Cơ hội cho nhạc kịch trong xu thế thưởng thức mới

Mấy năm gần đây, trên sân khấu Việt Nam xuất hiện nhiều vở nhạc kịch - một thể loại nghệ thuật quen thuộc với công chúng yêu nghệ thuật của thế giới nhưng với khán giả trong nước vẫn còn khá mới mẻ. Ðáng mừng là phần lớn các vở diễn này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem. Tuy nhiên, vượt qua sự quan tâm và hứng khởi ban đầu dành cho một "món ăn tinh thần" có phần mới lạ, xem xét một cách tổng thể, vẫn còn một số hạn chế, bất cập nếu không kịp thời khắc phục, nhạc kịch sẽ khó có thể có chỗ đứng vững vàng, dài lâu trong đời sống nghệ thuật.

Nhạc kịch Những người khốn khổ của VNOB.
Nhạc kịch Những người khốn khổ của VNOB.

Cuối tháng 4 vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vở nhạc kịch "Bầy chim thiên nga", dựa theo truyện cổ tích cùng tên của nhà văn Ðan Mạch Andersen (An-đéc-xen). Trước đó ít ngày, một vở nhạc kịch được xem như kiệt tác sân khấu thế kỷ 20 "Chuyện người lính" của nhà văn Thụy Sĩ C.F.Ramuz (C.F.Ra-mút) cũng đã ra mắt công chúng qua sự dàn dựng của các nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam phối hợp Xưởng kịch và nghệ thuật ATH nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ. Và vở diễn đã được công chúng hào hứng đón nhận. Nhìn lại khoảng 5 năm trở lại đây, có thể thấy nhiều vở nhạc kịch đã được dàn dựng tại một số đơn vị sân khấu khắp trong nam ngoài bắc. Như cuối năm 2016, đầu 2017, một dự án nhạc kịch đã làm xôn xao nền sân khấu đang thưa vắng khán giả, đó là dự án "Hope" (Mộng ước) của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh.

Dự án đã thực hiện thành công 35 đêm diễn tại sân khấu L’Espace bằng ba vở nhạc kịch kinh điển là "Góc phố danh vọng", "Ðêm hè sau cuối" và "Mộng ước không xa". Là một nghệ sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, Nguyễn Phi Phi Anh đã đem tới cho khán giả Việt Nam một số vở nhạc kịch đậm chất Broadway (một hình thức kể chuyện thông qua âm nhạc, diễn xuất, vũ đạo) và cũng đậm hơi thở đời sống đương đại. Dự án đã nhanh chóng được ghi nhận và trở thành một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời sống sân khấu nước nhà. Sau "cơn sốt Hope", nhận thấy tiềm năng phát triển của nhạc kịch trong lòng khán giả Việt, nhiều đơn vị bắt đầu "bén duyên" với thể loại này dưới nhiều hình thức khác nhau. Như Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Nhà hát kịch Shiri của Nhật Bản để dựng vở Majorin (Cô bé phép thuật) cuối năm 2016; Nhóm kịch Buffalo mang tới cho công chúng TP Hồ Chí Minh vở nhạc kịch kinh điển "Chicago"; Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh phối hợp Viện Goethe dựng vở "Con dơi" của nhạc sĩ người Áo J. Strauss (J.Xơ-tơ-rao) năm 2018... Ðáng chú ý, cuối tháng 11-2020, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam công diễn vở "Những người khốn khổ" - dựa theo tác phẩm của đại văn hào Pháp V.Hugo (V.Hu-go).

Không chỉ dàn dựng các vở nhạc kịch có kịch bản nước ngoài, các vở nổi tiếng trên thế giới, nhiều đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn đầu tư vào các nhạc kịch "made in Việt Nam" để ra những tác phẩm nhạc kịch thuần Việt. Có thể coi đây là xu hướng đáng quan tâm, thể hiện nỗ lực làm mới sân khấu của một số đơn vị nghệ thuật. Và chúng ta thấy ở khu vực phía nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh đã cho ra mắt vở "Dế mèn phiêu lưu ký"; Sân khấu kịch Idecaf dựng vở "Tiên nga"; Nhóm kịch trẻ Buffalo thực hiện liên tiếp các vở: "Chuyện tình nàng Giáng Hương", "Tuyết Sài Gòn", "Tấm Cám", "Vũ nữ", "Thủy Tinh - Ðứa con thứ 101"; Sân khấu Trịnh Kim Chi ra mắt vở "Lọ Lem truyền kỳ"; Sân khấu Thế giới trẻ có vở "Trót yêu". Ở khu vực phía bắc, các năm gần đây Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long liên tiếp ra mắt công chúng các vở nhạc kịch thuần Việt như: "Hà Nội xưa và nay", "Những thanh xuân rực rỡ" và mới nhất là vở: "Tôi đọc báo sáng nay". Tháng 9-2020, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã cho ra mắt vở nhạc kịch thuần Việt có tên "Trại hoa vàng" dành cho khán giả ở tuổi mới lớn, được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và tạo được tiếng vang trong dư luận.

