Dòng sông lịch sử và sự cách trở đò giang
Quê ngoại nằm bên kia dòng sông Gianh cho nên tôi tự nhận mình là một cư dân miền sông nước, luôn tự hào với dòng sông lịch sử. Bắt nguồn từ núi Cô-pi cao hơn 2.017m thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, sông Gianh dài 160 km uốn lượn qua hàng trăm làng mạc và vô số rặng núi đá vôi từ Minh Hóa về Tuyên Hóa qua Quảng Trạch trước khi đổ ra Biển Ðông. Sông Gianh mang dấu tích lịch sử, là ranh giới đau thương của thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh với cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt 216 năm. Nơi đây còn là "tọa độ lửa" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhắc đến phà Gianh, hẳn tất cả những ai đã từng qua đây trong những năm tháng cả nước ra trận vì miền nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, đều không khỏi bùi ngùi, xúc động. Ðồng đội, bạn bè của họ nhiều người nằm lại nơi đây, còn lưu dấu tích trên những tấm bia dựng trên bến phà.
Phía sau dòng sông Gianh bi thương và anh dũng được ghi vào lịch sử là một dòng sông Gianh hiền hòa, chở nặng phù sa nuôi nhiều thế hệ người dân vùng đất phía bắc Quảng Bình khôn lớn. Phía thượng nguồn có ngôi làng Lệ Sơn lưng tựa vào 99 ngọn núi, mặt hướng ra dòng sông Gianh chảy mải miết về xuôi. Hàng trăm năm nay, đây là làng văn hóa đứng đầu trong "bát danh hương" Quảng Bình về tinh thần hiếu học. Tương truyền từng có 100 con chim phượng hoàng rủ nhau bay về đậu ở núi làng Lệ Sơn, cho nên địa danh này là vùng địa linh, cảnh sắc như bức tranh "sơn thủy hữu tình".
Thế nhưng, cảnh "cách sông trở đò" không chỉ tạo sự phiền toái, khó khăn đối với người dân mà còn làm chậm sự phát triển của cả vùng bên kia sông Gianh. Cho tới những năm 90 của thế kỷ trước, dù chỉ cách thị trấn Ba Ðồn hơn hai km nhưng nhiều xã vùng nam huyện Quảng Trạch vẫn chưa biết đến ô-tô. Ðơn giản, vì ô-tô không thể đi đò ngang. Mỗi lần bố con tôi về quê ngoại là phải cơm đùm, bánh bới để ăn phòng khi nhỡ đò. Mà thật lạ, khúc sông Gianh tại bến đò thì rộng, lồng lộng gió nam thổi, người chen chúc nhau mà người lái đò thì bình chân như vại. Hình như mỗi ngày cha con ông chỉ chèo hai chuyến như kế hoạch được giao. Ai đến kịp thì tất tả xuống đò để sang sông trong nỗi nơm nớp lo đò đầy. Còn ai không kịp chen chân thì kể như ngồi chờ từ sáng đến trưa hoặc từ trưa tới chiều. Ai chậm chân sau năm giờ chiều thì phải chờ đến sáng hôm sau mới qua sông được. Có lẽ câu than "Ăn cho no mà chờ đò Phù Trịch" xuất phát từ hoàn cảnh ấy.
Không riêng gì vùng nam huyện Quảng Trạch mà cả vùng rộng lớn bên kia sông Gianh đều trong tình trạng đò giang trễ nải như vậy. Tôi lại nhớ phà Gianh những năm 90 của thế kỷ trước, nhớ những ngày giáp Tết ngồi đợi phà trong rét buốt dưới ánh đèn vàng vọt với từng đoàn xe dài dằng dặc kiên nhẫn xếp hàng, có khi cả ngày mới qua được sông. Nhưng đó giờ chỉ còn là những hoài niệm của cái thời xưa cũ.
Nhịp cầu nối những bờ vui...
Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, cầu Gianh trên quốc lộ 1A hoàn thành đã xóa đi sự cách trở trên đường thiên lý bắc - nam. Tỉnh Quảng Bình cũng nhờ thế kéo gần khoảng cách giữa vùng phía bắc của tỉnh với trung tâm tỉnh lỵ là thị xã Ðồng Hới lúc bấy giờ. Nhưng còn từ bên này sang bên kia sông và từ hạ nguồn đến thượng nguồn sông Gianh là cả một sự cách trở vời vợi. Phương tiện duy nhất nối sự cách trở đó là những chiếc phà. Nhưng những chiếc phà cũ kỹ không thể oằn lưng chịu mãi được sự khắc nghiệt của mưa nắng miền trung. Sau trận lũ cả tuần, phà mới hoạt động khi đó đường mới thông trở lại.
