Quan tâm, xử lý những vấn đề về người lao động Việt Nam tại Ăng-gô-la

NDO -

Thời gian qua, thực trạng đời sống người lao động Việt Nam ở Ăng-gô-la thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và báo chí. Việc người lao động Việt Nam ồ ạt sang Ăng-gô-la khi thị trường này chưa được cấp phép chính thức là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết kịp thời.

Lao động Việt Nam làm nghề xây dựng tại Ăng-gô-la. (Ảnh: Internet)
Lao động Việt Nam làm nghề xây dựng tại Ăng-gô-la. (Ảnh: Internet)

Lao động Việt Nam sang Ăng-gô-la chủ yếu qua kênh không chính thức

Ăng-gô-la hiện đang là một trong những thị trường lao động tiềm năng ở khu vực Trung Phi. Ðất nước này đang trong thời kỳ tái thiết cho nên có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, nhất là lao động trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, với mức thu nhập tương đối cao (khoảng 800 đến 1.000 USD/tháng).

Theo thông tin của Ðại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la, hiện có khoảng 40 nghìn công dân Việt Nam sinh sống và làm việc tại Ăng-gô-la. Những công dân Việt Nam sang làm việc tại Ăng-gô-la đầu tiên là đi theo các thỏa thuận về hợp tác chuyên gia ký kết giữa hai Chính phủ từ nhiều năm trước, là các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục. Ðến nay, đã có 5.000 lượt chuyên gia sang làm việc tại Ăng-gô-la và hiện có 183 người đang làm việc tại đây. Bên cạnh đó, có một số lượng đáng kể người nhà của các chuyên gia được đưa sang hoạt động kinh doanh dịch vụ và buôn bán nhỏ...

Quan tâm, xử lý những vấn đề về người lao động Việt Nam tại Ăng-gô-la ảnh 1

Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa. (Ảnh: Ngân Anh)

Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Phần lớn những người Việt Nam sang Ăng-gô-la lao động trong những năm gần đây đi theo hai hình thức: Ði bằng vi-sa du lịch hoặc thăm thân và khi sang đến Ăng-gô-la thì tìm cách hợp pháp hóa giấy tờ để ở lại kiếm việc làm. Ði bằng vi-sa lao động, thông qua việc nhiều doanh nghiệp (chủ yếu là các chủ thầu xây dựng) tại Ăng-gô-la xin được giấy phép tuyển dụng lao động Việt Nam và đã liên kết với các cá nhân Việt Nam đưa lao động sang Ăng-gô-la theo giấy phép đó. Tuy nhiên, những doanh nghiệp đó lại không trực tiếp sử dụng số lao động Việt Nam được đưa sang, nên người lao động phải làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp khác và bị coi là bất hợp pháp.

Pháp luật hiện hành của Ăng-gô-la quy định các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân của Ăng-gô-la phải nhận được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Ăng-gô-la mới được phép tuyển dụng lao động nước ngoài. Lao động nước ngoài sang làm việc tại Ăng-gô-la phải làm việc cho người sử dụng lao động đã ký hợp đồng lao động. Trường hợp lao động nước ngoài có giấy phép lao động, nhưng làm việc cho người sử dụng lao động khác thì vẫn bị coi là làm việc bất hợp pháp. Nếu bị phát hiện, người lao động sẽ bị phạt 1.000 USD và bị trục xuất về nước. Lao động bất hợp pháp không có hợp đồng với người sử dụng lao động cho nên thu nhập không ổn định, không được hưởng các chế độ bảo hiểm nên sẽ gặp khó khăn khi bị ốm đau, tai nạn lao động...

Tìm phương án đưa người lao động đi Ăng-gô-la hợp pháp

Ngay từ khi nhận thấy Ăng-gô-la có nhu cầu nhận nhiều lao động nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LÐ - TB và XH) đã phối hợp Bộ Ngoại giao nghiên cứu thị trường để xem xét đưa lao động đi. Việc đưa lao động đi có tổ chức, phải tuân thủ theo đúng yêu cầu của luật pháp Việt Nam là bảo đảm người lao động được làm việc hợp pháp, được bảo đảm đầy đủ các quyền lợi như thu nhập ổn định, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động, có các điều kiện sinh hoạt và làm việc tốt.

Bộ đã phối hợp các cơ quan có thẩm quyền vận động Ăng-gô-la ký thỏa thuận về tiếp nhận lao động Việt Nam. Tại kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ăng-gô-la năm 2010, đoàn Việt Nam đã chính thức đề xuất việc này nhưng phía Ăng-gô-la chưa ủng hộ. (Ðến nay, Ăng-gô-la cũng chưa ký kết thỏa thuận tiếp nhận lao động với bất kỳ quốc gia nào).

Ðể thúc đẩy vấn đề đưa người lao động sang Ăng-gô-la hợp pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Năm 2010, lãnh đạo Bộ LÐ-TB và XH đã từng có những buổi làm việc với một chuyên gia người Việt Nam về Ăng-gô-la để tìm phương thức đưa người lao động sang Ăng-gô-la làm việc hợp pháp. Cùng với đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp XKLÐ để tìm kiếm hợp đồng tại Ăng-gô-la. Tuy nhiên, chỉ có một doanh nghiệp được Cục chấp thuận cho triển khai hợp đồng năm 2006 và đưa được 28 lao động xây dựng sang làm việc tại Ăng-gô-la, số lao động này đã hoàn thành hợp đồng và về nước. Năm 2010, có một doanh nghiệp được Cục chấp thuận cho triển khai hợp đồng đưa 20 lao động xây dựng đi Ăng-gô-la, nhưng doanh nghiệp lại không thực hiện được hợp đồng này.

Cuối năm 2012, Bộ đã cử đoàn công tác do Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước dẫn đầu sang Ăng-gô-la phối hợp Ðại sứ quán để khảo sát và đánh giá cụ thể về thị trường, tìm các biện pháp đưa lao động đi có tổ chức. Sau chuyến khảo sát, Cục phối hợp Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam họp với các doanh nghiệp XKLÐ để thông tin về thị trường lao động Ăng-gô-la. Các doanh nghiệp đều có quan điểm là chỉ đưa lao động khi người lao động được làm việc hợp pháp, nghĩa là chủ sử dụng lao động nhận lao động sang phải thật sự sử dụng lao động đã đưa sang. Hiện, đã có một hợp đồng của một doanh nghiệp XKLÐ đăng ký tại Cục, đang được xem xét cụ thể và triển khai trong thời gian tới.

Ðối với người lao động đi theo các hình thức không thông qua doanh nghiệp XKLÐ, không có hợp đồng lao động thì bị coi là bất hợp pháp và có thể gặp nhiều rủi ro. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã phối hợp Bộ Ngoại giao và Ðại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động cảnh giác. Việc thông tin báo chí cho rằng, có một số doanh nghiệp XKLÐ chưa được cấp phép lợi dụng đưa người lao động sang Ăng-gô-la trong thời gian qua, cũng sẽ được Bộ kiểm tra và xử lý nghiêm khắc.

Thực trạng người lao động Việt Nam ồ ạt sang Ăng-gô-la thời gian qua trong khi thị trường lao động này chưa được cấp phép chính thức,  là vấn đề cần được các cơ quan chức năng quan tâm, xử lý triệt để để bảo đảm quyền lợi người lao động khi XKLÐ.