Nguyên nhân chưa rõ
Tâm thần phân liệt (TTPL) được chẩn đoán chủ yếu dựa trên bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Hiện nay, TTPL được coi là một nhóm gồm nhiều rối loạn không đồng nhất về biểu hiện lâm sàng, tiên lượng, đáp ứng không điều trị.
TTPL bao gồm những rối loạn tâm thần có cơ chế bệnh sinh khác nhau thể hiện qua nhiều biểu hiện lâm sàng. Người bệnh có nhưng biểu hiện rõ nhất là triệu chứng dương tính như hoang tưởng, ảo giác, ngôn ngữ vô tổ chức, hành vi vô tổ chức. Các triệu chứng âm tính khác như cảm xúc cùn mòn, ngôn ngữ nghèo nàn, mất động cơ hoạt động, mất hứng thú và giảm sự chú ý. Bệnh nhân hay bị rối loạn hoạt động nhận thức, ví như mất khả năng tập trung, khả năng học tập, chức năng thực hành. Tính tình của người bệnh TTPL rất dễ gây hấn với người khác thể hiện qua ngôn ngữ và hành vi. Người bệnh không chỉ tự làm hại mình mà còn tấn công những người chung quanh. Triệu chứng của những người bệnh còn thể hiện qua sự trầm cảm và lo âu.
Có hai hội chứng riêng biệt đối với những người bệnh TTPL. Kiểu 1 trải qua những giai đoạn như: khởi bệnh cấp, triệu chứng dương tính nổi bật, chức năng xã hội vẫn còn rất tốt trong thời kỳ bệnh thuyên giảm, bệnh nhân đáp ứng thuốc chống loạn thần và gia tăng hoạt động quá mức hệ dopamine. Ở kiểu 2 thì bệnh lại khởi âm thầm, triệu chứng âm tính nổi bật, có nhiều tiên lượng xấu, người bệnh không đáp ứng tốt thuốc chống loạn thần, giảm hoạt động hệ dopamine và thay đổi cấu trúc não bộ, ví như giãn nở não thất.
Quan hệ giữa bệnh tâm thần phân liệt và tiểu đường
Tỷ lệ người bệnh TTPL mắc tiểu đường type 2 cao gấp 2-4 lần so với dân số chung, khoảng 15-18%. Tỷ lệ bệnh chung của rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân TTPL có thể lên đến 30% tùy theo tuổi. Tiểu đường type 2 có thể hiện diện ở người bệnh TTPL trước khi được điều trị bằng thuốc đặc trị. Cả hai căn bệnh này cũng cùng nhau chia sẻ một hoặc nhiều cơ chế bệnh sinh chung. Hiện nay, y học có nhiều chứng cớ rằng TTPL là một yếu tố nguy cơ độc lập cho tiểu đường. Câu hỏi "Liệu TTPL có nguyên nhân thực thể nào khác hay không" vẫn đang còn để ngỏ.
Theo một số tài liệu khoa học, trước đây, bệnh TTPL chỉ có 4% là phục hồi hoàn toàn, 13% được thuyên giảm đáng kể, số còn lại thì mắc bệnh suốt đời, có khi ngày một nặng hơn. Hiện nay thì mọi việc đã có thể hy vọng hơn. Có đến 20-25% người bệnh TTPL được hồi phục, có đời sống xã hội, nghề nghiệp bình thường giống như bao người bình thường khác. 50% còn biểu hiện bệnh lý ở mức độ trung bình, ảnh hưởng đến đời sống tình cảm, giao tiếp và nghề nghiệp và chỉ còn 20-25% là bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng âm tính nổi bật, chứng hoang tưởng kéo dài. Những người bệnh này cần nhập viện lâu dài hoặc được chăm sóc thường xuyên tại các cơ sở chuyên khoa.
Ngành y dược học ngày càng tiến bộ nên các loại thuốc chống loạn thần cũng được cập nhật và bổ sung nhiều hơn. Thông thường, các loại thuốc dành cho người TTPL có hiệu quả là giảm triệu chứng loạn thần, chủ yếu là triệu chứng dương tính và kích động cũng như giảm tác dụng phụ. Hiện nay, có hai loại thuốc chống loạn thần là: thuốc chống loạn thần quy ước (tiêu chuẩn, cổ điển, điển hình) và thuốc chống loạn thần không điển hình. Những thuốc chống loạn thần không điển hình có thể nhắc đến như: haloperidol, fluphenazine, flupentixol...
TTPL là một căn bệnh dễ gây tiêu cực và gây nhiều phiền toái cho gia đình, những người chung quanh, nếu người bệnh bị kích động đột ngột. Việc chữa trị bệnh đòi hỏi sự kiên trì của thầy thuốc và gia đình bệnh nhân. Sự thông cảm, yêu thương của những người ruột thịt đối với người bị TTPL cũng là một phương thuốc quý để đưa bệnh nhân trở về cuộc sống, sinh hoạt bình thường.