Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Nỗ lực trong gian khó
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%. Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Việt cho biết: Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, gồm: cà-phê, cao-su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ; trong đó gạo và hạt điều là hai sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước; hạt điều tăng 10,5% khối lượng, tăng 7,7% giá trị xuất khẩu; xuất khẩu cà-phê đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2% về khối lượng nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%. Bên cạnh đó, điểm sáng đáng kể là mặt hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ và bằng 81,8% của cả năm 2022. Những kết quả này có được là nhờ sự chủ động tháo gỡ vướng mắc về đơn hàng và thị trường để gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự sụt giảm kim ngạch của hai ngành hàng quan trọng là thủy sản và lâm sản. Cụ thể, thủy sản đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%. Theo Phó Cục trưởng Lâm nghiệp Triệu Văn Lực, giá trị xuất khẩu lâm sản chính nửa đầu năm 2023 giảm là do người tiêu dùng châu Âu, Mỹ thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu thụ sản phẩm từ gỗ nên việc mở thêm đơn hàng mới vô cùng khó khăn. Trong khi đó, chi phí nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đáng kể đến kết quả xuất khẩu của toàn ngành. Ngoài ra, hiện doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ còn phải đối mặt với các quy định, yêu cầu mới từ thị trường Liên minh châu Âu (EU)... Do vậy, khả năng đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Với ngành hàng thế mạnh thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sụt giảm do hai yếu tố chính là lạm phát và tồn kho ở hầu hết các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…
Phát huy thế mạnh của các mặt hàng triển vọng
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Toàn ngành nông nghiệp vẫn quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0-3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD. Để hoàn thành được mục tiêu này, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Mục tiêu là nông sản chính đạt 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD. Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu thì cần quan tâm đặc biệt đến sản xuất để bảo đảm nguồn cung đủ và chất lượng. Do đó, cần theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn, bão lũ, thiên tai, nguồn nước, xâm nhập mặn để kịp định hướng thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; quản lý tốt việc cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu cho toàn ngành, thì những ngành hàng trọng điểm, có sức bứt phá mạnh về giá trị kim ngạch cần được quan tâm để phát huy tiềm năng tăng trưởng hơn nữa. Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng: Rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, minh chứng là chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt cao như 6 tháng đầu năm nay. Nếu tiếp tục đà tăng trưởng này, thì chắc chắn cả năm 2023 sẽ đạt hơn 5 tỷ USD.
Thời gian tới, các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm từ công nghệ chế biến sâu sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu có nhiều cơ hội tăng mạnh, và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD có thể đạt được trong tương lai không xa. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là sản phẩm cần đáp ứng tốt quy định mới của nhiều thị trường. Nếu trước đây, các thị trường chủ yếu đưa ra các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay đã mở rộng nhiều yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh như các yếu tố về môi trường, lao động…, đòi hỏi doanh nghiệp phải hết sức chú trọng.
Cùng với rau quả, ngành hàng lúa gạo cũng đang kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 4 tỷ USD sau khi có bước tăng trưởng vượt bậc trong 6 tháng đầu năm. Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa nhận định: Những tháng cuối năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng cả sản lượng và kim ngạch do lượng gạo sản xuất tại nhiều quốc gia tại châu Á đang đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino. Do đó nhu cầu tiêu thụ gạo cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế sẽ còn gia tăng. Bình quân 6 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian tới, thực hiện Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, các ngành chức năng sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế; cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc… để tăng sức cạnh tranh cho gạo Việt Nam.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.