Sau ngày tái lập tỉnh đến nay, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình rất trăn trở trước thực tế chia cắt bởi sông nước của cả vùng rộng lớn phía bắc tỉnh. Bằng nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của Trung ương, Quảng Bình xây dựng được năm cây cầu bắc qua sông Gianh. Và cùng với cầu Gianh trên quốc lộ 1A nữa thì trên dòng sông Gianh đã có sáu cây cầu "nối những bờ vui". Văn Hóa là tên đặt cho cây cầu mới nhất được khánh thành cuối tháng 8-2013 và là cây cầu thứ ba phía thượng nguồn sông Gianh.
Nhớ lại ngày khởi công cầu Văn Hóa đầu tháng 1-2011, mục tiêu của công trình đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh là nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân các xã khu vực phía nam sông Gianh khi có bão lũ; đồng thời khai thác tiềm năng sản xuất xi-măng trong khu vực... Dòng Gianh êm đềm và hiền hòa là vậy nhưng cũng có lúc hung dữ và man dại. Nhớ trận lũ lịch sử năm 2010, sông Gianh trở nên hung hãn, bên này từ quốc lộ 12A nhìn sang bên kia là biển nước cuộn chảy. Chiếc cầu làm vững tin cho hàng nghìn người dân bên kia dòng sông để chống chọi với lũ lụt.
Trong nắng xuân, đứng trên cây cầu bê-tông vững chãi nhìn người, phương tiện xuôi ngược qua cầu, tôi cảm nhận được niềm vui và cả sự tự tin trong từng ánh mắt của những người dân từng chịu cảnh sông sâu cách trở. Từ bên đường 12A qua cầu và đi hết con đường bê-tông rộng rãi, qua tiếp cầu vượt đường sắt, là một nhà máy xi-măng bề thế. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Việt Nam Nguyễn Nam Thắng nói ngắn gọn: "Thật tuyệt vời! Cây cầu sẽ là "cú hích", tiếp thêm niềm tin và sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong thời gian tới...". Không hẹn mà lên, khi cầu Văn Hóa khánh thành thì cũng là lúc những mẻ clanh-ke đầu tiên của nhà máy xi-măng ra lò. Quả là "thiên thời, địa lợi" đối với nhà máy non trẻ đang khai thác tiềm năng lâu nay còn bỏ ngỏ trên vùng đất vốn cách trở này.
![]() |
Làng quê trù phú bên bờ sông Gianh.
Chủ tịch UBND xã Văn Hóa Nguyễn Tiến Hạnh dẫn tôi đi bộ lên cầu Văn Hóa, nói: "Công trình làm cho bộ mặt của xã Văn Hóa khang trang hơn và mở nhiều triển vọng về phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Mùa mưa lũ năm nay, tụi trẻ đến trường không phải qua những chuyến đò làm thót tim người lớn. Người dân Văn Hóa đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ cũng vui hơn vì có cây cầu, tối 30 Tết, nam thanh, nữ tú kéo nhau ra cầu chơi cho đến giao thừa mới vãn". Tôi chợt nhớ đến câu chuyện với ông Nguyễn Văn Bắc ở xã Văn Hóa hôm khánh thành cầu. Hôm ấy, hơn 10 giờ, nắng bắt đầu gắt, hòa trong dòng người nô nức lên cầu, tôi chợt thấy một cụ già che ô đứng giữa cầu, tay vân vê lên thành cầu còn vương mùi sơn mới, nom thật xúc động. Cụ rưng rưng nói: "Tui (tôi) gần 80 tuổi rồi mà lần đầu mới chộ (thấy) cây cầu, thiệt là nghìn đời mơ ước của người dân xã Văn Hóa, có nhắm mắt cũng sướng cái bụng rồi. Tui dặn con cháu phải biết bảo vệ để cầu tồn tại lâu dài, để xã Văn Hóa hết cảnh đò giang".
Nhà thơ Lý Hoài Xuân và nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đều là người Quảng Bình. Hai ông đã sáng tác nên tác phẩm: Tâm tình với sông Gianh như là tiếng lòng của người dân Quảng Bình với dòng sông lịch sử. Bài hát có đoạn: Ơi dòng Gianh! Sao tôi cứ thương/Sao tôi cứ thương- Sông mấy ngàn năm gọi đò đêm vắng/Sao tôi cứ thương- Thương những đoàn xe đợi phà thức trắng/Ơi dòng Gianh! Dòng Gianh! Bây chừ sang sông không phải đợi đò/Bắc cầu sông quê cho đôi lứa hẹn hò/Phải vì sông sâu nay mới muộn tình/Soi vào sông quê thấy rõ lòng mình.
Ngày mồng 4 Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tôi đưa cả gia đình về thăm quê ngoại. Qua cầu Quảng Hải trên dòng sông Gianh, nghe nhắc lại chuyện đợi đò ngày cũ, con trai tôi hỏi lại: "Giờ có cầu, chạy một lát là về quê chắc không cần phải ăn no đâu ba nhỉ?". Ờ đúng thật, giờ đường đã hanh thông, người dân ven dòng Gianh quê tôi bớt đi những lo toan trong cuộc sống.