Huyện Tràng Định, từ lâu đã trở thành “Vương quốc” của cây thạch đen; diện tích cây thạch đen lớn nhất của tỉnh, luôn được duy trì ổn định từ 1.300 đến 2.000 ha, năng suất bình quân từ 5,4-6 tấn/ha, sản lượng bình quân 7.000-11.000 tấn.
Biến đặc sản thành sản phẩm OCOP
Trước đây, giá cả cây thạch đen luôn bấp bênh, do không có thị trường tiêu thụ ổn định. Nhưng từ năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho cây thạch đen của huyện Tràng Định.
Từ đầu tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm thạch đen.
Ông Hà Văn Mão, đại diện Hợp tác xã Thạch đen Hồng Nhung cho biết: Từ năm 2020, được sự giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành của huyện, gia đình ông đã chuyển đổi thành lập hợp tác xã, đầu tư dây chuyền sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, giới thiệu trên các nền tảng số như: Các sàn thương mại điện tử voso, postmart, trên các mạng xã hội...
Từ đó giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã tốt hơn, doanh thu năm 2022 đạt hơn 4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 900 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ có nguồn thu nhập ổn định từ 5-10 triệu đồng/tháng.
Chị Hàn Thị Hạnh, ở thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ sản xuất sản phẩm xúc xích, lạp sườn tươi, khi ăn phải qua chế biến và khó vận chuyển đi xa. Với mong muốn đưa sản phẩm đi xa hơn, bảo quản được lâu hơn, gia đình tôi đã đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại trị giá hơn một tỷ đồng.
Cùng với đó, gia đình xây dựng thương hiệu Bích Trâm cho sản phẩm, đăng ký tham gia chương trình OCOP, đến nay sản phẩm của gia đình tôi đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Hiện sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn phục vụ người tiêu dùng cả nước khi tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử”.
Hỗ trợ nâng tầm thương hiệu
Những sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu tập trung vào các loại mặt hàng nông sản đặc hữu ở mỗi địa phương như: Hồng không hạt Bảo Lâm; tinh dầu hồi, trà hoa vàng sấy lạnh; quả, lá mác mật khô; gia vị ướp thịt từ quả mác mật; tương ớt; trà diếp cá… Để nâng tầm cho các sản phẩm này, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm cụ thể, thiết thực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Huyện luôn ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Thời gian qua, huyện Cao Lộc đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tập trung cải thiện, bổ sung, bảo đảm chất lượng, hoàn thiện sản phẩm, như:
Hỗ trợ thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, logo, tem truy xuất nguồn gốc cho 23 sản phẩm của 14 chủ thể. Đồng thời, huyện giúp các chủ thể đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm, thị trường tiêu thụ thông qua việc hỗ trợ tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Từ đầu năm đến nay, huyện đã rà soát và lập được danh sách gần 20 sản phẩm có tiềm năng để xây dựng và từng bước nâng dần chất lượng, phát triển thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Mục tiêu chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025 phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; phấn đấu đánh giá phân hạng ba mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng; củng cố và nâng cấp ít nhất 40% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% là chủ thể doanh nghiệp vừa và nhỏ..., đến năm 2023 sẽ có khoảng 140 sản phẩm OCOP.
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ thể OCOP; phát triển các sản phẩm OCOP mới song song với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được gắn sao và nâng hạng cho các sản phẩm; nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, đặc biệt chú ý đến yếu tố bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững bản sắc các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; làm tốt công tác hỗ trợ cho các chủ thể OCOP về vốn, hạ tầng, chuyển đổi số, mặt bằng để quảng bá và giới thiệu sản phẩm.