Thói quen tự chữa
Về xã Tân Thanh, xã giáp biên huyệnVăn Lãng, Lạng Sơn mới thấy hết sự vất vả của dân bản. Công việc chính của đa phần người dân là bốc vác thuê và buôn bán hàng lậu.
Thông thường người dân thường mắc các chứng bệnh về cơ xương khớp, bệnh hô hấp do thời tiết lạnh, hoặc các bệnh liên quan tới huyết áp… Thống kê của Trung tâm Y tế huyện Văn Lãng cho thấy chỉ khoảng 30% dân cư được khám sức khoẻ định kỳ tại cơ sở y tế.
Chị Hồ Thị Nga (29 tuổi, Na Sầm, Văn Lãng) tâm sự: “Công việc bốc vác không cẩn thận sơ sẩy dễ va vấp, trượt ngã trẹo tay, chân, xây xước là thường. Những lúc như thế, chị em tôi thường tự xử lý”.
Cũng theo chị Nga, chỉ khi mắc bệnh nặng, như tại nạn gãy tay, gãy chân, vỡ đầu, đau tim, đột quỵ hay ung thư… thì dân mới lên bệnh viện tỉnh khám vì rất ngại đi viện. Đa phần chị em không bao giờ thăm khám sản khoa, trừ trường hợp đến ngày tháng sinh đẻ, ở gần Trạm y tế xã hay phòng khám đa khoa khu vực mới đến khám. Còn lại đều nhờ “bà mụ vườn” đỡ đẻ tại nhà.
“Tôi ngại đến trạm xã lắm. Khám bệnh mất cả ngày trời, thế nên mấy bệnh thông thường tôi vẫn tự chữa. Có khi tôi bị đau ruột thừa lại tưởng đau bụng nên ở nhà uống thuốc lá, suýt mất mạng” – Bà Lò Thị Xiên (ở Lũng Vài, Trùng Quán, Văn Lãng, Lạng Sơn) cho hay.
Ông Đặng Văn Nam, Giám đốc BV Đa khoa huyện Văn Lãng, Lạng Sơn cho biết: “Gần đây, nhận thức của bà con thôn bản về chăm sóc sức khoẻ cũng nâng cao. Tuy nhiên, đa phần bà con vẫn còn chủ quan, tự chữa ở nhà, bất trắc mới tìm đến cơ sở y tế”.
“Đắp chiếu” vì… không biết sử dụng
Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Lãng có ba phòng khám đa khoa trực thuộc đặt tại các xã giáp biên là xã Văn Thụ, xã Hội Hoan, xã Tân Thanh. Tuy nhiên, phòng khám nào cũng trong tình trạng thiếu nhân lực bác sĩ.
Hệ thống y tế tại huyện với hơn 200 cán bộ công nhân viên, nhưng chỉ có khoảng 1/5 là bác sĩ, còn lại đều là cán bộ tuyên truyền, hoặc y sĩ, y tá. Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Lãng với 75 giường bệnh, ba phòng khám khu vực nhưng chỉ có bảy bác sĩ, thiếu 2/3 nguồn nhân lực chất lượng cao là bác sĩ (theo quy định, bệnh viện hạng ba phải có chừng 20 bác sĩ).
“Yếu về chuyên môn kỹ thuật cộng với những hạn chế về máy móc gây rất nhiều khó khăn”. – BS Nam trăn trở.
Y sĩ Hoàng Thị Ly, người trực tiếp phụ trách Phòng khám Đa khoa Tân Thanh cho biết: Toàn phòng khám rộng ba tầng, 12 phòng nhưng chỉ có một bác sĩ, một y sĩ và một điều dưỡng. Bác sĩ thì thường phải đi học tập nâng cao tay nghề. Phòng khám có một máy siêu âm nhưng cũng đành phải “đắp chiếu” vì không ai biết sử dụng.
“Có một máy siêu âm, nhưng đã năm tháng nay không thể sử dụng vì bác sĩ đều đang đi đi học trên tỉnh. Mỗi khi có ca cấp cứu nguy hiểm, cần chụp Xquang, siêu âm thì chúng tôi phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên” – Y sĩ Ly nói.
Chính do những hạn chế trên mà trung bình mỗi năm, phòng khám chỉ tiếp nhận khám điều trị những bệnh thông thường cho khoảng 3 nghìn bệnh nhân trở lại. Đây cũng là tình hình chung tại các phòng khám khu vực và Bệnh viện đa khoa Văn Lãng. Nếu tính tổng lượt bệnh nhân thăm khám thì cả năm 2011 bệnh viện cũng chỉ thực hiện khám chữa bệnh cho khoảng hơn 40 nghìn lượt bệnh nhân.