Quản lý chặt diện tích trồng sầu riêng

Hiện nay, việc phát triển diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vượt cao so với quy hoạch, dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch diện tích đất trồng lúa, điệp khúc “cung vượt cầu”, “được mùa, mất giá” có thể xảy ra trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Một diện tích vừa chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng nhưng thiết kế rất thấp và không hoàn chỉnh ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).
Một diện tích vừa chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng nhưng thiết kế rất thấp và không hoàn chỉnh ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

Ồ ạt trồng sầu riêng

Những năm gần đây, hạn, mặn thường xuyên xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp đến các vườn sầu riêng ở phía nam Quốc lộ 1 của tỉnh Tiền Giang. Vì vậy, một số người dân đã di chuyển từ các xã ven sông Tiền để vào các xã, huyện giáp với tỉnh Long An và Đồng Tháp đầu tư chuyển đổi đất lúa, vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng sầu riêng.

Ông Hồ Bá Vinh ngụ xã Long Trung, huyện Cai Lậy đến xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè mua 0,6 ha đất lúa và chuyển đổi sang trồng sầu riêng xen canh với mít.

Ông Vinh cho biết, gia đình trồng 0,4 ha sầu riêng ở xã Long Trung hơn 20 năm. Trong đợt hạn, mặn năm 2019 và 2020, diện tích sầu riêng chết và suy kiệt gần như hoàn toàn.

Thấy nhiều người vào các huyện, thị phía nam Quốc lộ 1 của tỉnh Tiền Giang đầu tư trồng sầu riêng có hiệu quả nên gia đình quyết định đến khu vực này để đầu tư.

Đến nay, vườn sầu riêng được gần 5 năm và chuẩn bị cho trái. Nhờ kinh nghiệm trồng nhiều năm và thổ nhưỡng nơi đây cũng phù hợp nên cây phát triển xanh tốt.

Ông Vinh đầu tư mua 0,6 ha đất lúa gần 1,5 tỷ đồng, cải tạo từ đất lúa sang vườn gần 300 triệu đồng, lắp đặt hệ thống tưới hơn 150 triệu đồng và chi phí trồng, chăm sóc gần 5 năm cũng khoảng 1,2 tỷ đồng.

Tuy vậy, ông cho rằng nếu sầu riêng đạt năng suất, sản lượng cao và được giá thì chỉ trong vòng 3 năm sẽ lấy lại vốn, có lãi.

Tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, ông Nguyễn Văn Mười vừa chuyển đổi 0,3 ha đất lúa sang trồng sầu riêng. Kinh nghiệm không có và vốn đầu tư cũng không nhiều nên gia đình thiết kế đê bao chung quanh vườn khá thấp, trong khi diện tích đất vườn này nằm xen với khu vực trồng lúa, đê bao chưa khép kín hoàn toàn, mùa nước nổi đang về nên khả năng ảnh hưởng đến diện tích sầu riêng rất cao.

Ông Mười cho biết: “Chúng tôi biết cây sầu riêng rất khó trồng. Tuy vậy, gắn bó với cây lúa nhiều năm cũng không giúp được gia đình khá hơn. Những năm gần đây, nhiều hộ ở khu vực này đã chuyển đổi và có hiệu quả bước đầu. Riêng gia đình mình vừa trồng vừa rút kinh nghiệm. Tiền đầu tư không nhiều nên trong quá trình canh tác sẽ bổ sung dần”.

Theo quy hoạch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 20.000 ha, sản lượng 300.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay, diện tích sầu riêng khoảng 22.000 ha, đã vượt 2.000 ha so với quy hoạch đến năm 2030.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, việc tăng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang một cách ồ ạt, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn có thể sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu và nghiêm trọng hơn là nguy cơ dẫn đến thiệt hại nếu mở rộng diện tích trồng sầu riêng tại các vùng có điều kiện canh tác không phù hợp như nhiễm phèn, không chủ động được nguồn nước tưới…

Quản lý chặt vùng trồng

Trước tình hình diện tích sầu riêng tăng nhanh, ngành nông nghiệp đã và đang tuyên truyền, vận động các địa phương chỉ chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng theo đúng các Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang” và Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá khả năng thích nghi của cây sầu riêng trong vùng để khuyến cáo người dân chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng an toàn, hiệu quả; tổ chức lấy 500 mẫu đất xác định tầng sinh phèn, xác định vùng thích nghi của cây sầu riêng khu vực phía bắc Quốc lộ 1 làm cơ sở khuyến cáo người dân chuyển đổi mang lại hiệu quả cao và bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên phát triển sầu riêng một cách ồ ạt, vượt quy hoạch, đặc biệt là những vùng đất không phù hợp với đặc tính của cây sầu riêng.

Tuy nhiên, công tác quản lý việc sử dụng đất (chuyển đất lúa sang cây ăn trái) của chính quyền cơ sở còn lỏng lẻo, có một số nơi buông lỏng cho nông dân, dẫn đến tình trạng diện tích sầu riêng vượt quy hoạch cao.

Mặt khác, việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng sầu riêng chưa chặt chẽ làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu cũng như việc xuất khẩu chính ngạch và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Tiền Giang hiện có 155 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích gần 7.000 ha. Cơ quan chuyên môn phát hiện một số cơ sở đóng gói xuất khẩu sử dụng mã vùng trồng đã được cấp nhưng thực tế không có hoạt động thu mua tại vùng trồng, doanh nghiệp chưa liên kết thu mua sản phẩm tại vùng trồng như cam kết, một số mã số vùng trồng chưa thực hiện việc duy trì điều kiện của nước nhập khẩu...

Nguyên nhân do hiện nay chưa quy định cụ thể về ủy quyền mã số cũng như các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải thông tin cho cơ quan quản lý địa phương về việc ủy quyền mã số; chưa có biện pháp chế tài đối với vi phạm kiểm dịch thực vật, gian lận sử dụng mã số cũng như thu hoạch sản phẩm không đúng độ chín...