Quan tâm phát triển nền sử học Việt Nam

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (Hội) thành lập ngày 2-6-1966 với Chủ tịch hội đầu tiên là GS, VS Trần Huy Liệu. Sau khi thành lập, Hội đã bước đầu tập hợp được giới sử học và những nhà khoa học của những ngành liên quan như Dân tộc học, Khảo cổ học, Bảo tàng, Thư viện, Lưu trữ, Văn hóa dân gian... Hoạt động của Hội đã động viên nghiên cứu khoa học, nhất là tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, yêu cầu tái lập và mở rộng phạm vi hoạt động của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (KHLSVN) trên cả nước trở nên cấp bách. Đại hội lần thứ hai (1988) thành công không những tái lập mà còn mở rộng quy mô hoạt động của Hội trên cả nước. Ba nhà cách mạng lão thành đồng thời là ba nhà sử học lớn được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự của Hội là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; GS, VS Nguyễn Khánh Toàn và GS, AHLĐ Trần Văn Giàu. Qua bảy lần đại hội, đến nay Hội KHLSVN ngày càng phát triển, tập hợp rộng rãi những nhà khoa học công tác nghiên cứu và đào tạo trên các lĩnh vực của khoa học lịch sử và các ngành liên quan, đoàn kết giới sử học cả nước. Hoạt động của Hội nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, phổ biến kiến thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định khoa học đối với các công trình, dự án liên quan đến sử học và văn hóa dân tộc, mở rộng quan hệ hợp tác và giao lưu với giới sử học quốc tế. Hội luôn luôn liên kết chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học, thông qua các hội thảo khoa học, diễn đàn sử học, tổ chức đề tài nghiên cứu khoa học để định hướng và đẩy mạnh sự phát triển của nền sử học Việt Nam.

Trong nhiều năm Hội đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cung cấp cơ sở khoa học để thực hiện tính toàn bộ và toàn diện của lịch sử dân tộc. Lịch sử Việt Nam được nhận thức là lịch sử của tất cả các cộng đồng cư dân, các tộc người (dân tộc) đã từng tồn tại trên không gian lãnh thổ Việt Nam hiện nay, đã từng góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước và sáng tạo ra văn hóa Việt Nam. Người Kinh (Việt) chiếm khoảng 86% dân số, dĩ nhiên giữ vai trò trung tâm đoàn kết, lực lượng chủ đạo trong tiến trình lịch sử, nhưng các dân tộc thiểu số đều có những cống hiến cần được trân trọng và phản ánh đầy đủ trong lịch sử dân tộc.

Cũng trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử Việt Nam ở trong nước và trên thế giới cùng với yêu cầu bức xúc của xã hội, Hội đã kiến nghị tập hợp lực lượng sử học cả nước để biên soạn một bộ “Lịch sử Việt Nam” mang tính quốc gia. Kiến nghị đã được Ban Bí thư, Chính phủ chấp thuận và đề án khoa học xã hội cấp quốc gia “Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, tổ chức thực hiện, GS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm đề án, trong đó Hội giữ vai trò đề xuất và động viên giới sử học cả nước tham gia, đang được triển khai.

Một hướng nghiên cứu trong những năm gần đây được Hội quan tâm là nghiên cứu bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của đất nước. Đó là nghiên cứu lịch sử biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia; nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Một số công trình nghiên cứu đã được xuất bản và nhiều luận văn khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học, trong các kỷ yếu hội thảo. Cuốn Lược sử vùng đất Nam Bộ (GS Vũ Minh Giang chủ biên) do Hội chủ trì và cuốn Biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (GS Dương Ninh chủ biên) do Hội tham gia chỉ đạo nội dung đã được phổ biến rộng rãi. Công trình Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (GS Phan Huy Lê chủ biên), sản phẩm của một đề án khoa học cấp nhà nước do Hội chủ trì, gồm 12 tập sách đang được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.

Đáng chú ý Hội KHLSVN coi trọng thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định khoa học trong công việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và các dự án liên quan đến lịch sử và văn hóa Việt Nam. Trong công tác này, Hội có đủ chuyên gia các ngành của khoa học lịch sử, trong đó có những chuyên gia đầu ngành và chuyên gia độc lập không thuộc cơ quan nhà nước. Công việc phản biện được nghiên cứu nghiêm túc, được dư luận xã hội ủng hộ, cơ quan chức năng chấp nhận, tuy có trường hợp đấu tranh không đơn giản. Thành công trong nhiệm vụ phản biện đã góp phần nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Hội trong xã hội.

Một trọng tâm tư vấn, phản biện của Hội trong thời gian gần đây là việc dạy và học sử trong trường phổ thông. Tình trạng sa sút đến mức “báo động đỏ” của môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông đã tạo ra nỗi lo cho xã hội. Hội đã tổ chức hai hội thảo tầm quốc gia, trong đó có một hội thảo phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá một cách khách quan hiện trạng giáo dục môn Lịch sử, tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài. Hội thảo đạt sự đồng thuận cao, cho rằng chất lượng giáo dục môn Lịch sử thật sự sa sút, nguyên nhân chủ yếu là do chưa nhận thức đầy đủ vị thế và yêu cầu của môn học được thể hiện trong chương trình, sách giáo khoa quá nặng nề; chưa tôn trọng tính khoa học của môn học; phương pháp giảng dạy nặng về truyền thụ kiến thức... Trên cơ sở dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đã tổ chức hội thảo chuyên đề đóng góp nhiều ý kiến tư vấn, phản biện và kiến nghị nhất thiết phải duy trì môn Lịch sử như một trong những môn học cơ bản và bắt buộc của giáo dục phổ thông. Hội cũng đã cảnh báo ngành giáo dục và đào tạo để cho tình trạng yếu kém kéo dài của môn Lịch sử sẽ dẫn đến hậu quả nguy hại trong nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ trở thành công dân làm nhiệm vụ xây dựng và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

50 năm nhìn lại, Hội KHLSVN cùng giới sử học cả nước đã góp phần tích cực đẩy mạnh sự phát triển của nền sử học, đạt được nhiều kết quả trên các phương diện nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức về lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc, cũng như phổ biến kiến thức, giáo dục truyền thống và phản biện, tư vấn về lịch sử và văn hóa.