Những chiến sĩ “hai trong một” của Hậu Giang

Đại đội Trinh sát cơ giới, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang được thành lập từ một quyết định mang tính đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Đại đội Trinh sát cơ giới tăng gia sản xuất.
Đại đội Trinh sát cơ giới tăng gia sản xuất.

Đó là sự kết hợp độc đáo giữa hai đơn vị có tính đặc thù: Lực lượng Trinh sát - biệt danh là những người lính “đi không dấu” và Đại đội Thiết giáp - biệt danh là những “kỵ sĩ thép”; trở thành những chiến sĩ “hai trong một”.

Những ngày đầu thành lập và đi vào hoạt động, Đại đội Trinh sát cơ giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc sắp xếp tổ chức biên chế đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để phát huy tối đa thế mạnh của cả hai lực lượng: Trinh sát bí mật thâm nhập, am tường địa hình, tinh thông võ thuật và thiết giáp làm chủ chiến trường bằng sức mạnh hỏa lực, cơ giới.

Công tác phối hợp, hiệp đồng tác chiến gặp không ít khó khăn khi phải dung hòa giữa tính cơ động thần tốc của thiết giáp với đặc thù hoạt động bí mật của trinh sát. Bên cạnh đó, việc đồng bộ hóa trang bị kỹ thuật đòi hỏi một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm công phu.

Theo Thượng tá Trần Hoàng Lộc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang, khó khăn đầu tiên chính là sự khác biệt về phương pháp huấn luyện. Những người lính trinh sát quen di chuyển nhẹ nhàng, bí mật nay phải làm quen với việc cơ động trên những chiếc xe thiết giáp nặng nề, ồn ào.

Việc này đòi hỏi họ phải thay đổi hoàn toàn tư duy chiến thuật, quen với nhịp độ chiến đấu mới. Chiếc xe thiết giáp hiện đại với hàng chục nút bấm, cần gạt, màn hình điện tử phức tạp khiến những người lính trinh sát quen với súng đạn thông thường cảm thấy choáng ngợp. Bên cạnh thích nghi với trang bị mới, sự hòa nhập giữa cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị cũ cũng cần có thời gian.

Với ý chí quyết tâm vượt khó, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, họ đã chủ động tìm tòi, sáng tạo, đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả. Ban Chỉ huy Đại đội đã xây dựng chương trình huấn luyện riêng, kết hợp giữa kỹ năng trinh sát và kỹ năng chiến đấu thiết giáp.

Những bài tập hành quân đường dài, vượt chướng ngại vật, bắn đạn thật được thiết kế đan xen, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ binh và thiết giáp. Rồi những buổi “tọa đàm đêm khuya” trở thành nơi để cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị cũ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Đại úy Lê Hoàng Ba, Đại đội trưởng Trinh sát cơ giới nhớ lại: “Thời gian đầu, anh em gặp rất nhiều khó khăn.

Trinh sát quen hoạt động độc lập, nhỏ lẻ, nay phải phối hợp cùng đồng đội trên những chiếc xe thiết giáp cồng kềnh, khó tránh được lúng túng, chưa tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, với quyết tâm cao và sự nỗ lực không ngừng trong huấn luyện, chúng tôi đã dần khắc phục được những hạn chế ban đầu”.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đại đội Trinh sát Cơ giới quán triệt nghiêm túc mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, nhất là các nghị quyết của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Với phương châm “Ngày là vàng, giờ là bạc, một phút cũng luyện, một giây cũng rèn”, Đại đội Trinh sát Cơ giới tận dụng triệt để thời gian, tranh thủ mọi điều kiện để nâng cao chất lượng huấn luyện.

Từng giờ, từng ngày đều được đơn vị sử dụng hiệu quả với kế hoạch huấn luyện chi tiết, khoa học. Ngoài ra, đơn vị còn áp dụng nhiều phương pháp huấn luyện mới, sáng tạo, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ và điều kiện thực tế.

Đơn vị rất coi trọng phong trào “thi đua huấn luyện giỏi”, không chỉ là khẩu hiệu suông mà đã đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đơn vị đã biến “thi đua huấn luyện giỏi” thành động lực thúc đẩy mỗi người không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ, là yếu tố quyết định sức mạnh chiến đấu của đơn vị.

Chiến sĩ Đặng Hoàng Phúc chia sẻ: “Ban đầu, việc tiếp cận và làm quen với các thiết bị trên xe thiết giáp khiến chúng tôi gặp không ít bỡ ngỡ. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh em đơn vị thiết giáp, chúng tôi dần làm chủ được các thao tác kỹ thuật.

Điều này giúp kết hợp được thế mạnh của trinh sát với sức mạnh của thiết giáp trong thực hiện nhiệm vụ”. Còn Đại úy Nguyễn Thanh Danh, lái xe thiết giáp tâm sự: “Qua quá trình phối hợp huấn luyện, chúng tôi học được rất nhiều từ anh em trinh sát về kỹ năng quan sát, ngụy trang và di chuyển bí mật. Những kỹ năng này giúp chúng tôi vận hành xe thiết giáp hiệu quả hơn trong các tình huống chiến thuật đặc biệt. Sự kết hợp thật sự mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ”.

Nhờ phát huy hiệu quả phong trào “thi đua huấn luyện giỏi”, Đại đội Trinh sát cơ giới đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Trong cuộc diễn tập của tỉnh Hậu Giang năm 2023, Đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá cao về khả năng phối hợp tác chiến. Tại Hội thi bắn súng quân dụng do Quân khu 9 tổ chức năm 2024, nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đạt thành tích cao, góp phần cùng đoàn Hội thao của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xuất sắc giành Giải nhất toàn đoàn.

Đơn vị cũng nhiều năm liền được công nhận là đơn vị huấn luyện giỏi. Năm 2024 tiếp tục được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”...

Thượng tá Trần Hoàng Lộc cho biết: “Qua bước đầu xây dựng và trưởng thành, Đại đội Trinh sát cơ giới đã dần khẳng định được vai trò, vị thế của một đơn vị đặc thù. Sự kết hợp độc đáo giữa trinh sát và thiết giáp không chỉ là một mô hình tổ chức mới mà còn là minh chứng cho khả năng thích ứng, sáng tạo của lực lượng vũ trang tỉnh.

Với những thành tích đã đạt được, tôi tin tưởng đơn vị sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là “quả đấm thép” của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang”.