làm chết hai người, bị thương 30 người, cháy 30 căn nhà. Dù vậy, bọn chúng lại dùng thủ đoạn vừa đánh, vừa đàm phán nhằm che giấu ý đồ tiến công quân sự. Một mặt, chúng chủ động kêu gọi ta tham gia đàm phán ở các cấp để giải quyết tranh chấp biên giới, bên cạnh đó chúng đưa quân áp sát biên giới, pháo kích vào một số đồn biên phòng của ta như: Phú Mỹ, Vĩnh Ðiều, Giang Thành.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6-1977, cùng với thủ đoạn pháo kích, địch còn sử dụng hai tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 2 Biên phòng và một trung đoàn thuộc tỉnh Kam Pốt chính thức tiến công vào địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trên hướng Phú Mỹ, chúng thọc sâu đến Hòa Ðiền, Chợ Tròn (thị trấn Kiên Lương). Trước tình hình đó, Ðảng ủy Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang điều lực lượng gồm Tiểu đoàn 207, Tiểu đoàn 519 cơ động lên phối hợp các đơn vị đánh địch. Ngày 14-6-1977, quân Pôn Pốt đánh chiếm huyện Hà Tiên và dọc tuyến biên giới từ Phú Mỹ đến Vĩnh Ðiều. Các đơn vị lực lượng vũ trang Kiên Giang đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị cấp trên đánh bại các mũi tiến công của địch, tiêu diệt hơn 100 tên giặc, chặn đứng âm mưu đánh chiếm Hà Tiên của chúng.

Ðể hạn chế các đợt tiến công xâm lược quy mô ngày càng lớn của bọn Pôn Pốt - Iêng Xari, từ cuối năm 1977, cùng với các đơn vị của Quân khu 9, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang đã phối hợp mở các đợt phản công trên toàn tuyến biên giới, chủ động tiến công một số mục tiêu quan trọng của địch như căn cứ xuất phát, trận địa pháo binh… nhằm tiêu hao lực lượng, suy giảm ý định của địch. Ðể củng cố, phát triển lực lượng, bảo đảm cho chiến đấu lâu dài, Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo mở các hội nghị rút kinh nghiệm, tích cực củng cố, mở rộng lực lượng, xây dựng thế trận bảo đảm tác chiến phòng ngự giành thắng lợi, tiến tới chủ động tiến công, phản công tận sào huyệt của địch.

Với tinh thần đó, sau những trận đánh giành thắng lợi trên tuyến biên giới, các đơn vị của tỉnh được bổ sung quân số, củng cố lại đội hình sẵn sàng cơ động đánh địch. Ngày 22-12-1977, Tiểu đoàn 207 được lệnh tiến công địch ở Lục Sơn (Kam Pốt). Mặc dù bị địch đánh trả quyết liệt, song với tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên cường, Tiểu đoàn 207 anh hùng đã đánh bật nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa phòng ngự, diệt tại chỗ 149 tên. Tiếp đó, lực lượng vũ trang của tỉnh đã phối hợp Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 đánh bại đợt tiến công đánh chiếm Sa Kỳ, Thị Vạn của địch, tiêu diệt 400 tên, buộc chúng phải rút chạy.

Cuối năm 1978, nhận định địch có dấu hiệu suy yếu, cấp trên chỉ đạo đánh phản kích sang đất Cam-pu-chia, truy quét tàn quân và giúp bạn xây dựng lực lượng. Thực hiện chủ trương nêu trên, Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo củng cố lại lực lượng. Trung đoàn 152 được tăng cường sáu đại đội bộ binh từ các huyện phía sau, được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm quân Pôn Pốt tại Tà Nốt (Kông Pông Trách). Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, 6 giờ 15 phút ngày 8-4-1978, đơn vị đồng loạt nổ súng đánh địch. Qua hơn năm ngày chiến đấu ác liệt, giằng co với địch, đến 0 giờ ngày 13-4-1978 quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt tại chỗ 178 tên, thu nhiều vũ khí, trang bị. Với chiến thắng Tà Nốt, Trung đoàn bộ binh 152 đã góp phần to lớn trong đợt phản công của Quân khu 9 đánh địch ở Cúp Pô và trên toàn tuyến biên giới.

Ðầu năm 1979, thực hiện kế hoạch tiến công tổng lực sang đất Cam-pu-chia, các đơn vị thuộc tỉnh Kiên Giang được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch trên địa bàn tỉnh Kam Pốt, trong đó có căn cứ Núi Mây (huyện Kông Pông Trách). Ðây là địa bàn có núi rừng hiểm trở, thuận lợi cho địch áp dụng chiến thuật du kích để đánh ta. Trong điều kiện khó khăn đó, với sự linh hoạt, sáng tạo, Tiểu đoàn 519 tiếp tục lập chiến công mới. Ngày 22-9-1979, với chiến thuật vận động tập kích, Tiểu đoàn đã tiêu diệt toàn bộ quân Pôn Pốt tại căn cứ tây nam - Núi Mây diệt tại chỗ hầu hết lực lượng địch, phá hủy căn cứ... góp phần cùng các đơn vị của Quân khu 9 và của Bộ Quốc phòng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam của Tổ quốc.