Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 - 7-1-2019)

Quân đoàn 3 trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Ngày 7-1-1979, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử Cam-pu-chia. Ðó là ngày quân và dân Cam-pu-chia phối hợp Quân tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, một chế độ độc tài tàn ác đã gây ra đau thương cho nhân dân Cam-pu-chia và cả nhân dân Việt Nam ở biên giới Tây Nam. Ðồng thời, ôn lại chiến công hiển hách của quân và dân ta ở vùng biên giới trong cuộc chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) là một Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ Quốc phòng, được thành lập ngày 26-3-1975. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đơn vị trong Quân đoàn 3 làm nhiệm vụ trên mặt trận Tây Nguyên, đã thực hiện nhiều chiến dịch, tiến hành nhiều trận đánh quan trọng; là lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ giải phóng Tây Nguyên tháng 3-1975. Ðặc biệt, Quân đoàn 3 đã đảm nhiệm một hướng chủ yếu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. Sau ngày giải phóng miền nam, Quân đoàn tiếp tục hoạt động ở Tây Nguyên và Trung Bộ, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng đơn vị, truy quét FULRO, giúp nhân dân trên địa bàn đóng quân xây dựng kinh tế và ổn định đời sống sau chiến tranh. Khi tình hình biên giới Tây Nam xảy ra, Quân đoàn 3 nhận nhiệm vụ cơ động triển khai lực lượng ngăn chặn các cuộc xâm lấn biên giới của quân Pôn Pốt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ðảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã quán triệt sâu sắc, tích cực, chủ động triển khai công tác chuẩn bị bảo đảm các mặt, nhanh chóng cơ động triển khai đội hình thực hiện nhiệm vụ theo ý định của cấp trên. Ngày 10-10-1977, lực lượng của Quân đoàn 3 tập kết tại địa bàn các xã biên giới: Tân Lập, Tân Bình (huyện Tân Biên) và Tân Hà (huyện Tân Châu), nhanh chóng triển khai lực lượng, chuẩn bị chiến đấu… Vừa đánh địch, vừa củng cố, Quân đoàn 3 chủ động kết hợp lực lượng vũ trang địa phương tiến hành xây dựng hệ thống phòng thủ biên giới, với tuyến vật cản dài 205 km, rộng đến 200 m và bố trí trên tuyến biên giới 20 nghìn quả mìn các loại, 15 vạn quả lựu đạn, cài 8.150 bàn chông, 15 vạn mũi chông trên các khu vực trọng yếu. Ngoài ra, các đơn vị còn tham mưu cho chính quyền địa phương, giúp lực lượng vũ trang xây dựng làng xã chiến đấu, tham gia huấn luyện dân quân du kích nâng cao sức chiến đấu bảo vệ làng xã, bảo vệ biên giới.

Vận dụng cách đánh phòng ngự giữ địa bàn kết hợp với tiến công, Quân đoàn 3 đã ngăn chặn có hiệu quả các đợt xâm lấn của địch. Từ đêm 22-10-1977, sau khi hoàn thành bước triển khai lực lượng, sáng 23-10, các hướng của Quân đoàn 3 đồng loạt nổ súng tiến công, đột phá vào đội hình Sư đoàn 4 và lực lượng Vùng 20 của địch ở khu vực đường 78, làng Ph.ThMây Phlong, cầu ORung Tra piêng Ph.Long...; ta đã tiêu diệt 569 tên địch, bắt bốn tên, thu 95 khẩu súng, đẩy quân địch về bên kia biên giới.

Sau thất bại nêu trên, ngày 29-10-1977, địch đưa Sư đoàn 290 từ phía sau lên phản kích, cùng lực lượng đang có mặt trên địa bàn tăng cường hoạt động theo trục đường 78, tiếp tục xâm lấn địa phận biên giới của ta. Trước tình hình đó, lực lượng của Quân đoàn 3 trên các hướng đã tiến hành các trận đánh nhỏ lẻ, tiêu diệt địch, giữ trận địa và bảo vệ nhân dân. Ngày 24-11-1977, Quân đoàn điều lực lượng phối hợp lực lượng Quân đoàn 4, tiến công địch ở Bến Cầu, Bến Sỏi, thuộc vùng đông bắc tỉnh Xoài Riêng, triệt phá một số căn cứ bàn đạp của quân địch ở khu vực này. Từ ngày 29-11 đến 3-12, các đơn vị tập trung đánh địch ở điểm cao 17, 21, 20, 23 và bắc Ðập Ðá. Ngày 5-12, ta tiến công địch ở tây và tây nam đồn Xa Mát khu vực đường 22, tiếp tục phát triển đánh chiếm Tra piêng Ph.Long thuộc phía đông đường 78 và khu Ðảo Xanh. Từ ngày 12-12-1977 đến ngày 5-1-1978, Quân đoàn 3 tiếp tục mở đợt phản kích, tiêu diệt lực lượng Sư đoàn 4 của địch ở Tà Hiêu - Pakrế - Phsâm đến ngã ba Phen Nimit, giải thoát hàng nghìn dân...

