Giảm mạnh dự án quy mô nhỏ
Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh tiếp tục tăng, góp phần duy trì ổn định tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả nước. Mặc dù dịch bệnh diễn ra từ năm 2020 ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư nhưng một số dự án lớn vẫn đi vào hoạt động đúng tiến độ, như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD; dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ; dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) tăng vốn đầu tư 750 triệu USD…
Theo Cục ĐTNN, việc giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần có nguyên nhân khách quan do dòng vốn FDI toàn cầu giảm; dịch Covid-19 tại các quốc gia đối tác vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Thế nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan do chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam làm giảm số lượng và tăng về chất lượng; các thủ tục đầu tư kinh doanh vẫn còn là rào cản và hoạt động xúc tiến đầu tư của các địa phương thiếu sự chủ động, kém hiệu quả vì làm theo cách truyền thống…
Biến động đáng chú ý trong hoạt động thu hút FDI sáu tháng đầu năm là sự sụt giảm về số lượng dự án cấp mới và dự án điều chỉnh vốn, nhất là ở các dự án có quy mô nhỏ. Cụ thể: số lượng dự án có quy mô dưới một triệu USD giảm 47,7% so cùng kỳ năm 2020 và giảm 54,2% so cùng kỳ năm 2019; dự án mới có quy mô dưới năm triệu USD giảm tương ứng 48,2% và 56,1%. Trong khi đó, dự án mới có quy mô hơn 50 triệu USD tăng 73,3%. Việc giảm số lượng dự án, trong khi vốn đăng ký tăng đã làm tăng quy mô bình quân của các dự án cấp mới từ mức gần sáu triệu USD/dự án trong sáu tháng đầu năm 2020 lên 11,8 triệu USD/dự án.
Ở góc nhìn tích cực, có thể coi đây là một sự sàng lọc những dự án nhỏ để hướng đến thu hút dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, theo phân tích của GS, TS khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN, do gần đây thu hút được một số dự án quy mô tỷ USD cho nên chia bình quân sẽ được số trung bình lớn hơn. Thế nhưng, về thực chất không hẳn số vốn trung bình của các dự án đã tăng lên, và còn sớm để nhận định đã có một sự sàng lọc dự án nhỏ như một trong những bước đi để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.
“Ngay tại Hà Nội cũng đang thu hút khá nhiều dự án quy mô nhỏ nhưng thiếu vắng những dự án chất lượng cao cần hướng tới. Các chính quyền địa phương cần có định hướng dành những dự án quy mô vài ba triệu USD cho doanh nghiệp (DN) trong nước. Đối với nhà ĐTNN, nên lựa chọn những dự án đủ tầm mới có thể cải thiện được chất lượng ĐTNN theo Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030”, GS, TS khoa học Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Khó nhất là tháo gỡ vấn đề nội tại
Nhờ giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng ấn tượng trước đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn FDI toàn cầu. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương tiếp tục đặt mục tiêu thu hút nhiều vốn FDI là một trong những yếu tố quan trọng để đi đến thành công. Trong đó, lợi thế thu hút FDI không chỉ đến từ vị trí địa lý, sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng mà còn ở chính sách trải thảm đỏ cho nhà ĐTNN thông qua ưu đãi về thuế, tiền thuê đất…
Mặc dù gần đây, vấn đề “cạnh tranh xuống đáy” giữa các địa phương để thu hút FDI đã được điều chỉnh song TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá, đến nay vẫn chưa nhận thấy có sự chuyển biến rõ nét trong vấn đề liên kết vùng để hợp sức đón dự án FDI quy mô xứng tầm, cho dù đây là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra trong công tác thu hút FDI giai đoạn mới.
Lấy thí dụ các tỉnh, thành phố Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh có dư địa rất tốt về đất đai để xây dựng hàng loạt khu công nghiệp quy mô lớn, tạo thành một vùng đủ rộng để thu hút các DN lớn, DN công nghệ cao vào đầu tư. Về hạ tầng những khu vực này đã hoàn thiện đồng bộ từ đường cao tốc, cảng biển đến sân bay để có thể kết nối theo vùng nhưng chưa có một sự liên kết giữa bốn địa phương để tận dụng những lợi thế sẵn có.
“Thật sự các tỉnh này có khả năng liên kết để đón nhận những dự án đầu tư xứng tầm hơn nhưng chưa liên kết với nhau để hợp thành sức mạnh. Liệu chúng ta có một chủ trương liên kết như vậy không, hay tiếp tục để các địa phương cạnh tranh nhau, vừa phân tán nguồn lực vừa làm giảm đi khả năng thu hút đầu tư so với tiềm năng của đất nước?”, TS Nguyễn Đình Cung trăn trở.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang có cơ hội lớn trong sự dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu. Việc tận dụng cơ hội đến đâu không chỉ nằm ở khả năng hóa giải những thách thức từ bên ngoài mà quan trọng hơn là ở việc xử lý những vấn đề nội tại trong thực thi chính sách. Một trong những vấn đề đó là thu hút đầu tư phải căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương, của vùng kinh tế và quy hoạch quốc gia.
Theo GS, TS khoa học Nguyễn Mại, Việt Nam hiện nay chưa đáng lo ngại về khả năng giảm thu hút vốn FDI như vấn đề của một số quốc gia khác, nhưng phải có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để nâng cao chất lượng vốn nước ngoài. Muốn vậy, cần nâng cao trình độ nhân sự của các ban quản lý khu công nghiệp vì đây là cơ quan tham mưu và tư vấn cho các địa phương ra quyết định lựa chọn dự án đầu tư.