Tiếng nói từ cơ sở

Quản lý việc thu, chi ở thôn

Các khoản thu, chi phát sinh từ các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn thôn, theo quy định của pháp luật và được nhân dân tự nguyện nhất trí về nguyên tắc là nguồn tài chính thôn. Thôn không phải cấp hành chính, trong khi Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn thì các địa phương ban hành những quy định tạm thời về tài chính thôn, tổ dân phố. Trong đó có các khoản huy động cá nhân và tổ chức đóng góp để phục vụ chung cho lợi ích cộng đồng, chi trả thù lao cho các chức danh do thôn bầu ra. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, quản lý và hoạt động tài chính, nguồn thu tại thôn đã và đang có nhiều bất cập, yếu kém, sai phạm.

Báo chí từng phản ánh nhiều thôn, xã ở các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Thiệu Hóa (Thanh Hóa) thu của người dân nhiều khoản sai nguyên tắc. Khảo sát một số thôn tại huyện Nông Cống cho thấy, bình quân một hộ gia đình phải đóng góp cho thôn từ 12 đến 15 khoản, với tổng số tiền hàng chục triệu đồng/năm. Tại một số tỉnh phía bắc, khi tỉnh, huyện kiểm tra, rà soát cũng phát hiện sự "lạm thu" ở cấp thôn. Cùng nghịch lý: Nhiều huyện nghèo, xã nghèo thì các khoản, mức đóng góp ở thôn, xã lại càng lớn, phần nhiều sai quy định. Tại một xã nghèo ở Nghệ An, người dân phải gồng mình "gánh" hàng chục khoản đóng góp "ngoài luồng". Bà con bộc bạch về sự "cực chẳng đã": Dẫu biết là bị thu vô lý, quá tải, nhưng vẫn phải nộp vì sức ép từ nhiều phía.

Ở tỉnh Bắc Ninh, qua điều tra, tỉnh phát hiện cho dù không được phép, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà thôn đã "tự tung tự tác" giao đất, cho thuê đất tạo nguồn thu sai nguyên tắc. Qua 10 năm, toàn tỉnh có 376 thôn, khu dân cư ở 93 trong số 126 xã, phường, thị trấn có giao đất trái thẩm quyền với tổng số hơn 13 nghìn lô đất, thu hàng trăm tỷ đồng. Hậu quả là nhiều xã nay không còn quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Thực tế nêu trên đủ cho thấy vấn đề vi phạm tài chính ở thôn, tổ dân phố đã và đang diễn ra khá nghiêm trọng và kéo dài. Tại nhiều địa phương vấn đề này lại chưa được nhìn nhận, đánh giá đầy đủ những nguy hại của "căn bệnh" nêu trên. Nguyên nhân của thực trạng nêu trên đã được phân tích, chỉ rõ tại một hội nghị cấp tỉnh: Do sức ép từ việc thu, chi để đẩy nhanh mục tiêu, tiến độ xây dựng công trình phúc lợi xã hội ở cơ sở; do việc chi trả nuôi bộ máy hành chính cơ sở là quá sức so với nguồn ngân sách; do cơ chế quản lý nhiều bất cập, chưa rõ ràng. Mặt khác, từ sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ cơ sở, lợi dụng những sơ hở, yếu kém trong cơ chế quản lý để làm sai, hưởng lợi với sự dung túng, đồng lõa của cấp trên. Một nhà lãnh đạo nêu ý kiến: Hiện nay, chúng ta có gần 70% số dân sống ở nông thôn, trong thời kỳ xã, thôn tác động trực tiếp, sâu sắc đến đời sống dân cư, nhưng cơ chế quản lý, giám sát tài chính lại chưa tương thích.

Mới đây, Hà Tĩnh là tỉnh đã kiên quyết rà soát, kiểm tra bộ máy hành chính cấp xã và thôn. Khi phát hiện việc chi trả nuôi bộ máy (nhất là ở cấp cơ sở) là quá sức so với nguồn ngân sách thu vào, tỉnh đã kiên quyết thực hiện việc sáp nhập, tinh giản số lượng cấp thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã sáp nhập các thôn, để từ 2.827 thôn xuống còn 2.182 thôn (giảm gần 23%). Theo đó, toàn tỉnh đã giảm được gần hai nghìn cán bộ cơ sở. Rõ ràng, Hà Tĩnh đã thấy rõ mối quan hệ "nhân-quả" giữa việc tùy tiện tăng cán bộ với vấn đề tài chính ở cơ sở để có quyết sách.

Muốn chữa bệnh phải biết bệnh, hiểu bệnh. Thực tế trên đặt ra yêu cầu các địa phương cần đánh giá đúng, kiểm soát được tình hình thu, chi tài chính thôn, tổ dân phố. Chính quyền cùng cơ quan chức năng các cấp cần có giải pháp đủ mạnh nhằm quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động tài chính ở thôn, tổ dân phố là nơi gần gũi, tác động trực tiếp nhất với cuộc sống mỗi gia đình.