Hàng nghìn hộ dân thành phố Đà Nẵng đang ở chung cư xuống cấp, hết hạn sử dụng

Theo kế hoạch, trong năm 2024-2025, thành phố Ðà Nẵng sẽ thực hiện di dời hơn 2.000 hộ dân hiện đang sống tại các căn hộ chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay vẫn chưa được thống nhất khi người dân sống tại các chung cư này “đi không nỡ, ở không xong”, hằng ngày vẫn phải đối mặt với sự bất an, lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00

Thống kê mới nhất của thành phố Ðà Nẵng, hiện có 650 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu đang sống trong chung cư cũ nát, quá hạn sử dụng, chờ được di dời đến nơi ở mới. Các hộ dân này sinh sống tại các chung cư Thuận Phước, Lâm Ðặc Sản (quận Hải Châu) và chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu).

Trước đó, vào tháng 12/2021, UBND thành phố Ðà Nẵng đã thống nhất địa điểm xây dựng các khu chung cư thay thế ba khu chung cư này với 648 hộ dân đang sinh sống. Hiện tại các khu chung cư này đã xuống cấp và chỉ được phép sử dụng đến hết năm 2021 theo quy định.

Hai năm qua, cơ quan chức năng thành phố Ðà Nẵng đã thực hiện việc kiểm định và xếp hạng ba khối nhà chung cư này ở mức nguy hiểm cấp độ C. Tuy nhiên, người dân sinh sống tại các căn hộ này hiện đang đối mặt với nhiều vất vả, khó khăn, các căn hộ ẩm mốc, bong tróc, có nguy cơ “sập bất cứ lúc nào”, nhất là trong mùa mưa bão...

Mới đây, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Ðà Nẵng tháng 12/2023, các đại biểu đã chất vấn mạnh vấn đề này và cho rằng, thành phố cần sớm chốt phương án xử lý thực trạng này, người dân sinh sống tại đây phần lớn là hộ khó khăn, toàn hộ nghèo, cận nghèo, họ cần sớm có chung cư mới để thuê ở, ổn định cuộc sống.

Theo ông Phạm Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Ðà Nẵng, năm 2022, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, kiểm định lại ba khối nhà chung cư này và xác định xuống cấp ở cấp độ C. Theo quy định, nhà chung cư cấp độ C vẫn có thể sửa chữa để cho tồn tại. Tuy nhiên, các khối nhà chung cư này có nhiều bất cập nếu sửa chữa nên Sở đã đề xuất và thành phố thống nhất di dời ba chung cư này, thời gian dự kiến trong năm 2024-2025.

Thành phố đưa ra hai phương án đối với người dân ở các khu chung cư này khi di dời. Thứ nhất, thành phố dùng ngân sách xây chung cư mới, nhà ở xã hội cho người dân thuê lại. Thứ hai, người dân sẽ mua lại nhà ở xã hội của thành phố (hiện đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư hai chung cư tại số 10 Trịnh Công Sơn và chung cư mới tại chung cư Hòa Minh). Dự kiến tháng 1/2024, các đơn vị sẽ báo cáo phương án cụ thể cho Hội đồng nhân dân thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng có 42 khu chung cư và nhà liền kề thuộc sở hữu Nhà nước gồm 177 block với 9.882 căn hộ đã được UBND thành phố Ðà Nẵng phê duyệt bố trí cho thuê căn hộ chung cư đối với các đối tượng đáp ứng các điều kiện theo quy định. Trong số này, có ba chung cư xuống cấp nghiêm trọng nêu trên. Ghi nhận của phóng viên tại các chung cư này, người dân đều có chung mong muốn sớm được di dời, thuê ở chung cư khác để bảo đảm an toàn và sớm ổn định cuộc sống.

Thực trạng xuống cấp của các chung cư này hiện đang là vấn đề cần lưu tâm, đối với cả công tác bảo đảm an toàn cho người dân và vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Tại chung cư Thuận Phước, nhiều năm qua người dân sống chung với tình trạng trần nhà bị nước thấm dột, tường nhà bong tróc, xuống cấp. Nhiều hộ dân đã buộc phải căng bạt ni-lông trên trần nhà để che chắn thấm dột. Nhiều hộ sống chen chúc trong một căn phòng diện tích chật hẹp, nhếch nhác.

Trong khi đó, chung cư Hòa Minh thuộc tổ 46-50 xuống cấp nghiêm trọng. Ðây là chung cư được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2001 với 8 block, thiết kế ba tầng, bố trí cho 288 hộ dân diện giải tỏa, hộ nghèo. Ðến nay, sau 22 năm, phần lớn tường bị thấm dột, trần nhà bong tróc, sân thành nơi xả nước thải, rác ô nhiễm môi trường, nhếch nhác. Ðây cũng là những khu chung cư xây dựng khi thành phố Ðà Nẵng bắt đầu chỉnh trang đô thị và so với quy hoạch chung của thành phố hiện nay, đã không còn phù hợp.

Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố đã chỉ đạo lên kế hoạch để di dời người dân tại các chung cư xuống cấp này. Trước mắt, thành phố sẽ rà soát lại các chung cư, căn hộ hiện có để bố trí chỗ ở tạm cho khoảng 500 hộ gia đình ở ba chung cư xuống cấp nêu trên. Ðối với các hộ dân ở đó, đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố ủng hộ chủ trương có chính sách riêng, giống như chính sách hỗ trợ thuê nhà ở cho dân khi tái định cư.

Thành phố sẽ đề xuất mức hỗ trợ cho người dân trong vòng 2-3 năm để ở tạm. Ðối với các hộ dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì thành phố tạo điều kiện giới thiệu, hướng dẫn cụ thể. Còn nếu không có điều kiện mua thì thành phố sẽ xây dựng các chung cư để các hộ dân thuê. Quan điểm của thành phố, các chung cư xuống cấp buộc phải di dời dân, tháo dỡ. Hiện nay thành phố đang kêu gọi xã hội hóa và dự kiến trong năm 2024-2025 sẽ có thêm hai chung cư nhà ở xã hội, đang cải tạo khu chung cư sinh viên phía tây và đã có tờ trình xin ý kiến Hội đồng nhân dân thành phố chuyển đổi công năng.

Ðà Nẵng đã có rất nhiều chủ trương, chính sách nhân văn đối với an sinh xã hội, thực hiện đúng nhiều mục tiêu đã đề ra như Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” (Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị). Thành phố đầu tư kinh phí xây dựng hàng loạt khu chung cư, nhà ở xã hội, ký túc xá, giải quyết bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ cho các đối tượng cán bộ, công chức, người dân nghèo, sinh viên khó khăn về chỗ ở, góp phần giúp người dân an cư, lạc nghiệp…

Và hiện nay, hơn 2.000 hộ dân đang sống bấp bênh trong những căn hộ chung cư xuống cấp nghiêm trọng, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền thành phố.