Thị xã Đông Hòa nằm phía nam tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa qua Đèo Cả trên tuyến Quốc lộ 1A. Vùng đất này có bề dày lịch sử trong đấu tranh chống giặc, giữ nước.
Những di tích lịch sử, thắng cảnh quốc gia là điểm đến của du khách như Vũng Rô-Đèo Cả gắn với chiến công hiển hách của đoàn tàu không số; Bãi Môn-Mũi Đại Lãnh nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam…
Hiện tại, thị xã Đông Hòa có hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh, với đủ các loại hình đường thủy, các tuyến quốc lộ bắc-nam, đông-tây; tuyến đường sắt bắc-nam và tiếp giáp với cảng hàng không Tuy Hòa… Đây là một trong các yếu tố quan trọng để thị xã Đông Hòa hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Bí thư Thị ủy Đông Hòa Trần Văn Tân cho biết, với thế mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, thị xã Đông Hòa đã huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển nuôi trồng và khai thác thủy hải sản đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế-xã hội. Giá trị sản xuất tăng bình quân 3 năm giai đoạn 2021-2023 đạt 6,46%; Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản 1.972,016 tỷ đồng, tăng bình quân 2,07%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết là 2,01%/năm).
Phường Hòa Vinh là trung tâm của thị xã Đông Hòa trong giai đoạn 2021-2023 đã có sự đổi thay đi lên rõ nét.
Nổi bật là công tác thu ngân sách cả ba năm đều vượt kế hoạch thị xã giao; năm 2020 đạt hơn 148%, 2021 đạt hơn 184%, năm 2022 đạt hơn 145%.
Thời gian qua, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, phường đã vận động, xây dựng chỉnh trang đô thị, đổ bê-tông hẻm phố hơn 3,4 km, chuyển đổi 22,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, trồng lúa sạch kết hợp nuôi tôm càng xanh; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động đạt và vượt kế hoạch hằng năm…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, đến thời điểm này thị xã Đông Hòa có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh vào năm 2025.
Cụ thể vừa qua, tại kỳ họp lần thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khóa VIII, đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh Phú Yên vừa công bố quyết định của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên, phần lớn diện tích của khu kinh tế nằm trên địa bàn thị xã Đông Hòa.
Theo quy hoạch, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực; tạo điểm bứt phá về kinh tế-xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ; tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Nơi đây cũng là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra Biển Đông của Tây Nguyên và các nước ASEAN...
Mới đây, Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) đề xuất với tỉnh Phú Yên xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm tại khu vực cảng Bãi Gốc, với dự kiến tổng mức đầu tư thực hiện dự án khoảng 5 tỷ USD; Tập đoàn Hòa Phát cũng đề xuất tiếp cận đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên, với tổng mức đầu tư hơn 120 nghìn tỷ đồng, gồm: Kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; Cảng Bãi Gốc; Khu liên hợp gang thép Hòa Phát và Khu thương mại dịch vụ…
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương cho biết, Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2020-2025 đã có Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 18/8/2021 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên. Đây cũng là điều kiện để Đông Hòa phát triển đi lên.
Thị xã Đông Hòa chú trọng đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị. |
Theo đồng chí Trần Văn Tân, Thị ủy Đông Hòa đã triển khai thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU. Ban Thường vụ Thị ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2022 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; chủ động tạo quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm theo hướng hiện đại và đồng bộ với Quy hoạch chung của tỉnh, nhất là các dự án có liên quan tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông đoạn đi qua thị xã (tuyến đường chính, đường công vụ, bãi thải, mỏ khoáng sản,…) để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trên địa bàn thị xã. Phối hợp các sở, ngành tạo điều kiện quan tâm đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả Cảng cá Phú Lạc, nhất là đa dạng các dịch vụ hậu cần nghề cá; tổ chức sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá, khuyến khích tổ chức sản xuất tập thể trên biển. Tổ chức thực hiện tốt chính sách Nhà nước hỗ trợ ngư dân, giúp ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo,…
Hiện nay, thị xã Đông Hòa là một địa bàn có nhiều thế mạnh về sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, với các khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, Hòa Hiệp 2 hoạt động ổn định, hiệu quả.
Trên địa bàn thị xã hiện có 230 doanh nghiệp, 5.000 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động. Đội ngũ doanh nhân trên địa bàn không ngừng nâng cao về số lượng và năng lực kinh doanh.
Định hướng đến năm 2025, thị xã Đông Hòa sẽ ưu tiên thu hút những dự án có tầm quan trọng, tạo động lực, tạo đà cho sự phát triển của thị xã, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hòa Nguyễn Lê Vi Phúc: Đông Hòa sẽ nỗ lực phối hợp Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đẩy mạnh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Để nâng cao các chỉ số PCI và thu hút đầu tư, thị xã Đông Hòa tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng và từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn.
"Thời gian tới, Thị ủy Đông Hòa tập trung đôn đốc, thực hiện quyết liệt các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo đảm các nghị quyết đại hội đề ra. Tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đông Hòa trở thành đô thị năng động, có ngành công nghiệp-dịch vụ phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa trên lợi thế cạnh tranh địa phương và theo định hướng của tỉnh về phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên, trong đó công nghiệp và dịch vụ-du lịch chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, trong đó tập trung rà soát, xử lý dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn, quan trọng…", đồng chí Trần Văn Tân cho biết.