Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm với với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; giúp học sinh, sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.
Điểm nhấn của sự kiện là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia. Cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên có đội tuổi từ 12-24 tuổi, được phát động từ tháng 4/2021 và đã nhận được gần 400 dự án. Các dự án được đánh giá chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực. 70 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi.
Đưa khởi nghiệp vào chương trình chính khóa
Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án 1665 của Chính phủ về việc Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và của các cơ sở đào tạo, Đề án đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Về công tác hỗ trợ đào tạo: Tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đa xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước.
Về tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, có 50% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên. Có khoảng 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các nhà trường, hướng tới xây dựng các trường đại học thực sự là Trung tâm của đổi mới sáng tạo. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu xây dựng môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo dưới dạng chính khóa (bắt buộc hoặc tự chọn) hoặc đưa vào các chương trình đào tạo ngoại khóa, ngắn hạn bảo đảm giúp sinh viên hiểu về khởi nghiệp và đánh giá đúng khả năng, năng lực của bản thân.
Nghiên cứu đề xuất số lượng giảng viên, cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp bảo đảm các hoạt động hiệu quả. Xây dựng các chương trình ươm tạo, tăng tốc đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của cựu sinh viên trên cơ sở kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức ươm tạo ngoài cộng đồng để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiếp tục huy động các nguồn lực của trường, nguồn lực xã hội hóa xây dựng các không gian chung, các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất thử và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp bảo đảm thiết thực, phù hợp các nhóm, ngành đào tạo. Tăng cường phối hợp nhà trường và doanh nghiệp để hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành, trải nghiệm, phối hợp sản xuất thử các sản phẩm mẫu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Trong đó, nghiên cứu thí điểm về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp vốn vào các dự án ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên phù hợp với quy định của pháp luật; nghiên cứu cơ chế đặt hàng, phối hợp, nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm giữa doanh nghiệp, nhà trường và giảng viên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp.