Tuyên bố do Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba ký và được một sĩ quan khác đọc trên kênh truyền hình quốc gia Burkina Faso với nội dung khẳng định rằng cuộc “tiếp quản” đã được thực hiện mà không có bạo lực và những người bị bắt giữ đang ở một nơi an toàn. Các nguồn tin quân sự và an ninh trước đó cho biết Tổng thống Kabore đã từ chức. Ông Kabore chưa xuất hiện trước công chúng từ khi xảy ra những vụ nổ súng dữ dội ở các doanh trại quân đội hôm 23/1.
Cộng đồng quốc tế liên tiếp bày tỏ lo ngại về tình hình Burkina Faso. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 24/1 đã “lên án mạnh mẽ mọi ý đồ giành chính quyền bằng vũ lực” ở Burkina Faso và kêu gọi các nhân vật cầm đầu cuộc đảo chính tại quốc gia Tây Phi hạ vũ khí.
Theo Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric, Tổng Thư ký Guterres cũng kêu gọi phe đảo chính “bảo vệ sự an toàn của Tổng thống (Roch Marc Christian Kabore) và các thể chế của Burkina Faso”.
Cùng ngày, Mỹ đã lên tiếng yêu cầu “trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Kabore và các quan chức chính phủ khác”, đồng thời kêu gọi phe đảo chính “tôn trọng Hiến pháp và ban lãnh đạo dân sự của Burkina Faso”.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu giấu tên nhấn mạnh: “Trong tình hình bất ổn hiện nay, chúng tôi yêu cầu tất cả các bên giữ bình tĩnh và tìm cách đối thoại trong vai trò của một biện pháp giải quyết những mâu thuẫn”.
Trước đó, Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đều lên án cái gọi là “ý đồ đảo chính” tại Burkina Faso, đồng thời kêu gọi quân đội nước này bảo đảm an toàn cho Tổng thống Kabore và các quan chức trong chính phủ của ông.