Quản trị phát triển bền vững trong đại dịch Covid-19

NDO -

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19” (trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu trong nước và một số quốc gia trên thế giới).

Quang cảnh hội thảo "Quản trị phát triển bền vững trong đại dịch Covid-19".
Quang cảnh hội thảo "Quản trị phát triển bền vững trong đại dịch Covid-19".

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; một số sứ quán tại Hà Nội và tổ chức quốc tế ở Việt Nam có hợp tác khoa học với Học viện.

Đề dẫn hội thảo nêu rõ, ngày nay, phát triển bền vững là mục tiêu của các quốc gia trên thế giới, là giá trị phổ quát của loài người. Tuy nhiên, nhiều biến động phức tạp, khó lường, đặc biệt là đại dịch Covid-19 thời gian qua đã tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Phát triển bền vững là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam từ khi tiến hành công cuộc đổi mới tới nay và thực tế đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả. Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Gần 80 bài viết, ý kiến của các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn trong nước và trên thế giới gửi đến, trình bày tại hội thảo đã tập trung phân tích ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến phát triển của các quốc gia, làm rõ mối quan hệ giữa khủng hoảng nói chung và phát triển bền vững.

Nhiều bài viết nêu rõ những đánh giá về các phản ứng chính sách và biện pháp quản trị nhằm phát triển bền vững, trước nhất là ứng phó chủ động và hiệu quả trước các tác động của đại dịch hoặc của các hiện tượng bất thường nói chung; thảo luận, nghiên cứu các mô hình, cơ chế quản trị quốc gia, quản trị quốc tế, hợp tác quốc tế, các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững sau Covid-19.

Hội thảo thống nhất nhận định giải quyết các thách thức do tác động của các loại khủng hoảng, đặc biệt là đại dịch Covid-19, bảo đảm phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn xã hội, cần nhiều hơn sự quan tâm thường xuyên từ các nhà lãnh đạo, quản lý, các cấp chính quyền, cộng đồng và người dân, nhất là vai trò của các nhà khoa học. Các chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng vượt qua đại dịch, khôi phục sản xuất, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.