Có thể thấy nhạc kịch đang được nhiều đơn vị nghệ thuật quan tâm, và cũng đang được công chúng yêu thích. Ðây là một thể loại sân khấu có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, kỹ năng diễn xuất, nghệ thuật sân khấu với ca khúc, lời thoại, vũ đạo. Nói cách khác, sự kết hợp giữa sân khấu và âm nhạc đã đưa tới kết quả là nội dung, sự biểu cảm của nhạc kịch hợp thành một chỉnh thể, cùng lúc đáp ứng được nhu cầu cảm thụ sân khấu và cảm thụ âm nhạc. Trên thế giới, nhạc kịch có tuổi đời vài trăm năm, rất được công chúng ưa chuộng, nhất là tại các nước châu Âu. Ở các nước có nền sân khấu lớn chuyên về nhạc kịch như West End (Anh), Broadway (Mỹ), để được xem một vở diễn nhạc kịch nổi tiếng, khán giả thường phải mua vé trước cả tháng, thậm chí chờ đợi cả năm trời. Còn tại Việt Nam, vì nhiều lý do mà từ khi nhạc kịch "Cô Sao" (kịch bản, âm nhạc: Ðỗ Nhuận) - được coi là tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam, được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng, biểu diễn lần đầu vào năm 1965, thì đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rất ít vở diễn mới ra mắt công chúng. Ngay cả nhạc kịch "Cô Sao" cũng chỉ mới được biểu diễn vỏn vẹn ba lần.

Suốt giai đoạn chống Mỹ, cứu nước và trong thời kỳ đổi mới, thậm chí ngay cả những thời điểm sân khấu Việt có sự bứt phá và phát triển mạnh mẽ song dường như nhạc kịch Việt vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật đất nước cũng như tìm được lối đi riêng để tạo nên bản sắc cho chính bản thân mình. Các năm gần đây, nhờ nỗ lực của một số đạo diễn trẻ và nghệ sĩ biểu diễn đào tạo bài bản ở nước ngoài về nước, nhạc kịch đã đến gần hơn với khán giả. Mặt khác qua internet, công chúng được tiếp cận nhạc kịch ở các sân khấu quốc tế và dần am hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật này hơn... Các yếu tố đó đã tạo ra "cú huých" giúp nhạc kịch hiện diện, từng bước tìm được chỗ đứng.

Dù được công chúng quan tâm như một "món ăn tinh thần" mới, song để có thể phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, nhạc kịch đang phải đối mặt cũng như nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết không ít khó khăn, hạn chế. Nhìn từ đặc thù thể loại, nhạc kịch thường đòi hỏi khắt khe, phức tạp về đạo diễn, âm nhạc, ánh sáng, cùng nhiều kỹ thuật bổ trợ trên sân khấu. Về diễn viên, để hóa thân vào nhân vật trong một vở nhạc kịch, nghệ sĩ bắt buộc phải có khả năng hát, vũ đạo, đặc biệt là khả năng diễn xuất thể hiện tâm lý nhân vật. Ngoài ra, nếu tham gia một vở nhạc kịch nước ngoài, diễn viên còn phải có khả năng ngoại ngữ tốt để hát hoặc thoại. Ðó là thực tế mà khi dựng nhạc kịch nhiều đạo diễn đã "kêu trời" vì tìm diễn viên cho các vai diễn quá khó. Ðiều này cũng dễ hiểu, bởi ở Việt Nam, nhạc kịch còn rất mới mẻ, hệ thống các trường đào tạo về điện ảnh, sân khấu, âm nhạc chưa từng đào tạo chuyên ngành nhạc kịch. Diễn viên tham gia nhạc kịch thường phải tự mày mò, diễn xuất thông qua chỉ dẫn của đạo diễn. Vì vậy, tính chuyên nghiệp của nghệ sĩ trong nhạc kịch hiện nay chưa cao. Bên cạnh đó, còn có các khó khăn mà khi dàn dựng nhạc kịch các đơn vị nghệ thuật phải đối mặt như: tốn kém thời gian, chi phí lớn, rủi ro cao, cho nên không phải đơn vị nào cũng đủ "dũng cảm" bỏ tiền đầu tư...

