Quảng Bình nâng chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

Tại Quảng Bình, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp địa phương có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Với mục tiêu nâng hạng, hướng tới xuất khẩu, các doanh nghiệp, hợp tác xã đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Bình đạt chuẩn 3-4 sao được tiêu thụ nhiều ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Bình đạt chuẩn 3-4 sao được tiêu thụ nhiều ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực của từng địa phương. Dù bước đầu triển khai gặp nhiều khó khăn, song với tiềm năng sẵn có, việc thực hiện chương trình này ở tỉnh Quảng Bình đã bước đầu phát huy hiệu quả. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng bắt nhịp và chọn được sản phẩm đặc trưng để đầu tư sản xuất, góp phần khôi phục các nghề truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, huyện Bố Trạch, Nguyễn Quốc Hương cho biết: "5 năm qua, chuỗi cung ứng sản phẩm nấm dược liệu giữa hợp tác xã với các hộ dân, tổ hợp tác trồng nấm trong tỉnh được thực hiện hiệu quả. Qua đó, tạo việc làm cho gần 400 lao động ở các địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi lao động 5 triệu đồng/tháng. Ngoài các sản phẩm chế biến từ các loại nấm như nấm mộc nhĩ khô, nấm sò khô, nấm hoàng đế, rượu nấm linh chi, hợp tác xã đã sản xuất trà xanh linh chi, trà cà gai leo linh chi; trong đó có những sản phẩm được công nhận hạng 4 sao. Đơn vị đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nấm thương phẩm và sản phẩm chế biến từ nấm với Co.opmart một số tỉnh miền trung, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Sản phẩm trà xanh linh chi của hợp tác xã đã xuất khẩu sang Thái Lan và Nga. Gần đây, hợp tác xã dùng bã thải nấm để trồng rau má theo quy trình hữu cơ và sản xuất trà thảo mộc rau má túi lọc được thị trường trong khu vực ưa chuộng.

Cũng với cách chọn đầu tư mô hình trồng và chế biến sản phẩm dược liệu, đầu năm 2022, Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch đón nhận niềm vui khi sản phẩm cao thìa canh Thanh Bình được tỉnh Quảng Bình công nhận đạt hạng 4 sao. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Thị Giang cho biết, để sản xuất bền vững và hiệu quả, toàn bộ diện tích trồng cây thìa canh của hợp tác xã đều được áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây nguyên liệu sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng phân hóa học. Sản phẩm cao 100% nguyên chất từ cây thìa canh. Sau khi đạt OCOP 4 sao, đơn vị tiếp tục mở rộng diện tích, phát triển nguồn nguyên liệu sạch, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong năm 2022, sản phẩm cá bờm trắng của Hợp tác xã sản xuất, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn, huyện Quảng Ninh có mặt tại nhiều đại lý, sàn thương mại điện tử trong cả nước. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng đã xuất khẩu qua các nước trong khu vực. Giám đốc hợp tác xã Nguyễn Thị Đoàn cho biết, dù sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng tin dùng nhưng mục tiêu mà đơn vị hướng tới là sản phẩm cá bờm trắng đạt 5 sao. Muốn vậy, hợp tác xã đang đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch.

Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Hoàng Tiến Cường cho biết, sau 4 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay Quảng Bình có 94 sản phẩm được công nhận. Cùng với các kênh phân phối, mua bán truyền thống, thời gian gần đây, các cơ quan, đơn vị ở tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể sản xuất đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử. Cụ thể, đến nay, có 37 sản phẩm OCOP của Quảng Bình được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP trên nền tảng số cho nên việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp địa phương này nhanh chóng và ổn định hơn.

Tuy nhiên, dù sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Quảng Bình đa dạng, phong phú, nhưng số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP còn thấp, thiếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. Các sản phẩm có nguồn gốc, lợi thế địa phương của Quảng Bình còn hạn chế về bao bì đóng gói và khả năng cạnh tranh, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Việc đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử hiện nay gặp không ít khó khăn bởi đây là phương thức tiêu thụ khá mới với người nông dân, nhất là đồng bào ở miền núi, vùng sâu. Đa số các chủ thể có sản phẩm OCOP ở Quảng Bình là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế về quy mô sản xuất, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Đoàn Ngọc Lâm cho biết, với mục tiêu tạo đột phá trong chương trình OCOP, tỉnh Quảng Bình đã xác định phải tích cực khơi dậy sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia OCOP; đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP bảo đảm đồng bộ, hiện đại và hoạt động bài bản. Mục tiêu cụ thể là nâng tầm giá trị cho sản phẩm OCOP tại thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng bền vững; phấn đấu năm 2025, Quảng Bình có 3 đến 5 sản phẩm đạt 5 sao.

Để thực hiện được mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình phối hợp với các ngành, đơn vị hỗ trợ đưa tất cả sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; giúp các chủ thể xây dựng một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP ở cấp huyện. Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ một số sản phẩm có tiềm năng mở rộng vùng nguyên liệu, nâng quy mô sản xuất, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng như ISO, HACCP để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài.