Bước vào vụ thu hoạch cam, anh Lương Văn Tươi, chủ vườn cam VietGAP thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên cho biết: “Hiện nay, người tiêu dùng không chỉ chú ý đến chất lượng, mẫu mã mà còn rất quan tâm đến quy trình sản xuất ra trái cây sạch, an toàn. Vì vậy, quy trình sản xuất cam, bưởi sạch được gia đình tôi hết sức chú trọng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, như: sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn, bẫy sinh học để bắt côn trùng, sử dụng các loại thuốc vi sinh...”.
Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên năm nào vườn cam nhà anh Lương Văn Tươi cũng được nhiều khách hàng đến mua, sản lượng tiêu thụ ổn định, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình từ 200 – 300 triệu đồng/năm.
Đầu ra cho nông sản, nỗi lo không của riêng ai
Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp nên gia đình anh rất lo cho đầu ra cho 2 mẫu cam Hưng Yên, cam đường canh và bưởi Diễn, với sản lượng khoảng 17 tấn cam Hưng Yên và quýt đường canh và hơn 7.000 quả bưởi Diễn…
Nỗi lo của anh Tươi cũng là điều băn khoăn của nhiều hộ trồng cam, bưởi xã Đồng Thanh, nơi có diện tích trồng cây có múi lớn ở tỉnh Hưng Yên, với hơn 200 ha cam, bưởi, trong đó có khoảng 30 ha của Hợp tác xã sản xuất rau, quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Từ năm 2011, nông dân xã Tam Đa, huyện Phù Cừ đã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đầu tư cải tạo ruộng đồng đưa nhiều giống cam vào trồng với quy mô lớn. Toàn xã hiện có hơn 50 ha trồng cam tập trung trồng thành vùng ở thôn Ngũ Phúc, gồm các giống: cam Hưng Yên, cam đường canh và cam Bố Hạ. Để nâng cao chất lượng sản phẩm cam, năm 2018 huyện Phù Cừ đã hỗ trợ hộ trồng cam liên kết thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Ngũ Phúc và xây dựng vùng trồng cam theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP với diện tích hơn 21 ha. Các hộ tham gia mô hình trồng cam VietGAP ở xã Tam Đa được tập huấn về quy trình sản xuất, hỗ trợ một phần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là phân tích mẫu đất, nước và chất lượng sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch.
Do bảo đảm về chất lượng, mẫu mã nên việc tiêu thụ thuận lợi, giá bán cam cao hơn thị trường từ 20% đến 30%; mỗi ha trồng cam mang lại thu nhập cho người dân khoảng 350 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ vườn cây có múi rộng 1,5 ha ở xã Tam Đa cho biết: “Năm nay nhiều nơi có dịch Covid-19, huyện Phù Cừ đã sớm chủ động hỗ trợ nông dân thêm kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Mong rằng việc bán hàng thuận lợi và được giá như những năm trước”.
Xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên hiện có 56 ha trồng cam, trong đó có 32,5 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Anh Nguyễn Văn Biết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Châu nhận định: sản lượng cam của cả xã Quảng Châu ước đạt 400 tấn, chỉ bằng 80% so với năm 2020; hiện nay, giá bán đầu vụ từ 14.000 – 15.000 đồng/kg. Để giúp bà con trồng cam tiêu thụ sản phẩm thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Nông dân xã Quảng Châu và HTX đã ký kết với một số doanh nghiệp đưa sản phẩm xuất bán vào một số siêu thị và bán hàng trên sàn thương mại điện tử...
Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, tỉnh có khoảng 15.000 ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt 236.492 tấn; trong đó, diện tích có múi hơn 4.250 ha; sản lượng năm nay ước khoảng 65.000 tấn, chủ yếu là cam Hưng Yên, cam V2, quýt Đường Canh, bưởi Phú Diễn, bưởi Da xanh, bưởi Hoàng Trạch, được trồng nhiều tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên. Thị trường tiêu thụ sản phẩm cây có múi của Hưng Yên ở trong nước là chính, chiếm 98%-99% tổng sản lượng quả.
Hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ cam, bưởi
Để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất cây có múi, tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ các tổ chức đoàn thể, đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, giúp nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Toàn tỉnh có hơn 1.000 ha cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP, cho sản lượng khoảng hơn 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh cũng hỗ trợ thành lập mới các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường; phát triển các mô hình liên kết hợp tác, mô hình chuỗi hiệu quả...
Năm nay, dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng đến sản xuất, thu mua, vận chuyển và tiêu thụ nông sản; trong đó, có cam, bưởi… Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, Đỗ Minh Tuân, cho biết: tỉnh Hưng Yên sẽ chủ động thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp.
Trước mắt, đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm, bán hàng qua sàn thương mại điện tử; duy trì tốt các kênh bán hàng qua hệ thống chuỗi các cửa hàng an toàn, siêu thị; tạo sự kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp với các HTX, nhà vườn. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục mở rộng ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên với người tiêu dùng. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Tuyển chọn, cải tạo các giống cây có múi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Hỗ trợ mở rộng chứng nhận VietGAP, VietGaHP…
Tỉnh cũng hỗ trợ thành lập mới các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường; phát triển các mô hình liên kết hợp tác, mô hình chuỗi. Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường theo ngành hàng và theo khu vực thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; cập nhật thông tin về chính sách thương mại và diễn biến của từng thị trường để xây dựng chiến lược, định hướng phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, nhà vườn tham gia các hội chợ, triển lãm thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu; kết nối các tour, tuyến du lịch đến với các điểm giới thiệu sản phẩm…