Một bất cập khác là hiện nay ở nước ta chưa có một nhà hát đạt chuẩn dành riêng cho nhạc kịch. Chỉ một số đơn vị có ưu thế về ca, múa, nhạc như Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Tuổi trẻ là có sân khấu biểu diễn nhạc kịch tương đối tốt. Chưa kể trên thực tế, nhiều nhạc kịch được công diễn vừa qua vẫn là cách làm "liệu cơm gắp mắm" của từng đơn vị, xét về quy mô sân khấu, nội dung câu chuyện, cách thức biểu diễn vẫn chưa thật sự đúng nghĩa nhạc kịch. Mặt khác, trong một số nhạc kịch, tính học thuật có nguy cơ bị xem nhẹ, mà như muốn hướng vào thị hiếu của số đông khán giả, gợi sự tò mò của họ là chính? Một số vở diễn lại na ná như chương trình tạp kỹ khi chủ yếu là ghép nối các ca khúc cùng một chủ đề đang được khán giả yêu thích, kèm theo một chút thoại cho có tính kịch, còn thiếu sự đầu tư, tổ chức có lớp lang, bài bản nên chưa mang tầm vóc của một vở nhạc kịch có tư tưởng, thông điệp rõ ràng. Một vài đạo diễn trẻ rất nhanh nhạy bám vào các chủ đề, sự kiện nóng hổi đang diễn ra trong cuộc sống để xây dựng một câu chuyện sân khấu, nhưng nội dung còn quá sơ sài, dễ dãi, âm nhạc chưa được đầu tư kỹ lưỡng nên khiến khán giả không khỏi thất vọng. Có vở diễn, nếu thẩm định bằng "con mắt" chuyên môn về thể loại, lại thấy nhạc kịch như chỉ là tập hợp những ca khúc đang có "độ nóng" trên thị trường, hoặc chú trọng câu khách bằng gương mặt các ca sĩ đang được công chúng quan tâm là chính, trong khi nội dung câu chuyện bị xem nhẹ. Một vấn đề cần thiết khác là việc quan tâm bồi dưỡng, đào tạo công chúng cho nhạc kịch. Vì một thể loại nghệ thuật được xếp vào "hạng sang" như nhạc kịch, nếu không có kiến thức nhất định về âm nhạc, khán giả sẽ khó mà cảm nhận cái hay, cái đẹp của vở diễn. Dường như số khán giả có trình độ thưởng thức âm nhạc thật sự trong thực tế vẫn chưa nhiều. Sự quan tâm của phần đông khán giả đối với nhạc kịch trong thời gian qua vẫn chủ yếu là thỏa mãn tò mò một "món ăn lạ" hơn là tìm đến với vở nhạc kịch để rung cảm, để cảm thụ một cách sâu sắc. Và dường như còn có một vài đạo diễn đang có ý định "bình dân hóa" nhạc kịch nhằm thu hút khán giả. Xét về bất kỳ phương diện nào, thì đây là quan niệm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nhạc kịch?

Dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng tín hiệu khả quan trong vài ba năm qua của nhạc kịch rất đáng để những người làm sân khấu tự tin, có động lực theo đuổi nhạc kịch, đưa nhạc kịch đến gần với người xem. Cần khẳng định nhạc kịch là một hướng đi cần khích lệ, một mảnh đất màu mỡ nhiều tiềm năng cho cả người làm sân khấu, âm nhạc và công chúng yêu nghệ thuật. Hy vọng với sự nỗ lực của các đơn vị sân khấu, âm nhạc, hội nghề nghiệp; các cơ sở đào tạo nghệ thuật sớm vào cuộc để đào tạo diễn viên nhạc kịch, tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho nghệ sĩ sáng tạo, đẩy mạnh tương tác truyền thông, giúp khán giả hiểu hơn, quan tâm hơn đến nhạc kịch, trong tương lai không xa, nhạc kịch sẽ nhanh chóng có chỗ đứng xứng đáng và bền vững trong đời sống nghệ thuật nước nhà.