Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị (tháng10-1967), quân và dân Khu 5 bắt đầu công tác chuẩn bị cho Cuộc TTC-ND Tết Mậu Thân 1968. Khu ủy 5, Quân khu ủy 5 chủ trương: “Tập trung lực lượng cả ba thứ quân, tiến công liên tục, mạnh mẽ trong cả xuân và hè - chủ yếu là trong mùa Xuân 1968, nhằm đánh sập ngụy quân, ngụy quyền, tiêu diệt nặng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, kết hợp với những cuộc khởi nghĩa rộng rãi quy mô lớn và quyết liệt của quần chúng giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chia chiến trường thành bốn hướng tiến công và nổi dậy: Quảng Đà - Quảng Nam (bao gồm bắc Quảng Ngãi); Bình Định (bao gồm An Khê); Phú Yên - Khánh Hòa; Tây Nguyên. Tại các thành phố, thị xã lớn (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang), ta huy động lực lượng quần chúng ở bên trong kết hợp lực lượng quần chúng ở vùng ven, kéo vào khởi nghĩa giành chính quyền; lấy khởi nghĩa của quần chúng là chính, lực lượng vũ trang chỉ đánh chiếm các mục tiêu quan trọng để quần chúng khởi nghĩa cướp chính quyền. Ở các thị xã đồng bằng ven biển khác, kết hợp tiến công quân sự của bộ đội địa phương song song với nổi dậy của quần chúng tại chỗ, từ vùng ven kéo vào tiêu diệt sinh lực địch, giành chính quyền. Ở các thị xã trên địa bàn Tây Nguyên, ta tiến công địch bằng quân sự là chủ yếu.
Tạo thế nghi binh chiến lược, ta liên tục tiến công địch trên khắp chiến trường, trong khi đó, các đơn vị bộ đội áp sát những mục tiêu trọng yếu ở các thành thị. Quần chúng nhân dân cũng sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền. Thời gian bắt đầu Cuộc TTC-ND được xác định đúng vào 0 giờ đêm giao thừa Tết Mậu Thân. Bộ Chính trị chủ trương: Nam Bộ, Trị - Thiên là chiến trường chính; Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng là trọng điểm.
Tại Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà quyết định giải thể Thành đội Đà Nẵng, thành lập ba Quận đội trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận: Quận đội quận Nhất (nay là quận Hải Châu), Quận đội quận Nhì (Thanh Khê) và Quận đội quận Ba (Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn). Xác định “lấy khởi nghĩa của quần chúng giành chính quyền là chính”, Đặc Khu ủy Quảng Đà tổ chức, xây dựng lực lượng quần chúng; cấp ủy đảng địa phương tổ chức lực lượng quần chúng ở Hòa Vang, Điện Bàn chia thành nhiều mũi; mỗi mũi 3.000 đến 5.000 người, có cán bộ, đảng viên làm nòng cốt; khi có lệnh sẽ tiến vào thành phố. Trước Tết, ta đưa khoảng 3.000 quần chúng vào nội thành, tập trung tại chùa Pháp Lâm, (đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng), cùng với Biệt động Đà Nẵng biểu tình, khởi nghĩa cướp chính quyền.
Trước ngày TTC-ND, lực lượng giao liên tăng cường đưa vũ khí, quân trang vào 12 căn cứ lõm nội thành Đà Nẵng; nhiều cán bộ lãnh đạo cải trang, bí mật lọt vào nội thành để trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo. Tại căn cứ Hồng Phước, các cơ sở cách mạng, giao liên có sáng kiến đục lỗ các khúc gỗ lớn nhét lựu đạn, thuốc nổ vào trong, đập cho tòe đầu gỗ để xóa dấu vết, rồi chuyển lên xe lam, xe đò đưa vào nội thành, phân phát cho lực lượng biệt động. Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu, xúc động kể: “Lúc ấy tôi gần mười tuổi, nhưng đã là giao liên, là trinh sát cho bộ đội, du kích. Nhà tôi ở Hồng Phước có bốn căn hầm bí mật, cùng với hàng chục hầm bí mật trong thôn, là nơi bộ đội, du kích, cán bộ ẩn mình trước trận chiến, nơi nuôi giấu, chăm sóc chữa trị thương binh từ nội thành đưa ra. Còn tôi, nhiều lần theo cha đi hái lá về làm thuốc chữa trị cho các anh, các chú, giúp mẹ nấu cháo, trực tiếp bón từng thìa cho từng người”.
23 giờ ngày 29-1-1968, tại Nha Trang, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa đánh vào sân bay Nha Trang, chính thức mở đầu cuộc TTC-ND trên toàn chiến trường miền nam. Rạng ngày 30-1-1968 (mùng một Tết ở miền nam), tại các đô thị khác như: Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Quy Nhơn, Kon Tum, quân và dân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy. Tại trọng điểm Đà Nẵng, 1 giờ sáng ngày 30-1-1968, quân ta nổ súng tiến công địch. Pháo binh Quân khu bắn phá sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn và một số vị trí khác của địch trong thành phố. Trung đoàn 31 - Mặt trận 4 cùng lực lượng công binh và Khu 1 (Bắc Hòa Vang) tiến công đồn Nhất, cắt đường số 1 trên đèo Hải Vân, đánh chiếm thị trấn Nam Ô. Tiểu đoàn Đặc công 89 cùng lực lượng vũ trang Khu 2 (Trung Hoa Vang) tiến công Sở chỉ huy Trung đoàn 51 ngụy ở Miếu Bông, đánh chiếm cầu Đỏ và một số vị trí của địch ở nam sông Cẩm Lệ, cắt giao thông từ cầu Đỏ đi Vĩnh Điện, mở đường cho quần chúng từ Điện Bàn vào tiếp ứng cho quần chúng nội thành nổi dậy.
Quân ta đánh chiếm một mỏm của núi Phước Tường và một khu vực thuộc núi Ngũ Hành Sơn. Tiểu đoàn 1 có nhiệm vụ đánh chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn I ngụy, bị địch phát hiện chặn lại bên bờ sông Cẩm Lệ, chỉ có một bộ phận (gồm 57 đồng chí) vượt sông đánh chiếm mục tiêu. Đại tá, cựu chiến binh Lê Công Thạnh kể: Trước Tết Mậu Thân, tôi được điều từ Phòng cán bộ Quân khu 5 về làm Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh anh Đinh Châu (tức Nguyễn Hữu Đức) khi ấy là Tham mưu trưởng Mặt trận 4, lúc vượt sông từ Hòa Xuân sang Đò Xu (nay là bắc cầu Hòa Xuân) giữa mưa bom, bão đạn, biết khả năng sống sót là rất khó, anh nói với đồng đội: “Thà hy sinh, quyết đánh tới cùng. Chào vĩnh biệt các đồng chí, đánh đến viên đạn cuối cùng, các đồng chí nhé”. Ra giữa sông, thuyền anh bị địch phát hiện và cho trực thăng đến vãi đạn như mưa, anh Châu cùng nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại với dòng sông.
Ở vòng ngoài Đà Nẵng, 0 giờ 5 phút ngày 31-1-1968, bộ đội Đặc công Sư đoàn 2 tiến công địch ở quận lỵ Duy Xuyên. Đến ngày 1- 2, Sư đoàn 2 làm chủ quận lỵ Duy Xuyên và thị trấn Nam Phước. Lúc này, lực lượng của Sư đoàn đã có mặt trên đường số 1 (đoạn thị trấn Nam Phước). Ngày 3-2, Bộ Tư lệnh Quân khu lệnh Sư đoàn 2 vượt sông Thu Bồn, chiếm lĩnh khu bàn đạp Thanh Quýt, tiến công vào phòng tuyến nam sông Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Ngày 3-2-1968, Trung đoàn 31 bí mật cơ động vào Thanh Quýt, táo bạo tiến công các đơn vị quân địch tại đây, đánh bại các đợt phản kích của Trung đoàn 51 ngụy. Đêm 7-2, Trung đoàn 1 tiến công địch ở Lỗ Giáng, ngày 8-2, Trung đoàn 1 tiếp tục bao vây địch, đồng thời chuyển sang đánh tiêu diệt khoảng 1 tiểu đoàn quân Mỹ đang tiến về phía Lỗ Giáng, diệt 1 đại đội và 1 trung đội Mỹ, đánh thiệt hại nặng hai đại đội Mỹ. Ngày 10-2, Trung đoàn 21 đánh trả quyết liệt âm mưu đổ quân bịt đường rút của ta tại Gò Nổi, tiếp tục đánh Mỹ đến giữa tháng 2-1968. Rạng ngày 31-1, tại một số thành thị khác: Tam Kỳ, thị xã Quảng Ngãi và Hội An, quân và dân ta đồng loạt TTC-ND.
Kết quả, ta đã tiêu diệt hơn 30.000 quân địch, phá hủy hơn 600 máy bay, hàng trăm đại bác và xe cơ giới, làm nổ tung 49 kho đạn, cắt đứt và làm tê liệt hầu hết các đường giao thông chiến lược. Ta đã phát triển được thế tiến công chiến lược áp đảo kẻ thù trên toàn Khu, làm sụp đổ phần lớn bộ máy kèm kẹp của địch ở nông thôn, đưa chiến tranh vào tận dinh lũy cuối cùng của địch. Đòn công kích sâu, hiểm, bất ngờ cả về quy mô, mục tiêu, thời gian làm Mỹ lẫn ngụy đều choáng váng. Cùng với toàn miền nam, quân và dân Khu 5 giáng một đòn chí mạng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố: Mỹ đơn phương ngừng mọi hoạt động bằng không quân và hải quân chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận bước vào đàm phán với Chính phủ ta.
Trung tướng Trần Quang Phương, Ủy viên T.Ư Đảng, Chính ủy Quân khu 5 nhận định: Lực lượng quân sự của địch thời điểm đó rất đông, được trang bị những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân. Đà Nẵng là khu căn cứ liên hiệp quân sự tập trung những cơ quan đầu não của địch lớn nhất miền trung, là trọng điểm TTC-ND trên địa bàn Khu 5 cũng như trên chiến trường miền nam. Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Khu 5 đã góp phần giáng một đòn chí mạng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta.
Khánh thành Khu di tích căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Trong mùa hè và mùa thu năm 1968, ta tiếp tục đợt II và đợt III của Cuộc TTC-ND trên toàn chiến trường miền nam. Thắng lợi của ta trong năm Mậu Thân 1968 cả về quân sự, chính trị và ngoại giao hết sức to lớn, có ý nghĩa chiến lược sâu sắc, để lại nhiều kinh nghiệm về tổ chức và thực hành tiến công trong thành thị, về sử dụng và phối hợp lực lượng, kết hợp giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, giữa tác chiến trong nội đô và đánh địch ở vùng ven... tạo cơ sở nghiên cứu, vận dụng cho Cuộc TTC-ND Xuân 1975 giành thắng lợi.
................
(Bài viết dựa trên tư liệu do Trung tướng Trần Quang Phương - Chính ủy QK 5 cung cấp)