Theo Ủy ban Nữ Nghị sĩ AIPA, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới các nước, phụ nữ và trẻ em đang bị ảnh hưởng tiêu cực và sâu sắc hơn nam giới. Trong đó, lao động nữ trong các ngành nghề dịch vụ, nghề thuộc khu vực phi chính thức, hoặc các công việc lao động chân tay bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ dịch bệnh. Theo thống kê, có 30% số lao động nữ làm việc ở các lĩnh vực này bị thiệt hại, ảnh hưởng sinh kế, giảm thu nhập hoặc mất thu nhập do dịch.
Tại Việt Nam, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến việc làm, thu nhập của hàng triệu lao động nữ, nhất là lao động nữ khu vực phi chính thức: bán hàng rong, dịch vụ, giúp việc nhà ảnh hưởng nặng nề. Theo khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam (Tổ chức quốc tế chống đói nghèo), trên thực tế, lao động phi chính thức chiếm hơn 57% lực lượng lao động của Việt Nam và nhiều người trong số họ là phụ nữ. Họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp rất lớn từ đại dịch Covid-19 kéo dài do mất sinh kế, thu nhập. Số liệu khảo sát cho thấy, gần 70% số người lao động trong khu vực này bị giảm thu nhập, hơn 90% bị ốm trong thời gian giãn cách xã hội nhưng có tới hai phần ba số người ốm lựa chọn ở nhà và tự chữa trị... Dù gói an sinh xã hội của Chính phủ đã hướng tới lao động tự do, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho số lao động này, tuy nhiên, với số lượng người mất việc làm chiếm tỷ lệ lớn và chịu nhiều thiệt thòi, phần lớn phụ nữ thuộc khu vực phi chính thức chưa được tiếp cận đầy đủ với các hỗ trợ và quan tâm thỏa đáng từ các tổ chức xã hội hoặc cộng đồng. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ luôn thực hiện các “nghĩa vụ” chăm sóc chồng con, gia đình không lương. Khi thất nghiệp do dịch Covid-19, giờ đây, cộng thêm với áp lực về kinh tế và áp lực trong thời kỳ thất nghiệp dẫn đến xung đột quan hệ giới và làm gia tăng bạo lực gia đình. Gánh nặng kiếm tiền lo cho gia đình trong thời gian giãn cách được chuyển lên vai người phụ nữ. Điều này cho thấy, phụ nữ trong khu vực lao động phi chính thức là một trong những đối tượng chịu nhiều tác động và thiệt thòi nhất từ đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các chuyên gia về giới cảnh báo, nếu không được khắc phục một cách toàn diện, hậu quả về sức khỏe tinh thần và kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến bất bình đẳng giới và nguy cơ đẩy lùi những thành quả đã đạt được trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ trong những thập kỷ gần đây.
Trước thực trạng nêu trên, rất cần có những hoạt động hỗ trợ thiết thực hơn nữa nhằm góp phần nâng sức chống chịu, tạo thêm vốn sinh kế cho các lao động nữ ở khu vực phi chính thức. Đặc biệt, cần có sự chung tay của Chính phủ, cộng đồng cũng như các tổ chức xã hội tập trung tạo ra những chính sách và phản ứng kịp thời nhằm hỗ trợ những người phụ nữ có sinh kế bấp bênh để họ có thể tiếp cận nguồn vốn giúp họ bảo đảm cuộc sống. Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ phục hồi sau đại dịch. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp, tạo liên kết khu vực hỗ trợ phụ nữ có việc làm, tạo sinh kế, tham gia thị trường lao động thông qua môi trường kỹ thuật số; tiếp tục quan tâm đến các chính sách hỗ trợ về tài chính, tài chính vi mô để phụ nữ nói chung, nhất là phụ nữ nghèo, mất việc làm, phụ nữ dân tộc thiểu số, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 có cơ hội tiếp cận việc làm và phát triển sinh kế...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy các quốc gia tăng cường chuyển đổi số nhanh hơn. Khi đó, nếu lực lượng lao động nữ không kịp thích ứng với xu hướng số hóa thì sẽ không tận dụng được nền tảng số, mất cơ hội việc làm mới. Do vậy, cần đào tạo và đào tạo lại cho phụ nữ khu vực phi chính thức để họ có thể tái hòa nhập xã hội, tìm kiếm việc làm nhanh nhất sau đại dịch.