Bài 2: Hiện đại hóa hệ thống logistics
Ngay từ đầu tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 13/CĐ-TTg về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản, trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp cấp thiết và trung-dài hạn giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian vận chuyển các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Thế mạnh chưa được khai thác
Ông Vi Công Tường - Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn có thế mạnh, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics nhờ vị thế “cầu nối” quan trọng trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng. Với vị trí địa lý thuận lợi khi có hơn 231 km đường biên giới với Trung Quốc, hệ thống cửa khẩu đa dạng, gồm hai cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu quốc tế đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng; một cửa khẩu chính (Chi Ma) và 9 cửa khẩu phụ (Nà Nưa, Bình Nghi, Na Hình, Tân Thanh, Cốc Nam, Pò Nhùng, Co Sâu, Nà Căng, Bản Chắt) cùng các cặp chợ biên giới, đã tạo điều kiện cho tỉnh Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, xuất nhập khẩu hàng hóa quan trọng của Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN và ngược lại.
Tuy nhiên, thực trạng dịch vụ logistics ở Lạng Sơn hiện nay còn yếu, chưa phát huy được thế mạnh của địa phương. Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa hầu hết đều tự làm tất cả các công đoạn, như: đóng gói, lưu kho bãi, vận chuyển, lưu thông…, chứ không phối hợp với một doanh nghiệp chuyên nghiệp về logistics để thực hiện. Do đó giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cũng phải nhìn nhận một thực tế là trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp kinh doanh chuỗi hoạt động logistics bài bản mà hầu hết chỉ tham gia một số công đoạn trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều rào cản khi thiếu kỹ năng số, thiếu kiến thức công nghệ thông tin hiện đại, còn tâm lý e ngại về tính an toàn, khả năng bảo mật thông tin nên chưa khai thác hết tiềm năng của các ứng dụng công nghệ thông tin giúp kết nối các bên liên quan trong chuỗi (cảng, cửa khẩu, hãng vận tải, công ty giao nhận, kho bãi…) để chia sẻ dữ liệu và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Mặt khác, hoạt động vận tải đa phương thức trong tỉnh cũng chưa phát triển mạnh, chủ yếu tập trung vào vận tải đường bộ, vì vậy có nguy cơ ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ trong dịp cao điểm, lễ, Tết hoặc do tác động của dịch bệnh… Trong khi đó, tuyến đường sắt liên vận quốc tế chưa phát huy được lợi thế; hạ tầng ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tại Lào Cai, một trong những địa phương có nhiều hoạt động giao thương nông sản với Trung Quốc. Nếu như năm 2015 nhập siêu qua cửa khẩu Lào Cai là gần 300 triệu USD thì đến năm 2023 xuất siêu đạt mức hơn 360 triệu USD.
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng chưa hình thành được những trung tâm logistics liên hoàn, bảo đảm các điều kiện trong chuỗi sản xuất và lưu thông. Một số công trình hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa phục vụ phát triển logistics như: Cảng hàng không Sa Pa; đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm kết nối Lào Cai với Hà Khẩu; cảng cạn… chưa được đầu tư hoàn chỉnh, làm giảm khả năng kết nối, vận chuyển, giảm năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa Lào Cai với Trung Quốc.
Đầu tư đồng bộ dịch vụ logistics
Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh dịch vụ bến bãi, hậu cần logistics tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Trong những năm gần đây, công ty đã và đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, công ty kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn và các sở, ngành mở thêm làn được ra, vào trong khu cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; nghiên cứu, xem xét thực hiện quy trình hải quan nhằm tiện lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bến bãi; tăng cường hội đàm với Trung Quốc để thống nhất thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa giữa hai bên...
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn khẳng định: Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn. Trước mắt sẽ tập trung thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng logistics bằng việc rà soát các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải; nâng cấp các tuyến đường vành đai biên giới, đường ra biên giới, đường ra các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh để kết nối giao thương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là tuyến cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng-Bằng Tường.
Thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu, tập trung vào các cặp cửa khẩu trọng điểm, đang được phía Trung Quốc quan tâm đầu tư như cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Cốc Nam-Lũng Nghịu, cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nhi Quan.
Tại tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh cũng cho biết, năm 2024 và những năm tiếp theo, xu hướng triển khai đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông đường sắt) nhằm kết nối liên quốc gia, liên vùng, kết nối đến hệ thống các cửa khẩu, biên giới sẽ là chủ đạo.
Lào Cai đã đề xuất thực hiện quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao 1.435 mm Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và xây dựng đường sắt khổ lồng kết nối ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Ngoài ra Lào Cai và Hải Phòng cũng đang tích cực phối hợp, nghiên cứu phương án cho phép xe chuyên dụng được chở hàng hóa thủy sản, hải sản chạy liên tục toàn tuyến Hải Phòng-Lào Cai-Côn Minh mà không cần chuyển tải sang các phương tiện khác tại cửa khẩu.
Việc hiện đại hóa quy trình và thủ tục tại cửa khẩu theo nội dung được đề cập trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhằm đẩy mạnh và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc cũng được chú trọng. Tỉnh tập trung đẩy nhanh hình thành trung tâm logistics cho hàng nông sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế…
Dự án xây dựng “Cửa khẩu thông minh” Trung Quốc-Việt Nam hiện tiến triển thuận lợi. Dự kiến cuối tháng 6, phía Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ hoàn tất hạng mục san lấp mặt bằng đối với đường thông quan chuyên dụng cửa khẩu Hữu Nghị Quan-Hữu Nghị. Tới tháng 9 sơ bộ hình thành hệ thống thông quan thông minh. Mục tiêu đến tháng 12 hoàn tất xây dựng hạ tầng kiểm hóa, khu vực làm việc đồng bộ và tuyến đường chuyên dụng vận tải xe không người lái. Dự kiến cuối năm 2024 thực hiện thí điểm vận tải không người lái tại khu vực địa phận Trung Quốc. Theo phía Quảng Tây, cửa khẩu thông minh sẽ góp phần giảm quy trình, chi phí và nhân lực thông quan, từ đó giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp. (Nguồn: Chi nhánh Nam Ninh của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc) |
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 15/5/2024.