Tình hình biên giới Tây Nam do quân Pôn Pốt gây ra đã tạo một bất ngờ lớn cho nhân dân và lực lượng vũ trang ta, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện không có chuẩn bị từ trước. Song, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 đã nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, khắc phục mọi khó khăn, nhanh chóng nắm bắt tình hình, tiếp cận địa bàn, cùng lực lượng địa phương ngăn chặn các đợt lấn chiếm của quân địch. Từ ngày 23-10-1977 đến 5-1-1978, Quân đoàn đã đánh, gây thiệt hại nặng Sư đoàn 4, Sư đoàn 117, ngăn chặn có hiệu quả các đợt lấn chiếm của địch.

Từ tháng 3-1978, tuy bị ta đánh thiệt hại nặng, nhưng được các thế lực bên ngoài hậu thuẫn, quân Pôn Pốt đã tăng cường lực lượng về khu vực biên giới, đẩy cuộc chiến tranh lên cao trào. Ðến tháng 4-1978, chúng sử dụng 19 trong tổng số 24 sư đoàn triển khai ở khu vực biên giới, có trung đoàn nằm sâu trên đất ta từ 5 đến 7 km. Riêng ở vùng biên giới ở phía bắc tỉnh Tây Ninh, địch đã tổ chức thêm Sư đoàn 215, đưa lực lượng ở khu vực này lên tới bảy sư đoàn và ba trung đoàn; tiếp tục thực hiện các thủ đoạn bu bám đánh ta liên tục bằng các phân đội nhỏ kết hợp với hỏa lực. Những nơi ta sơ hở, chúng tập kích nhanh, rút nhanh, chú trọng tập kích những trận địa pháo binh xe kéo, phục kích gài mìn trên các trục đường cơ động, ban đêm chúng vượt biên giới bắn phá vào các khu đông dân...

Ðầu tháng 6-1978, hành động phản chiến, ly khai bắt đầu xuất hiện trong các đơn vị quân đội địch, nhất là ở khu vực Quân khu 203 ở miền đông Cam-pu-chia, nhân dân trong các công xã bỏ chạy sang các tỉnh Sông Bé, Tây Ninh của Việt Nam lánh nạn diệt chủng. Tận dụng tình hình này, Quân đoàn 3 chủ động tiến công mở rộng địa bàn, bám sát các đơn vị địch ở bên kia biên giới; chủ động liên lạc với lực lượng nổi dậy, giúp bạn xây dựng, phát triển lực lượng, tạo thế và thời cơ mở các chiến dịch lớn. Ðến tháng 10-1978, lực lượng kháng chiến tại miền đông Cam-pu-chia đã lên tới hàng nghìn người. Cũng thời gian này, Quân đoàn 3 đã đưa gần 4.000 người dân Cam-pu-chia theo kháng chiến ra vùng giải phóng.

Ngày 2-12-1978, Mặt trận Ðoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia ra đời. Ngay sau đó, Mặt trận đã kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức dân chủ đang đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội hãy ủng hộ, giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của lực lượng cách mạng Cam-pu-chia. Ðáp lời kêu gọi của Mặt trận Ðoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, Quân đoàn 3 mở đợt phản công trên mặt trận đường 7 ở phía đông Cam-pu-chia, tiêu diệt và làm tan rã năm sư đoàn địch, làm chủ hoàn toàn địa bàn phía đông sông Kông Pông Chàm, đẩy quân địch về bờ tây sông Kông Pông Chàm.

Phát huy thắng lợi, Quân đoàn 3 hiệp đồng chặt chẽ các hướng tiến công trên toàn tuyến biên giới. Ngày 6-1-1979, Quân đoàn 3 tổ chức tiến công vượt sông Mê Công đánh chiếm thị xã Kông Pông Chàm. Ngày 7-1, một mũi thọc sâu vào Phnôm Pênh, góp phần cùng các hướng đánh tan hoàn toàn lực lượng địch, giải phóng Phnôm Pênh. Ngày 8-1, các đơn vị tiếp tục giải phóng các thị xã: Kông Pông Thom, Xiêm Riệp, Pô Sát. Ngày 14-1, đánh chiếm TP Bát Tam Băng, thành phố cuối cùng được giải phóng, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước Cam-pu-chia.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã kết thúc được 40 năm. Ðất nước Cam-pu-chia dần hồi sinh và từng bước phát triển. Tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia từ đó không ngừng được bồi đắp; nhân dân hai nước chung sống hòa bình và cùng giúp đỡ nhau trong tiến trình phát triển. Thành quả này một lần nữa khẳng định, cuộc chiến tranh mà tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari gây ra ở biên giới Tây Nam của chúng ta là một cuộc chiến tranh phi nghĩa; hành động của quân và dân ta là nhu cầu tự vệ chính đáng, thể hiện thiện chí hòa bình, hữu nghị và tinh thần quốc tế vô tư, trong sáng. Ðồng thời, khẳng định sức mạnh "bách chiến bách thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam đã và sẽ chiến thắng bất cứ kẻ thù nào có âm mưu xâm phạm chủ quyền, độc lập của dân tộc Việt Nam.

Sau chiến thắng biên giới Tây Nam, Quân đoàn 3 tiếp tục xây dựng, phát triển, xứng đáng Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ Quốc phòng, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được Ðảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Hiện nay, Quân đoàn 3 đóng quân và hoạt động trên địa bàn Tây Nguyên, địa bàn có đường biên giới chung hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Cán bộ, chiến sĩ toàn Quân đoàn 3 đang tiếp tục thi đua phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cùng quân và dân địa phương xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị.