Trong những năm gần đây, bằng những quyết sách và chủ trương đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt, tỉnh Thừa Thiên Huế tạo cơ hội và động lực để cảng Chân Mây chuyển mình và bứt phá.
Đánh thức tiềm năng...
Cảng Chân Mây có vùng nước sâu kín gió được che chắn bởi mũi Chân Mây Đông, ít bị bồi lấp. Cửa vịnh rộng, diện tích mặt nước lớn, đa phần có độ sâu tự nhiên từ 9-14m; chiều dài bến cảng kéo dài với hậu phương rộng mở. Khu vực đất liền là đồng bằng rất thuận lợi trong xây dựng các khu hậu cần cảng.
Cảng Chân Mây cũng là nơi kết nối gần nhất và thuận lợi trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Vị trí cảng nằm cách biệt với khu dân cư nên việc vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế, khu công nghiệp đi qua Quốc lộ 1A vào cảng khá thuận lợi.
Hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây. |
Ngoài ra, cảng biển này còn nằm ở vùng liên kết các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới kéo dài từ tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam, thuận lợi cho việc trở thành cảng biển du lịch quốc tế.
Cảng Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á và có thể đón tàu khách cỡ lớn, hiện đại dài đến 362m với tổng dung tích 225.282 GRT... Với lợi thế, tiềm năng về điều kiện tự nhiên như vậy nhưng suốt thời gian dài, cảng Chân Mây vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Công Bình cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do cảng Chân Mây chậm đầu tư cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị dành cho logistics. Trong 18 năm, cảng Chân Mây chỉ có một cầu cảng tổng hợp hoạt động với chiều dài trước và sau bến khoảng 420m; hệ thống kho, bãi chưa được đầu tư xây dựng, khiến cho chiến lược phát triển logistics bị hạn chế, tăng chi phí lưu bãi, giảm sức cạnh tranh.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Chân Mây Lê Chí Phai đánh giá, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh chưa đủ mạnh để đầu tư phương tiện có trọng tải lớn cả đường bộ và đường thủy. Nhiều đơn vị tham gia chuỗi cung ứng logistics nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, nhất là lĩnh vực vận tải. Nguồn hàng kinh doanh chưa đa dạng, không ổn định.
Bên cạnh đó, suốt thời gian dài, việc dùng chung cầu cảng số l vừa phục vụ hàng hóa tổng hợp, vừa phục vụ du lịch đã dẫn đến nhiều bất cập trong việc sắp xếp lịch đón tàu, vệ sinh khu vực cầu cảng, ảnh hưởng đến hoạt động và mỹ quan của một cảng biển. Các khu vực dịch vụ, hậu cần, câu lạc bộ thủy thủ để phục vụ khách du lịch và thủy thủ đoàn khi tàu cập cảng Chân Mây chưa được đầu tư.
Khách du lịch đến Thừa Thiên Huế qua cảng Chân Mây. |
Nhận thức rõ những bất cập, tồn tại trong việc phát triển cảng Chân Mây, từ năm 2019, cầu cảng tổng hợp số 2 đã được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng và đưa vào sử dụng vào tháng 7/2021. Cầu cảng số 2 có chiều dài 280m, cao độ đáy âm 14m, đủ khả năng đón tàu hàng có trọng tải toàn phần đến 50.000 DWT; cùng với đó là hệ thống kho, đường bãi, mạng kỹ thuật, khu đậu tàu, công trình kiến trúc, thiết bị chuyên dùng và các khu phụ trợ được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cảng Chân Mây chú trọng tập trung khai thác nguồn hàng container.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng hoàn thành việc xây dựng giai đoạn 1 đê chắn sóng cảng Chân Mây với chiều dài 450m. Dự án đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho việc vận hành 3 cầu cảng với thời gian khai thác trong năm đạt trên 97,5%, qua đó không chỉ bảo đảm an toàn mà còn tăng tính cạnh tranh của cảng Chân Mây so với các cảng biển trong khu vực.
Phát huy lợi thế cảng Chân Mây
Khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã bảo đảm an toàn và có thể phát huy hiệu quả, năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi vào lĩnh vực xuất nhập khẩu qua cảng. Theo đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi năm khoảng 18 tỷ đồng cho các hãng tàu, đại lý hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi, đến cảng Chân Mây.
Cụ thể, với tần suất mỗi tháng tối thiểu 2 chuyến trả hoặc bốc hàng tại cảng, các hãng tàu, đại lý hãng tàu sẽ được hỗ trợ 210 triệu đồng mỗi chuyến. Đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây, trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh sẽ được hỗ trợ 800.000 đồng đối với container 20 feet và 1,1 triệu đồng đối với container 40 feet.
Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Công Bình cho rằng, với việc tập trung nguồn lực kinh tế đầu tư hạ tầng kỹ thuật và ban hành các chính sách, cơ chế đặc thù trong khai thác tuyến hàng hải tại Khu bến Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo “cú huých” mạnh mẽ, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế hàng hải tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Khách du lịch đến Thừa Thiên Huế qua cảng Chân Mây. |
Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, cảng Chân Mây đã thông qua 15 chuyến tàu container quốc tế và 38 chuyến nội địa với lượng hàng container 5.660 teus; tổng hàng thông qua gần 9,3 triệu tấn, đạt doanh thu 166,5 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, cảng Chân Mây cũng đón 12 chuyến du lịch với 13.430 khách. Hãng tàu biển Royal Caribbean đã quyết định ứng vốn đầu tư để nâng cấp, tăng cường thêm các trụ neo, nạo vét khu nước, hệ thống đệm va tại cầu cảng số 1... để đủ tiêu chuẩn và khả năng tiếp nhận các tàu du lịch quốc tế cỡ lớn trong tương lai.
Ngày 24/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, cảng Chân Mây được điều chỉnh mở rộng lên 702 ha và đầu tư 750 tỷ đồng xây dựng đê chắn sóng cảng giai đoạn 2.
Hiện nay, giai đoạn 2, đê chắn sóng cảng Chân Mây dài 300m đang được xây dựng kết nối với 450m đê biển hiện có, để tạo thành tuyến đê biển dài 750m, bảo đảm an toàn và nâng cao năng lực khai thác hàng qua cảng Chân Mây, dự kiến năm 2023 đạt hơn 10 triệu tấn.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Thừa Thiên Huế được quy hoạch là cảng biển loại 1, nằm trong nhóm cảng biển số 2 kéo dài từ tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Khu vực này có chiều dài bờ biển khoảng 400 km, nhưng chỉ có cảng Chân Mây là cảng nước sâu tự nhiên thuận lợi cho tàu lớn ra vào.
Cảng Chân Mây được quy hoạch có khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 teus hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết: Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định đến năm 2030 quy mô phát triển cảng Chân Mây từ 8 cầu cảng đến 10 cầu cảng với tổng chiều dài lên đến 3.231m, năng lực thông quan từ 19,12 đến 22,92 triệu tấn, trong đó hàng container từ 0,2 triệu teus đến 0,4 triệu teus. Xây dựng khu bến Chân Mây bao gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và khu vực lân cận; tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương quốc Thái Lan.
Với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đúng hướng, đồng bộ, hiện đại và ban hành một số cơ chế chính sách thoáng mở, hiệu quả trong lĩnh vực phát triển kinh tế hàng hải, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt nhiều kỳ vọng sẽ phát triển logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, trong đó, cảng biển được xem là yếu tố cung ứng quan trọng nhất trong chuỗi dịch vụ logistics.
Sự phát triển của cảng Chân Mây sẽ góp phần gắn kết với sản xuất hàng hóa, phát triển hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin và thúc đẩy Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô phát triển, làm “đầu tàu” dẫn dắt nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh, bền vững trong tương lai. Sự vươn mình của cảng Chân Mây đã và đang góp phần tạo nên chuỗi giá trị kinh tế cao trong hệ thống cảng biển miền trung.