Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị là nơi địa đầu giới tuyến, là chiến trường diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch; là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ của nhân dân ta. Bằng cuộc tổng tiến công chiến lược, hướng chủ yếu mặt trận Trị-Thiên năm 1972, quân và dân ta đã bất ngờ tấn công, vây ép và tiêu diệt một loạt căn cứ của quân đội Sài Gòn từ bắc đường 9 đến Đông Hà, Ái Tử và thị xã Quảng Trị, đập tan hệ thống phòng ngự “lá chắn thép” kiên cố nhất của Mỹ-ngụy ở miền Nam, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng vào ngày 1/5/1972.
Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu kiên cường chống địch phản kích, bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị của quân và dân ta đã tác động trực tiếp, làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền nam, giáng một đòn mạnh mẽ vào âm mưu đàm phán trên thế mạnh của kẻ thù, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, rút quân về nước; tạo nên thế và lực mới, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Đi ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, Quảng Trị bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương từ hoang tàn, đổ nát; chung sức, đồng lòng đoàn kết, vượt khó đi lên cả khi trong ngôi nhà chung Bình-Trị-Thiên, hay khi trở về với tên gọi của chính mình. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị luôn phát huy truyền thống anh hùng, đồng cam cộng khổ, cần cù và sáng tạo để tái thiết và xây dựng quê hương. Đảng bộ và các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã đưa ra các quyết sách phù hợp trong mỗi thời kỳ, để đáp ứng kịp thời những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, đưa Quảng Trị chuyển mình, phát triển.
Từ năm 1989 đến nay, nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị liên tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt 7,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, với gần 80% phi nông nghiệp. Quy mô nền kinh tế tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989. Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh đạt 6,5%, xếp thứ 3 trong 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung và đứng thứ 18 trong cả nước.
Một nền kinh tế đi lên từ con số âm sau chiến tranh, một nền kinh tế manh mún, lạc hậu khi mới lập lại tỉnh nay đã có sự phát triển toàn diện và có những mũi đột phá, hiệu quả trên tiềm năng, thế mạnh riêng có..., là bước tiến vượt bậc của tỉnh. Từ chỗ trắng về công nghiệp, theo dòng thời gian, đã có ngày càng nhiều công trình, dự án về công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến được triển khai, đem lại cho quê hương Quảng Trị một diện mạo mới.
Đến nay, đã hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, tạo ra các thương hiệu uy tín trên thị trường trong và ngoài nước từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, kết nối và nâng cao chuỗi giá trị cho sản xuất hàng hóa trong tỉnh.
Trước đây, những người lạc quan nhất cũng khó hình dung được ngọn gió Lào khắc nghiệt và cái nắng mùa hè rát bỏng từng là nỗi ám ảnh của mảnh đất Quảng Trị, lại trở thành một nguồn lợi kinh tế có tiềm năng to lớn, bắt nguồn từ thay đổi trong tư duy “biến cái bất lợi thành tiềm năng phát triển”, với chủ trương phát triển năng lượng tái tạo.
Đến nay đã có 19 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời và 11 dự án thủy điện được đưa vào vận hành thương mại, đưa tổng công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh đạt 965,6 MW. Quảng Trị đang vươn lên trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực miền trung.
Không chỉ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, thương mại-dịch vụ đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho xã hội. Du lịch có bước phát triển hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và danh thắng được trùng tu, tôn tạo, khôi phục và gìn giữ, khai thác phục vụ du lịch. Những địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ của một thời hoa lửa năm xưa, nay là điểm đến của du lịch hòa bình và hữu nghị.
Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được một mạng lưới giao thông rộng khắp kết nối thành thị với nông thôn, đồng bằng với miền núi, hình thành những miền quê đáng sống, những làng nông thôn mới kiểu mẫu. Đôi bờ của những dòng sông một thời hoa lửa được kết nối bằng những cây cầu: Cửa Tùng, Cửa Việt, Thạch Hãn, Hiếu Giang... Đường 9 năm xưa “gọi ta đi đánh giặc” nay được nâng cấp, mở rộng thành con đường xuyên Á, kết nối Thái Bình Dương với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) rộng lớn. Hệ thống hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nhiều chỉ tiêu văn hóa-xã hội của tỉnh đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được thường xuyên chăm lo thực hiện tốt. Với đặc thù là địa phương có số lượng thương binh, liệt sĩ và người có công khá lớn, chiếm tỷ lệ hơn 20% so dân số trong toàn tỉnh, tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt, ưu tiên dành mọi nguồn lực để chăm lo về đời sống, vật chất đối với người có công.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã cơ bản giải quyết nhà ở cho các đối tượng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, thương binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà tạm bợ, dột nát; 99% số hộ gia đình chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.
Là địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng, xác định thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng-an ninh sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc phối hợp phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh; thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, an ninh chính trị được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tăng cường quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, nhất là thường xuyên củng cố, vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với hai tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào.
Những thành tựu sau nửa thế kỷ tái thiết, xây dựng, đổi mới và phát triển quê hương Quảng Trị có thể còn khiêm tốn so nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng so với Quảng Trị là sự cố gắng vượt lên chính mình; đó là kết tinh của mồ hôi và nước mắt, của trí tuệ và bản lĩnh, của khát vọng và tâm huyết của các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Để có được những thành công ban đầu ấy, Quảng Trị trân trọng sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước, sự đồng lòng, nỗ lực của toàn thể nhân dân, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Trong tất cả các nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh thường xuyên coi trọng xây dựng khối đoàn kết, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực hoạt động và hiệu quả điều hành của HĐND, UBND, tập trung hướng về cơ sở; coi trọng khâu tổ chức thực hiện. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng chuyển biến tích cực theo hướng gần dân, sát dân. Đảng bộ tỉnh đã phát huy cao độ tinh thần cách mạng, là Đảng bộ của lòng dân, lấy giá trị lịch sử và truyền thống làm động lực phát triển.
Với bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Trị Anh hùng, cùng với những thành quả đã tạo dựng được, những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, trên chặng đường sắp tới, đón nhận những vận hội, thời cơ mới, với ý chí, niềm tin và khát vọng đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị nguyện đoàn kết một lòng, đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quảng Trị vững về kinh tế, mạnh về an ninh-quốc phòng, trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025, và khá vào năm 2030, tất cả vì cuộc sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong 50 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất và tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần 2.
LÊ QUANG TÙNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị